Sáng tác

TRUYỆN NGẮN

Bánh mì bẻ đôi

15:47, 21/08/2015 (GMT+7)

1. Nàng và hắn đưa nhau ra tòa. Lý do: không - hợp - nhau. “Câu thần chú” chung chung cho rất nhiều cuộc ly hôn. Chung chung; nhưng lại không thể vượt qua. Không hợp; ấy là một phạm trù thuộc bản chất. Non sông dễ đổi bản tính khó dời; lớn cả rồi, tính cách chết rồi, sao mà đổi? Tòa dù thiện chí cách mấy cũng đành bó tay. Chuyện ấy, thường cả nguyên đơn lẫn bị đơn khi đưa ra tòa đều biết, rất biết...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Vậy nhưng, riêng nàng và hắn, đây không hề là một lý do ngụy tạo. Căn nguyên của tất cả những xung đột, cự cãi, bất hòa hình như… không có căn nguyên rõ rệt. Cái chính, nàng thấy mọi thứ ở hắn đều đáng ghét. Nàng ghét mặt hắn: cái mặt nhỏ choắt, trơn láng không râu (rất đàn bà!). Nàng ghét tính khí hắn: cái tính tấm mẳn nhỏ nhen, kỹ lưỡng chuyện tiền bạc (cũng rất đàn bà!). Thêm vài ba vệt tối khác như thói quen ăn mặc nhếch nhác, chân đi vòng kiềng, hát hỏng toàn giọng mũi the thé và một bộ dạng nằm ngồi đi đứng “hãm tài” (còn lâu mới mơ ăn nên làm ra. Là người khác nói, không phải nàng!) khiến toàn cảnh bức-tranh-hắn đã chán càng thêm chán!

Nàng thấy mình không thể tiếp tục cùng hắn.

Mẹ bảo, con ưng nó đi, đời mẹ lấy ba khổ quá rồi. Nó xấu tướng chút nhưng tốt tính, hiền lành… Phải, ba nàng đẹp nhưng không hiền; nói trắng là vũ phu. Mẹ cũng đẹp, từng đi văn công, hát hay, nhiều đàn ông để ý. Ba đánh mẹ, đánh rất dữ.

Tuổi thơ nàng đầy dẫy ám ảnh đòn roi và nước mắt của mẹ.

Nàng thừa hưởng của mẹ (lẫn ba) một nhan sắc không tệ. Phải cái bỏ học giữa chừng (vì thương mẹ cực). Tuy vậy, cũng không thiếu chàng ngấp nghé. Số ấy, hắn có mã ngoài tệ nhất. Được cái nhẫn nhục, biết lấy lòng tất tật mọi người từ cha mẹ đến anh em. Cả nhà ưa hắn, trừ… nàng! Hắn đến chơi, nàng bỏ mặc, kiếm cớ đi la cà cùng bạn tới khuya. Về, vẫn thấy hắn lù lù bám trụ. Tên người yêu cả ghen vô lối vừa bị nàng cho ra rìa. Thua buồn, mẹ thừa cơ vun vào: nó hiền chí thú làm ăn biết cư xử và vân vân. Bài ca muôn thuở; nhưng ca hoài nghe hóa… suôn tai. Nàng bắt đầu thấy cái đức kiên trì của hắn dường cũng có chút đáng thương. Ba mất, hắn còn tự nguyện thức trắng mấy đêm cùng gia đình lo chôn cất, ma chay; y như một chàng rể thiệt…

Nàng biết, mình đã thua cuộc.

Trước ngày cưới, Nàng giao hẹn, thẳng băng, tôi không yêu anh. Lấy anh, tôi chỉ làm đúng nghĩa vụ người vợ thôi, đừng đòi nơi tôi tình yêu. Hắn gật.

Hôn nhân không tình yêu, nàng chưa lường hết được sự tệ hại của nó.

2. Nỗ lực chạy trốn đầu tiên: tính bỏ nhà đi. Tuần lễ ngay sau ngày cưới. Con bạn thân hẹn đến đón, chở ra ga, lên tàu.

Ra đến ngõ đã thấy hắn đứng sẵn, lù lù. Không căn vặn, hỏi han, hắn tiến lại, nhẹ nhàng… đỡ cái xách đồ trên tay nàng. Vào đi em… Khẽ khàng, giọng nhẹ như không. Rũ người, nàng lê chân, theo hắn như cái máy.

Từ đêm tân hôn, hắn án binh bất động. Tối, hắn ý tứ nằm dịch ra xa. Vẫn một điệu bộ nhẫn nại rất mềm - cái mềm mỏng cực dẻo bền nàng nhận ra ngay từ ngày đầu tiên hắn bước chân vào nhà. Mềm mỏng đến tội nghiệp; nhưng lại đầy quyết tâm. Có điều, quyết tâm không chứa chấp ý định vượt rào, khẳng định quyền lực cùng đòi hỏi chính đáng của một người chồng. Chỉ cần anh cưới được em, ngày ngày ngắm em thôi cũng đủ hạnh phúc… Hắn biết giữ lời, nàng ghi nhận điều đó. Đêm, nàng vẫn nghe những tiếng thở dài, những cú cựa mình, trở trăn đầy thèm khát, bức xúc. Nhưng chỉ có vậy. Ngỡ sẽ nhiều hơn; nhưng chỉ có vậy. Nàng chờ, phấp phỏng: sấm sét chắc chắn sẽ nổ ra từ cái âm mưu tày đình bị phát hiện của nàng. Cũng không. Hắn không làm gì; nhất-định-không-làm-gì; mặc cho nàng cứ phấp phỏng, day dứt.

Nàng nhớ đến lời hứa “nghĩa vụ người vợ” của mình…

3. Giấy triệu tập của tòa ghi 8 giờ sáng.

Thức giấc lúc 4 giờ. Vội bày bàn ghế, nấu, chế đầy các phích nước sôi, ngược xuôi phục vụ những lứa khách cà- phê sớm. Quán là cần câu cơm cho cả nhà, có trời sập vẫn cứ phải bán.

Hắn cũng dậy sớm, phụ nàng một tay. Định bảo, cứ đi làm việc của anh đi, không ai khiến. Nhưng nàng kịp dừng. Kệ, dù gì cũng bữa nay nữa thôi, so đo làm gì. Hai đứa nhỏ thấy ba lăng xăng giúp mẹ xem chừng vui ra mặt!

Nàng đến tòa án lúc 8 giờ thiếu 5. Hắn sớm hơn một chút. Đang phiên xử thứ nhất, còn 30 phút nữa mới đến phiên xử thứ hai. Nàng ngồi phịch xuống ghế, tự nhiên thấy mệt rã. Và đói. Đói rã ruột.

Từ khuya tới giờ, nàng mải loay hoay không rảnh. Với lại, người ta khó mà ăn uống cho trôi vào một ngày như thế này.

Hắn đi qua mặt, cầm ổ bánh mì hỏi nhỏ, ăn chưa? Nàng lắc. Hắn tự nhiên bẻ đôi, dúi nửa ổ bánh vào tay nàng. Gặm đỡ, lấy sức mà lo công chuyện. Vô thức, nàng cũng giơ tay nhận lấy, lơ đãng đưa lên miệng cắn, nhai. Bánh mới ra lò, giòn, nóng, quyện cùng vị nhân chả lụa cùng hành phi tóp mỡ bùi béo thơm tho. Không tệ; cho dù ớt có hơi cay. Người đàn ông ăn mặc chỉnh tề xách cặp da đi ngang, tò mò nhìn cảnh nàng và hắn chia nhau ổ bánh mì. Tự dưng nàng đỏ mặt, giật mình. Vô duyên chưa, sao lại đi ăn bánh của hắn hở trời. Lại tự nhủ, kệ, chỉ bữa nay thôi. Nửa ổ bánh mì, gì ghê gớm đâu, so đo làm gì…

4. Chánh án gọi, cô Nguyễn Thị H, có đúng cô thật sự muốn ly hôn với anh Trần Văn B? Đơn này do cô viết phải không. Dạ đúng, thưa quý tòa. Nguyên nhân không hợp nhau? Dạ phải. Đã làm thủ tục hòa giải chưa? Dạ đã; nhưng không thành. Được, cô ngồi xuống. Giờ đến lượt anh Trần Văn B; mời anh Trần Văn B!

Hắn đứng dậy.

Vị chánh án giương mục kỉnh nhìn sững hắn. Rồi quay sang nhìn nàng. Rồi lại nhìn hắn. Lại nhìn nàng. Ánh mắt tò mò, đầy ngạc nhiên.

Anh chị có phải vừa… chia nhau bánh mì ngoài phòng đợi??

Dạ phải…

Trời đất, các người nghĩ sao – còn ăn chung được một ổ bánh mì mà toan tính chuyện… ly hôn???
Là cô ấy, thưa quý tòa, hắn hớt hải. Cô ấy. Không phải tôi. Cô ấy muốn, nên tôi…

Hiểu rồi. Chánh án nhếch mép. Vậy thôi, khỏi cần xử tiếp: tôi, Chánh án Tòa án nhân dân huyện X,  nhân danh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố… tạm hoãn việc giải quyết đơn xin ly hôn của hai anh chị, đề nghị cán bộ hòa giải tiếp tục làm việc cho tới khi nỗ lực hòa giải có hiệu lực! Thay mặt hội đồng xét xử, tôi tuyên bố kết thúc phiên tòa!

Ra đến cửa, chánh án đặt tay lên vai hắn, vai nàng, thái độ hệt một người cha: cố lên các con, biết tiến biết lùi, đó mới là cuộc đời. Hãy học cách bước lùi khi chưa quá muộn màng. Nói thật, đời làm cán bộ tư pháp, ta chưa bao giờ thấy một cặp đôi còn ăn chung được ổ bánh mì mà phải ly hôn…

Y NGUYÊN

.