Sáng tác
Cầu Ô Thước trong mắt em
Từ cây cầu ngói nhìn sang phía bên kia con hói là ngôi chợ quê. Những ngày Tết, ngôi chợ đông vui, nhộn nhịp với hội bài chòi. Gọi là bài chòi bởi người chơi ngồi trong các chòi bằng cỏ tranh và tre. Người làng đầu trần chân đất mặc những bộ quần áo đồng áng kéo nhau ra chơi, người làng khác cũng xúng xính đến trong những bộ áo quần đẹp nhất rồi mê luôn tiếng rao khàn đục của người hô thai đã luống tuổi.
Từ cây cầu ngói nhìn sang phía bên kia con hói là ngôi chợ quê. Những ngày Tết, ngôi chợ đông vui, nhộn nhịp với hội bài chòi. Gọi là bài chòi bởi người chơi ngồi trong các chòi bằng cỏ tranh và tre. |
- Ra đi mạ có dặn rồi. Khi mô em khóc thì đưa qua bác bôồng!
- Con Bồng! Tiếng một cậu bé vang lên lanh lảnh khi người hô thai vừa cất tiếng rao xong.
Người hô thai nhanh chân găm một cây cờ đỏ vào chòi cậu bé rồi lại cất tiếng rao:
Không ăn trầu, cũng chẳng đánh son. Rứa mà cái chi cứ đỏ loi lói.
- Đây, có, con Mỏ!
Người thanh niên mập mạp, đeo gương, tuổi ước chừng ngoài ba mươi hí hửng reo lên, nụ cười giòn tan hòa vào sự phấn khích đang lên của đám người chơi đủ lứa tuổi, thành phần.
Cô gái hờ hững dựa vào thành chòi xem người anh trai chơi khá lâu. Đứng dưới ánh thái dương như đốt cháy da thịt, cô gái tự nhủ cần một bóng râm để lấy lại thăng bằng cho cơ thể.
Như một phản ứng tự nhiên, cô bước nhanh đến cây cầu ngói.
Trên bục gỗ, chàng trai đang thảnh thơi tận hưởng hương mạ non phảng phất. Gió thổi. Tín hiệu của trò chơi trốn tìm. Chàng trai thấy mình nhẹ tênh, bay lên thành gió trời vi vu khắp đồng ruộng, len lỏi vào từng lá mạ. Chàng trai lại thấy mình sà xuống thành các hạt nước rồi bốc lên theo các giọt nắng để lại trở mình thành làn gió chu du khắp thế gian…
- Chỗ này đã có ai ngồi chưa anh?
Tiếng người vang lên làm chàng trai giật mình. Những con cò trắng bay đi. Bức tranh đang vẽ bị xé vỡ thành muôn ngàn mảnh ánh sáng long lanh đủ màu sắc. Tiếc nuối. Bần thần. Hụt hẫng. Chàng trai quay đầu lại nhìn.
Một cô gái.
Cô gái có đôi mắt bồ câu đang tròn xoe nhìn. Nàng đội một chiếc mũ vành rộng với những sọc ca-rô tím, khuôn mặt tròn trĩnh đến ưa nhìn trong một mái tóc dài đen bóng, sực nức mùi nước hoa quyến rũ. Nhất là đôi môi hồng khẽ khép mở xinh như hoa đào khiến chàng trai tự nhiên xao xuyến cõi lòng.
- Anh là người dân ở đây hay là du khách đến chơi? Cô gái bắt chuyện với chàng trai.
Chàng trai ngớ người ra bởi giọng nói dịu dàng như chim rừng cất tiếng hót giữa sớm mai từ đôi môi đào đỏ rực. “Một nàng như thiên thần”. Chàng trai như bị hóa đá bởi đôi mắt huyền của cô gái. Dù ngày xưa A-đam có bị rút xương sườn thứ bảy để Thượng Đế tạo ra nàng Ê-va cũng chỉ ngây ngất, say đắm dường ấy.
- Không. Anh chỉ là một kẻ lãng du. Em là người dân ở đây hay là du khách đến chơi?
Chàng trai nghĩ mình chẳng có gì để thu hút cô gái. Đơn giản chỉ là sự giao tiếp vui vẻ bằng cách kể chuyện về chiếc cầu ngói này, và những người ngoài kia, cùng ngôi chợ quê bên cạnh, một biệt tài của chàng trai học được khi trót tôn nàng Shê-hê-ra-zát làm thần tượng từ thuở còn tấm bé.
Nàng nói chuyện rất có duyên và hay cười. Hải yêu nàng ngay từ lần gặp đầu tiên. Không biết điều đó có vội vàng không? Thật may mắn, vì nàng đã cho Hải số điện thoại của nàng. Và vì thế, đêm nay Hải đã nhắn tin cho nàng. Nàng bất ngờ vì lúc đó đã là chín giờ đêm. Hải cố kiềm chế để không bật ra cảm xúc của mình là đã yêu nàng…
Một đêm thức khuya, nàng nhắn tin bảo không ngủ được nữa. Nàng nói đang nhìn vào bóng tối và thao thức mãi. Hải hỏi nàng nhớ ai mà không ngủ được? Nàng hỏi lại Hải có nhớ nàng nhiều không?
Hạnh phúc đối với Hải chỉ giản đơn là thế. Đó là tình yêu mà một nửa nhân loại vẫn khát khao tìm kiếm từ một nửa nhân loại khác mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày…
Nàng đi công tác ở tận Quảng Ngãi, vẫn nhắn tin và gọi điện thường xuyên cho Hải. Ngày hôm đó, nàng nói đang ăn cơm trưa với đồng nghiệp. Nàng mời cơm Hải trong đùa giỡn. Nàng không biết Hải cũng đang ở Quảng Ngãi và muốn gặp nàng. Nàng bất ngờ, nàng không cho Hải gặp. Nàng nhắn tin nếu tìm tới thì khỏi nhìn mặt nhau.
Đã một tháng trôi qua. Hải vẫn giận nàng, bỏ rơi nàng. Nàng thì đã lên xe hoa cùng chồng.
Chồng nàng, một Việt kiều sáu mươi tuổi, đã hai đời vợ trước đó nhưng lại là mạnh thường quân của tổ chức phi chính phủ nơi nàng đang công tác.
Gia đình nàng nợ nần ngập đầu vì người anh trai đam mê cá độ bóng đá. Nếu không có tiền chung độ, hắn sẽ bị đủ thói trò tra tấn của đám lưu manh chợ búa chuyên đi đâm thuê chém mướn. Bố nàng lại tái phát bệnh suy tim cấp cần rất nhiều tiền để chữa trị.
Nàng không thể suy nghĩ được nhiều hơn nữa.
Nàng giấu không cho Hải biết. Lần đi công tác Quảng Ngãi thực chất là đi du lịch cùng với ông Việt kiều khi người đàn ông này đã hào phóng “tài trợ” cho gia đình nàng giải quyết các khoản nợ nần kia. Được dịp Hải giận hờn, nàng càng quyết tâm “sống để bụng, chết mang theo”.
Nhưng trong lòng nàng lại vô cùng đau khổ.
Nàng bị anh trai ép lên xe hoa. Nàng khóc đỏ hoe đôi mắt bồ câu trong ngày đưa dâu.
Nhưng nàng lại tự nguyện nhanh chóng lên máy bay, bay tuốt sang bên kia đại dương như một cuộc bỏ trốn.
Đêm dâng hiến đời con gái cho ông chồng Việt kiều, biết được nhục dục, sự thèm khát của một con đực đói mồi với cơ thể chín mọng của mình, nàng không hề nghĩ về người chồng già nua mà lại nghĩ về Hải.
Nàng kết thúc đời con gái của mình trong sự thỏa mãn của một người chồng nàng không yêu.
Tin sét đánh đến với Hải vào một chiều mưa tầm tã. Khi biết được điều này, nàng đã trở thành vưu vật của người đàn ông khác được hai tuần. Hải như con thú điên loạn hoang dại vội vã đến nhà nàng.
Mẹ nàng đưa cho Hải một bức thư.
Đọc thư xong. Hải khóc.
Một đứa trẻ con cũng không nhiều nước mắt như Hải.
Em đã có chồng, như chim vào lồng, như cá cắn câu. Nếu có kiếp sau, xin cùng anh nên duyên trăm năm. Em có nỗi khổ riêng của em, chắc anh cũng biết khi xem thư. Anh đừng nhớ đến người con gái dối lừa tình yêu này nữa.
Đó là giây phút buồn nhất của Hải. Đất dưới chân như sụp xuống. Nàng và Hải giờ đã là hai thế giới, hai cuộc sống riêng.
Nàng sẽ có con với người đàn ông này, sẽ được chôn cất bên cạnh người đàn ông này chứ không phải là Hải. Hải uất hận khi nhìn tấm ảnh cưới nàng gửi lại trong thư.
Mắt Hải lãng du một vùng đồng quê xanh ngát màu mạ. Da thịt chàng trai thỏa mãn trong khí trời mát rượi. Nhưng lòng chàng vẫn đang rối như tơ vò.
“Không biết người thương có đến không?”.
Ai về cầu ngói Thanh Toàn, Cho em về với một đoàn cho vui… Câu ca dao này Hải được nghe từ rất lâu, từ thời còn thơ bé. Nhưng Hải vẫn không biết vì sao dân gian sáng tác ra câu ca dao này lại phải “cầu xin” một ai đó để về với cây cầu ngói này.
Từ trên cầu ngói, Hải thấy một đoàn du khách nước ngoài vừa bước xuống trên một chiếc xe du lịch. Họ thích thú đứng xem hội bài chòi với sự hướng dẫn của một người nữ trong đoàn.
Hải chợt nhận ra, người đó chính là nàng.
Trong tin nhắn facebook, nàng đã hẹn với Hải:
Nếu anh vẫn yêu em và tha thứ cho em, em sẽ gặp lại anh ở nơi lần đầu chúng mình gặp mặt. Mồng Hai Tết này anh nhé. Em đã được tự do để yêu anh.
Em Lan.
Một tin nhắn đã cứu được chàng trai khỏi rượu, bia, thuốc lá và những thứ cay độc khác.
Huế, ngày 27-7-2015
NGUYỄN VĂN TOÀN