Sáng tác
Tình biển
1. Dằn lòng bỏ lại sau lưng căn phòng có máy điều hòa mát lạnh, cả bọn chạy như điên hơn một trăm cây số để ngồi bên bãi biển Rạng, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Một góc biển Rạng. Ảnh: PHAN NGUYỆT |
Đúng ngọ. Con đường ven biển như muốn tan chảy dưới bánh xe và trái tim thì nhảy múa trong lồng ngực bởi lời hẹn hò với biển... Ừ, thì cứ nắng cho vàng hanh bờ cát, thì cứ gió cho ngọn phi lao phơ phất với mây trời. Cho con sóng bạc đầu ùa vào trái tim hoang dại đang mở toang mà không hề giấu giếm...
Biển Rạng hoang sơ như một cô gái làng chài da bánh mật giòn tan, ngực trần sóng sánh nước biển. Những đôi chân lâu nay bị giam hãm trong giày dép, trong những căn phòng chật hẹp đã thèm khát chạy ùa xuống biển giữa trưa nắng chang chang làm lũ còng gió giật mình ngơ ngác.
Đêm ở biển Rạng thật yên bình. Trăng lên từ phía chân trời, lặng lẽ gieo vào mặt sóng những sợi tơ vàng diệu vợi. Trăng đong đầy những chiếc thúng rái nằm chơ vơ trên bờ biển vắng. Không còn ai trên bãi cát ngoài những đứa trẻ lang thang bắt dã tràng để lại những chiếc bóng nhỏ bé, đen thẫm trên triền sóng. Trong đêm, những con dã tràng mơ mộng uống no nê ánh trăng, suốt một đời đào hang, xe cát... Biết đến bao giờ mới lấp đầy biển, dã tràng ơi!
2. Chuyến phà ngang từ bến đò Tam Quang qua Tam Hải đông nghịt người lẫn xe. Có cả chiếc xe đông lạnh to vật vã choán hết chỗ đứng. Mùi dầu đi-ê-zen nồng nặc, mùi cá tanh nồng, mùi gió biển mằn mặn... quyện vào nhau thành mùi vị ngai ngái của cuộc sống biển dã. Con phà già nua chừng như rên rỉ, thở dài đưa chừng ấy con người, xe cộ qua bờ bên tê.
Bỗng dưng nhớ những chuyến đò, chuyến phà ngang từ bên này Hàn sang bên tê Hà Thân và ngược lại của Đà thành những ngày xưa cũ. Những chuyến đò chở mối tình thơ dại học trò qua sông. Giờ những cây cầu nối nhịp đôi bờ, neo lại đâu đó trong tâm thức người dân Đà Nẵng hoài niệm một thời khó nhọc.
Có người hỏi sao không làm cây cầu nối Tam Quang qua Tam Hải cho tiện việc đi về. Một anh bộ đội ở Huyện đội Núi Thành bảo cũng tốn khá nhiều tiền nên chính quyền đang cân nhắc.
3. Từ bến đò Tam Hải ra biển Bàn Than cũng gần như từ bến đò Hà Thân xưa ra biển Mỹ Khê. Giữa cái nắng xế chiều, những người đàn bà bắt ốc cặm cụi nhặt nhạnh. Họ đang đua cùng với thủy triều. Khi con nước ròng rời xa ghềnh đá, lũ ốc đá ngây ngô nằm giữa rong rêu ngắm mây trời chờ con nước lớn, thì những phận người lại trằn trọc mưu sinh trên nỗi vô ưu của biển cả. Mỗi ký ốc giá tám ngàn đồng. Đôi tay của những người đàn bà nâu sần, chai sạn vì đào bới, vì đá cắt. Có lẽ từ thời hồng hoang cho đến hàng tỷ năm sau họ vẫn được mặc định với việc hái lượm, cần mẫn nhặt nhạnh hạnh phúc cho gia đình. Họ kiếm được vài mươi ngàn trong cái nắng quái chiều hôm rát rạt cả tấm lưng thon...
4. Chuyện kể rằng, vào một ngày mưa gió, có người con trai đi ra biển chưa về. Thương con, người cha già đội mưa ra đứng đầu ghềnh trông ngóng. Chờ mãi, chờ mãi đến hóa đá. Người vợ ở nhà như có muối xát trong lòng. Mặc cho biển thét gào, đất trời thịnh nộ, bà đi ra biển tìm chồng, nhưng chỉ thấy một đụn đá lớn đứng chênh vênh bên triền sóng. Vì quá thương chồng, nhớ con, người đàn bà của biển ấy đã tình nguyện một đời đứng che cho chồng khỏi ướt. Hòn Ông Đụn Bà Che nơi mõm Bàn Than ra đời từ đó…
Nghìn đời nay, hòn Ông Đụn Bà Che vẫn bên nhau trong bản tình ca của sóng, của gió, nhưng người dân xứ này thì luôn cách biệt bởi sông nước. Lúc những người đàn bà từ biển trở về nhà thì những người đàn ông của họ lại ra khơi đánh cá. Họ xuống biển bằng nhiều cách khác nhau. Người thì nhấc bổng chiếc thúng rái trên đôi tay khỏe mạnh. Người lăn thúng ra mép nước. Những tay lưới tất tả bỏ lên xe bò kéo trên bãi cát...
Biển chiều sẫm tím. Xa xa nhấp nhô một chiếc thuyền chài đơn độc.
Những người đàn ông và đàn bà của biển, họ đã sống và yêu nhau trong ngược chiều thời gian như thế. Những đứa trẻ ra đời mang vị mặn của mồ hôi và thủy triều nhưng trái tim đầy gió biển khơi. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, giữa hai con nước lớn nước ròng, họ luôn che chở cho nhau và bên nhau đến trọn đời...
NHƯ HẠNH