Sáng tác

TRUYỆN NGẮN

Hoa lộc vừng

16:38, 07/08/2015 (GMT+7)

Nghĩa địa làng Bùi cạnh sông Cầu Chày. Ngày ấy có một người tự nguyện trông coi. Bình thường lão lo làm ăn hầu như không giao thiệp với ai, khi làng có người chết lão tất tả đi lại nói năng khác thường, tỉ mẩn hướng dẫn cách đào huyệt thế nào để khi đặt người âm xuống cho đỡ đau, xua đám trẻ chăn trâu dạt ra cho người ta cúng tế, hạ huyệt.

Xong việc, mọi người về hết, lão thui thủi một mình cùng đống hoa giấy, tiền âm, cầm chai rượu cúng, ngửa cổ lên trời tu mấy ngụm rồi loạng choạng ngất ngưởng thu dọn đồ cúng cho vào nhà. Hôm sau, lũ trẻ chăn trâu biết chắc lão còn ở ngoài vườn bày trò tập trận giả, trộm hết chuối, oản, bánh kẹo ra bãi tha ma chén sạch. Lão biết nhưng không thèm xua đuổi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lão có tên Trần Như Tiếp, dân làng Bùi quen gọi thân mật bằng cái tên cúng cơm từ bé là Cò Tiếp. Ai gọi thế nào mặc kệ, lão không thèm để ý, cứ dửng dưng vô cảm. Cò Tiếp dựng một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ xoan cạnh nghĩa địa, trồng các loại hoa màu đủ ăn. Làng bảo mắc điện, lão ậm ờ cho qua chuyện, bảo không có tiền. Các tổ chức đoàn thể khuyên lấy vợ lão nói lảng sang chuyện khác. Trong nhà trống huơ trống hoác không có gì đáng giá ngoài mấy bộ áo quần bộ đội đã cũ, một giường đơn và vài dụng cụ sản xuất vẹt mòn theo năm tháng. Bộ ấm trà và ống thuốc lào cũng đen sì, đặc quánh thâm u. Xung quanh nhà, lão đắp ụ trồng nhiều cây lộc vừng lấy từ đầu nguồn sông Cầu Chày, có hai cây đẹp, lão cho vào chậu cảnh cắt tỉa công phu tạo dáng mẹ bồng con.

Nhìn lão tỉa tót, nâng niu, chẳng khác mấy đại gia chơi bon sai sành điệu dưới phố. Ai trả bao nhiêu lão cũng không bán. Mùa xuân, hai cây lộc vừng ra hoa giống những sợi tơ trời rũ xuống như hai mái tóc buông xõa. Lũ chim trời động lòng rủ nhau về ngự, chuyền cành hót líu lo xua tan vẻ âm u tĩnh mịch, làm lão Tiếp cũng vui lây. Mới ngoài năm mươi tuổi, cổ lão đã có hốc, mắt trũng sâu như người đói ngủ, chân mày rậm, trán hói, hai hàm răng bám đầy trà thuốc. Lão cười ngô nghê trông đến tội nghiệp. Những người ở làng kháo nhau: Lão Tiếp mắc chứng mộng du. Mấy bà quá tuổi, góa chồng mỗi lần đi làm qua vườn gặp lão đều trêu:

- Anh Tiếp ơi, người ta con đàn con đống, còn anh để chúng em chờ đến bao giờ…?

Tiếp vốn là đứa con hoang được một người tốt bụng từ thị xã Thanh Hóa mang về cho ông Thiện làm con nuôi. Ông bà Thiện chân chất, phúc hậu nhất nhì ở làng Bùi nhưng sinh con một bề nên ông bà quý Tiếp hơn vàng. Tiếp lớn lên nhờ những giọt sữa thơm bú mướn, được trời sinh, trời dưỡng không ốm đau dặt dẹo rồi cũng đi học, chăn trâu cắt cỏ bình thường như những đứa trẻ khác. Có điều kỳ lạ, Tiếp học rất sáng dạ, thông minh, mới lớp sáu mà đã giải hộ được toán lớp bảy, làm không ít con gái ở trường làng để ý, liếc trộm, thán phục trong đó có con gái ông Chủ tịch xã Nhiêu Về. Mới mười lăm tuổi đã biết làm dáng, nhưng học kém, kiểm tra toàn nhìn bài của Tiếp. Bù lại, Nhiêu Về có đôi mắt bồ câu sắc đẹp, khuôn mặt thanh tú dễ nhìn, vồng ngực vun lên từng ngày và mùi hương thơm khó tả của tuổi dậy thì làm cho máu con trai trong người Tiếp rực lửa.

Những năm giữa thế kỷ trước, chiến tranh lan đến mọi nẻo quê, con trai làng Bùi xung phong ra trận gần hết, nhiều người không về, những người phụ nữ âm thầm gánh thêm phần góa bụa. Ngày ấy, chỉ còn lại những người đàn ông tật nguyền và phụ nữ ngày đêm thi đua sản xuất góp gạo nuôi quân. Vượt lên nhiều mất mát của chiến tranh, hạt gạo làng Bùi cũng âm thầm, lặng lẽ theo những cánh quân xuyên rừng vào tận trời Nam đánh giặc. Không chịu được nỗi cô đơn trống trải của người con trai thời loạn và khát khao cháy lòng được đi bộ đội cầm súng đánh giặc, trốn ông bà Thiện, Tiếp nhiều lần đến nhà Chủ tịch xã xin được nhập ngũ.

Ông Hoắng, Chủ tịch xã vừa đi họp trên huyện về đã thấy Tiếp trong nhà, không kịp cởi bộ áo quần màu gụ còn nguyên bụi đường, dựng chiếc xe đạp Thống Nhất vào rặng cúc tần, ném mũ cói và chiếc xắc cốt màu đen xuống phản. Không thèm đáp lại lời chào của Tiếp, ông vê một điếu thuốc lào tra vào nỏ châm lửa kéo một hơi dài, tiếng điếu rít lên như xé gió, khói từ miệng ông phả ra thành nhiều vòng tròn nối nhau như ống khói tàu hỏa chạy bằng hơi nước. Chiêu một ngụm chè xanh, ông phán:

- Tôi đã nói nhiều lần, ngữ anh vắt mũi chưa sạch, còn thiếu một tuổi, xã đội đã bàn cho ở nhà đi cày.

Tiếp ấp úng:

- Bác khỏi lo, cháu đi bộ đội được mà.

Ông Hoắng cao giọng:

- Không nói nhiều, mất thì giờ, về đi để tôi còn làm việc.

Không nhịn được, Tiếp đứng lên tuyên bố một câu xanh rờn:

- Không bác cháu gì sất! Ông không cho tôi đi, tôi sẽ lấy con gái ông, đừng trách.

Ông Hoắng như giẫm phải lửa, sau phút chau mày ông trấn tĩnh lại ngay: Mình là Chủ tịch xã có bề thế danh gia vọng tộc không thể đồng trang lứa với thằng phải gió, mách qué này. Mẹ kiếp, thằng này không cha không mẹ, máu giang hồ còn nguyên, mấy năm uống nước làng Bùi có nhằm nhò gì? Không khéo nó làm thật thì khốn. Nghĩ đến đó ông hạ giọng vỗ về:

- Bác nói đùa vậy thôi để thử quyết tâm của cháu. Không sao, cứ về chuẩn bị đi, từ từ rồi bác tính.

Đợt tuyển quân năm ấy, Tiếp đi bộ đội lúc 17 tuổi, khi chuyến đò dọc đưa anh và nhiều thanh niên khác về bến sông Mã để đi vào Nam thì có một người con gái đứng khuất sau rặng lộc vừng vẫy tay đưa tiễn. Ông Hoắng đâu ngờ trong hành trang Tiếp mang theo có một cuốn nhật ký và một khăn mùi xoa thêu hai con bồ câu đậu trên một trái tim màu lửa rất đẹp. Nhiêu Về xúc động chóng mặt khụy xuống, mầm sống trong người cô xuất hiện.

Ông Hoắng gọi dân quân đưa ngay vào trạm xá cấp cứu. Là người từng trải, rành đời, ông tức lộn tiết muốn tống cái của nợ này đi nhưng không được. Nhiêu Về đòi tự vẫn để bảo toàn danh dự đã thề thốt với người mình yêu. Vốn là kẻ đa mưu túc kế, may cho ông, chỉ một tháng sau đám cưới của Nhiêu Về - con gái ông Chủ tịch xã và anh thương binh Trần Trọng Kim bị ù tai do sức ép của bom Mỹ từ miền Nam ra an dưỡng tại làng được tiến hành. Đám cưới tổ chức theo đời sống mới, dân làng Bùi tha hồ đàm tiếu xung quanh câu chuyện cái thai trong bụng Nhiêu Về, được cái anh Kim điếc đặc không nghe thấy, ai nói cũng cười cứ tưởng họ chúc mừng hạnh phúc. Nhiêu Về cũng khéo ăn ở nên được chồng cưng chiều yêu thương.

Rồi con gái Nhiêu Về ra đời giống mẹ như tạc, mũi dọc dừa, lớn nhanh học giỏi. Của đáng tội con bé đẹp người, đẹp nết gặp ai cũng lễ phép chào, làng trên xóm dưới ai cũng đặt miệng khen, rồi tai họa bỗng dưng ập đến làm xôn xao cả làng. Hôm ấy hai mẹ con giặt áo ngay bến sông Cầu Chày, trời nắng, con bé Liên ngẫu hứng xin mẹ tập bơi, không may gặp dòng nước xoáy hụt chân. Nhiêu Về lao ra cứu con bị dòng nước cuốn chìm, ba ngày sau dân làng mới vớt được xác hai mẹ con dưới rặng lộc vừng cách đó không xa. Anh thương binh thương vợ, thương con bỏ đi mất tích.

… Hết chiến tranh, Tiếp về làng với chiếc ba lô trĩu nặng, lỉnh kỉnh một con búp bê mặc váy củn cỡn mắt xanh lè, tóc vàng hoe, một khung xe đạp Stecnin và khá nhiều quà cáp. Anh tặng tôi một tập ảnh có cô gái nheo mắt rất đa tình mỗi khi di chuyển trông thật ngộ nghĩnh. Ngày anh vắng nhà, các chị đều đi lấy chồng làng bên, ông bà Thiện lần lượt dìu nhau về với tổ tiên, nỗi cô đơn trống trải đè nặng khi anh đặt ba lô xuống chiếc giường cũ trong gian nhà ngói ba gian lâu ngày vắng hơi người và đầy tiếng mọt nghiến. Đón anh không ai khác chính là ông Hoắng.

Anh ra bến sông Cầu Chày ngồi lặng đi hằng tuần, tìm về bãi tha ma thắp hương cho người xấu số, anh ốm một trận thập tử nhất sinh, đi nhiều bệnh viện không xác định rõ bệnh, rồi tự nhiên trở thành người khác và tự đốn gỗ làm nhà ở lại nơi này.

Hôm ấy trời bỗng dưng đổ mưa, cất xong mẻ rượu, mẹ tôi bảo mang ra cho bác Tiếp, giờ này không có ai chắc bác buồn lắm. Trời xẩm tối, tôi vừa đi vừa sợ, biết ý mẹ tôi dỗ dành: Không có ma quỷ gì đâu, mà nếu có thì ma không bắt những người tử tế.

Tôi đạp xe một mạch ra cạnh bến sông. Mưa tạnh. Trời đầy sao, tiếng dế nỉ non, tiếng côn trùng rả rích, lũ ếch nhái đi tìm bạn tình, tiếng cuốc gọi đêm tạo thành một thứ âm thanh với nhiều tạp âm hỗn loạn. Dưới ánh đèn dầu leo lét mờ tỏ tôi thấy bóng anh đổ dài đang thì thầm với người thiên cổ. Gió suông đưa theo mùi vàng mã trộn với khói nhang thơm ngát, tiếng anh vọng lại:

- Mình ơi! Tôi vượt qua nghìn lửa đạn nguyên vẹn về đây sao lại gặp nhau trong hoàn cảnh thế này?

Đất trời vẫn im lặng.

- Mẹ con nằm dưới ấy có lạnh không? Mùa đông về rồi tôi gửi cho em và con hai tấm chăn bông và ít quần áo sách vở.

Tôi đứng như phỗng, không tin những điều mình nghe thấy. Đất dưới chân như lún xuống, cảm giác như từng ngọn cỏ, nhành cây, tiếng gió đều tụ về chứng kiến tấm lòng của anh.

Bến quê còn đây mãi
Em và con đâu rồi
Ngước nhìn lên dốc vắng
Gặp vầng trăng đơn côi

Không dám lên tiếng sợ cắt đứt dòng suy nghĩ thiêng liêng của anh, nhẹ nhàng bỏ can rượu vào nhà, dắt xe ra bờ đê, tôi chạy một mạch như bị ma đuổi.

Hơn mười năm, tôi về thăm làng trong một ngày nắng đẹp. Mẹ tôi tóc bạc da mồi, nhưng vẫn nhớ như in ngày anh Tiếp ra đi. Cả làng ai cũng khóc. Mẹ tôi ngậm ngùi “Thế là ông ấy toại nguyện xuống gặp được vợ con”. Tôi ra bến sông Cầu Chày, nhớ về thời chăn trâu cắt cỏ. Vẫn cây cáo mọc chìa ra giữa sông cho chúng tôi tập bơi, điếm canh đê của làng vẫn còn, nghĩa địa có thêm nhiều ngôi mộ mới. Tôi kính cẩn thắp cho anh một tuần nhang. Ngôi nhà cũ năm xưa vẫn còn, ai đó âm thầm chăm chút cho rặng lộc vừng xanh tốt. Bên cạnh hai cây lộc vừng cũ, giờ lại có thêm một cây được bài trí trong chậu mới theo thế quân tử. Hai cây lớn khép tán xanh nụ, những đài hoa tím ngát tỏa hương thơm dịu nhẹ len vào đất trong ráng chiều tĩnh lặng.

ĐỖ NHƯ THUẦN

.