Sáng tác

TRUYỆN NGẮN

Người đọc ngược truyện Kiều

16:30, 18/09/2015 (GMT+7)

Trong một lần về ăn giỗ ở quê nội, tôi tình cờ được nghe bà con kháo nhau chuyện cô bé nọ có thể đọc xuôi truyện Kiều từ đầu đến đuôi, lại đọc ngược truyện Kiều từ đuôi đến đầu mà không nhìn vào sách. Tôi đem chuyện này về hỏi bố. Ông cụ cười hà hà.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- Họ nói về cái Ngọc An, con lão Bát Nhạo đó mà. Mày đi đây đi đó nhiều, đã thấy ai mặt non choẹt như bé Ngọc An mà biết chơi đủ mọi ngón nghề chung quanh truyện Kiều bằng nó chưa?

- Cụ thể những ngón nghề gì? - Tôi háo hức hỏi tiếp.

- Nào hát Kiều, đố Kiều; nào tập Kiều, lẩy Kiều; nào bói Kiều, vịnh Kiều. Đặc biệt là vịnh Kiều thì đứng đầu bảng. Đã bao nhiêu đấng mày râu vỗ ngực tự xưng “con ông cống cháu ông nghè” đến đây thi vịnh Kiều với nó, đều “thân bại danh liệt” tất tần tật.

- Thế còn chuyện cô ấy đọc ngược truyện Kiều có đúng không ạ?

- Kỳ thực, bố cũng chưa được nghe nó đọc ngược truyện Kiều bao giờ đâu. Ngọc An coi vậy mà hóm, chỉ đọc ngược truyện Kiều cho những ai họa thành công một trong những bài thơ vịnh Kiều “ác chiến” của nó thôi. Bố ngần này tuổi đầu, chẳng lẽ lại chơi trò trống bỏi với nó, lỡ ra thì... hết hơi. - Chiêu một ngụm nước trà đặc, bố tôi hạ giọng - Nói cho con biết, thấy Ngọc An thông tuệ, xinh xẻo, nết na vậy, bố rất muốn dạm hỏi cho mày. Ngặt một nỗi, con bé vướng phải thành phần địa chủ. Cũng vì cái thành phần địa chủ chết tiệt ấy mà học xong cấp hai nó không được vào học cấp ba, chưa nói đến chuyện sau này nó có được học hết cấp ba chăng nữa, thì các cánh cửa trường trung cấp chuyên nghiệp, trường đại học dễ gì mở ra chào đón nó. Hoài của!

- Con còn ít tuổi mà, bố nói chuyện dạm hỏi lúc này làm gì! Con chỉ thích nghe Ngọc An đọc ngược truyện Kiều thôi!

- Nếu vậy mày cứ liều mạng đến xướng họa với nó một phen xem sao. Biết đâu có chuyện “chó ngáp phải ruồi”.

- “Chó ngáp phải ruồi” - Tôi đay lại - Bố coi thường con quá thể?

- A, thằng này có khí chất bậc trượng phu đây. Vậy thì xông lên đi! Nếu có húc đầu phải đá thì đừng than thân trách phận mà con bé cười cho thối mũi nhé.

Cái chiêu thức “thính tướng bất như khích tướng” của ông bố thâm nho đã khiến thằng con “ngựa non háu đá” nổi máu anh hùng rơm. “Tin chắc con sẽ thành công mỹ mãn”, tôi dõng dạc tuyên bố và hùng hổ đi thẳng một mạch đến nhà người con gái nổi tiếng thông tuệ ấy. Rất may là lúc này Ngọc An ở nhà. May hơn nữa là bố mẹ nàng đi vắng. Qua cách chào hỏi lịch thiệp, qua nết đi dáng đứng khoan thai, qua ánh mắt nhìn thân thiện bạo dạn của nàng, mà ngay phút đầu gặp mặt, tôi đã tự nhủ: Đây là một cô gái đáng nể trọng. Để khỏi làm mất thì giờ cả khách lẫn chủ, tôi thông báo ngay cho nàng biết mục đích cuộc viếng thăm đường đột này của mình. Tôi chưa nói hết, thì nàng đã vui vẻ ngắt lời:

- Em sẵn sàng đọc ngược truyện Kiều từ đuôi đến đầu cho anh nghe, nhưng phải có điều kiện. Hẳn anh biết điều kiện ấy là gì rồi chứ?

- Biết rồi! - Tôi nhanh nhảu đáp - Là họa cho tốt một bài thơ vịnh Kiều của bạn, đúng chưa? Nếu đúng rồi thì đem thơ ra đây kẻo tôi sốt ruột.

- Vâng. Anh uống nước đi. Em sẽ lấy bài vịnh Kiều ra ngay.

Ngọc An mở tủ. Lát sau, nàng đặt vào tay tôi một tờ giấy. Tôi trải ngay ra bàn, đọc thong thả:

Thơ vịnh Kiều (Bài thứ 25)

Sắc tài chỉ một đỉnh đình đinh
Khắp cả giang sơn tiếng nổi phình
Duyên chị mà em đeo lẽo đẽo
Nợ chàng với thiếp sạch sành sanh
Ra đi đầu đội muôn phần hiếu
Ở lại vai mang một chéo tình
Mười mấy năm trời nhơ rửa sạch
Khúc đàn nhàn gảy tịch tình tinh.

Mặc dầu đã được bố báo trước, tôi vẫn hết sức bất ngờ trước một bài thơ quá già dặn cả nội dung lẫn hình thức của Ngọc An. Chưa nói đến nội dung, chỉ riêng việc Ngọc An dùng khá nhiều từ “lấp láy tam điệp vần” như đỉnh đình đinh, sạch sành sanh, tịch tình tinh, đặt ở vị trí cuối câu của bài “xướng”, cũng đủ làm cho người “họa” trình độ còn non nớt như tôi thuở ấy biết là mình sắp húc đầu phải đá rồi. Mới hùng hùng hổ hổ thế, mà giờ, tôi đã ỉu xìu như quả bóng nhựa xì hơi. Biết rõ thế nguy, giữa ba mươi sáu chước, chuồn là thượng sách.

Lợi dụng lúc Ngọc An bận túi bụi vì rau heo cháo chó dưới bếp, tôi giả vờ ra sau vườn đi dạo để “tức cảnh sinh tình”. Chờ cơ hội thuận tiện, tôi vượt tường và chạy một mạch về nhà. Tôi định bụng không hé răng cho bố biết chuyện này. Nhưng thoáng thấy tôi hớt hơ hớt hải chạy vào đến cổng, ông cụ đã cười khà:

- Thế nào? Từ rày thì cạch đến già, không còn mơ nghe con bé đọc ngược truyện Kiều nữa chứ?
Không ngờ câu nói đó của bố tôi đã trở thành lời tiên tri. Phải đến nửa thế kỷ sau, cả tôi và “cố nhân” của tôi đều đã là “người cao tuổi”, chúng tôi mới gặp lại nhau.

Chẳng là, đầu xuân năm ngoái, quê nội tôi được tặng danh hiệu xã anh hùng. Từ phương xa, tôi nhận được giấy mời với chức danh “Nhà văn Việt Nam, về chung vui với bà con xóm làng”.

Dự lễ đón danh hiệu xã anh hùng xong, tôi chợt nhớ đến Ngọc An và thầm mong “cố nhân” còn sống để được gặp mặt. Mơ được ước thấy, Ngọc An chẳng những còn sống mà còn sống vui sống khỏe, vẫn say mê các trò chơi chung quanh truyện Kiều. Hiềm một nỗi đã gần trót đời rồi mà nàng vẫn độc thân.

- Ồ, không ngờ “rồng đến nhà tôm”. Kính chào nhà văn Hoàng Phú Xuân, niềm kiêu hãnh của miền quê gió Lào cắt trắng.

Tôi thực sự bất ngờ trước lời chào hóm hỉnh của Ngọc An lúc tôi đường đột đến thăm nàng.

- Chào “người đọc ngược truyện Kiều” - Tôi đáp lễ - Chẳng hay “bà” cũng vừa dự lễ đón danh hiệu xã anh hùng về, phải không?

- Xưng hô với nhau bằng “anh” “em” cho vui, chứ “ông” “bà” làm chi cho nó già ra - Ngọc An cười nhẹ nhàng - Vâng, em vừa mới dự lễ về. Không đi để nghe ban tổ chức giới thiệu thì em biết sao được anh là nhà văn Hoàng Phú Xuân.

- À, hóa ra là vậy. Này, ngoài cái tên Hoàng Phú Xuân ra, đằng ấy còn biết tôi là ai nữa không?

- Là ai à?... Là ai nhỉ?

- Là người mà cách đây trên dưới nửa thế kỷ đằng ấy hứa sẽ đọc ngược truyện Kiều cho nghe, nhưng rồi... quỵt luôn.

- Vậy thì chắc chắn anh đã không họa được bài thơ vịnh Kiều nào đó của em. Nhưng anh là ai nhỉ?
Ngọc An nhìn như đóng đinh vào mặt tôi. Đã sắp ở vào tuổi “thất thập cổ lai hi” rồi mà Ngọc An vẫn lưu giữ được nhiều nét tươi tắn thời xuân xanh. Giá không vì mái tóc sợi bạc nhiều hơn sợi đen kia, hẳn lắm người sẽ đoán nàng chỉ ở thế hệ U50.

- Chẳng lẽ... đây là chàng thư sinh bảnh chọe chuồn khỏi nhà em mà không một lời từ biệt hồi tu huýt tu huy, đó sao? - Ngọc An lại tiếp - Đúng hả? Thế từ bấy đến nay anh đi mất đất mất đai những đâu mà bặt vô âm tín vậy?

- Những đâu ư? Nhiều lắm - Tôi chợt thấy lòng mình se thắt - Sau lần chuồn khỏi nhà em, tôi ra thủ đô học đại học. Tốt nghiệp đại học, tôi vào ngành địa chất sục sạo không bỏ sót một ngọn núi quả đồi, một con khe con suối trên miền Bắc. Hết hạn “nghĩa vụ địa chất”, tôi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và đã chiến đấu khắp mọi chiến trường A, B, C, D, E. Hòa bình lập lại, tôi bận túi bụi với bao công việc thượng vàng hạ cám, trong đó có cả cái việc vô tích sự là viết văn, làm thơ.

- Không ngờ... nhà văn Hoàng Phú Xuân cũng bầm dập đến thế! - Ngọc An cười buồn. Còn tôi đáng lẽ cũng cười buồn, nhưng lại pha trò.

- Bầm dập nhưng kiên quyết không chết, để còn có ngày được Ngọc An đọc ngược truyện Kiều cho nghe chứ? Thế nào? Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn, bây giờ hẳn đằng ấy sẵn lòng đọc miễn phí, không bắt họa thơ nữa chứ?

- Đọc miễn phí... ha ha - Ngọc An cười giòn - Lần đầu tiên trong đời em mới được nghe mấy tiếng “đọc miễn phí” ấy đấy. Hỏi thật nhé, đến nay anh vẫn chưa tin có người đọc ngược truyện Kiều từ đuôi đến đầu mà khỏi nhìn vào sách, đúng không? Sao không tin?

- Vì theo chiều thuận còn vần vè mà thuộc lòng cho hết 3254 câu Kiều đã khó, huống hồ theo chiều ngược, vần vè biến mất thì thuộc lòng sao nổi mà bảo đọc trơn tru từ đuôi đến đầu?

- Vẫn phải vần vè, chứ sao không?

- Nếu vậy hẳn bạn không đọc nguyên văn truyện Kiều, mà có thêm bớt, đổi thay chút đỉnh - Tôi vẫn hỏi.

- Chẳng dám đâu. Với thơ cụ Nguyễn Du mà làm vậy chỉ có gan cóc tía. Con cháu chỉ xin... “xàng xê” đôi chút thôi.

- Cụ thể?

- Cụ thể thế này. Tất cả các câu “lục” hoàn toàn giữ nguyên. Riêng các câu “bát”, thì cặp chữ số 5 và 6, với cặp chữ số 7 và 8 trong từng câu phải hoán vị cho nhau. Ví dụ, trong câu Kiều cuối cùng “Mua vui cũng được một vài trống canh” thì cặp chữ số 5, 6 là “một vài”; cặp chữ số 7, 8 là “trống canh”. Sau khi hoán vị hai cặp chữ ấy cho nhau, câu này sẽ thành: “Mua vui cũng được trống canh một vài”. Cứ thế mà theo chiều ngược tuần tự như tiến thì “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” của cụ Nguyễn Tiên Điền sẽ ra thế này...

Ngọc An chiêu một ngụm nước để nuốt tiếng cười vào bụng, rồi cất cao giọng:

Mua vui cũng được trống canh một vài
Lời quê góp nhặt dông dài
Chữ “tâm” kia với chữ “tài” bằng ba
Thiện căn ở tại lòng ta
Thì đừng trách lận trời xa, trời gần...

Ngọc An đọc mải miết hết đoạn này sang đoạn khác không vấp chữ nào. Mới đầu làm tôi vừa ngạc nhiên vừa buồn cười. Dần dần, vì cái chất giọng biểu cảm, vì khuôn mặt đôn hậu thành kính, và vì ánh mắt nhìn vừa biểu lộ một trí tuệ thông minh, một trái tim chan chứa yêu thương của nàng lúc đọc, đã hớp mất hồn tôi, khiến tôi xúc động bồi hồi.

Sao lúc này tôi thương Ngọc An đến thế không biết. Vừa thương, tôi lại vừa tiếc. Tiếc cho cô mà cũng tiếc cho đời. Giá không vướng vào cái thành phần địa chủ chết tiệt kia, thì một cô gái hiền thục, đoan trang xinh đẹp như cô sao không có một chàng trai xứng đôi vừa lứa nào đến cầu hôn, mà suốt đời phải sống độc thân? Và với một trí tuệ thông minh trác việt, một tâm hồn phong phú nhạy cảm như cô, sao không được học hành đến nơi đến chốn để đem tài nghệ ra phục vụ nhân dân, Tổ quốc?

Mang nặng tâm trạng đó, lúc chia tay với Ngọc An, tôi đã buột miệng đọc mấy câu Kiều:

Ví chăng có số giàu sang
Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên
Bể trầm luân nỗi thuyền quyên
Hữu tài thương kẻ vô duyên lạ đời...
Nào ngờ, tôi vừa đọc xong thì Ngọc An liền biến nó ra thành mấy câu Kiều đọc ngược:
Hữu tài thương kẻ lạ đời vô duyên
Bể trầm luân nỗi thuyền quyên
Giá này dẫu đúc cũng nên nhà vàng
Ví chăng có số giàu sang

Đọc xong, Ngọc An lại cười khanh khách. Thú thật, nàng cười càng giòn bao nhiêu thì tôi càng xót xa như muối xát lòng bấy nhiêu.

HOÀNG BÌNH TRỌNG

.