Cậu Hai và cô Ba ở thành phố nhiều lần đánh xe về tận ngõ mời mẹ lên ở cùng nhưng bà nhất quyết “bám trụ” ở quê cùng cậu Út. Anh chị đều thành đạt nhưng Út thì ngược lại; di chứng của những trận đau dặt dẹo ngày bé khiến chân phải cậu co rút và teo như ống tre, giọng thì méo như nói qua chiếc loa rè. Đã thế, vợ lại chẳng mấy nhanh nhẹn cùng đàn con ba đứa lút chút khiến Út càng lam lũ. Bà ở cùng, lặng lẽ chia sẻ những cực nhọc của đứa con không may mắn. Ngoài bảy mươi, bà vẫn lội đồng cấy hái; rời cái liềm cái cuốc, lại chăm heo gà hay quét dọn cửa nhà; trừ những lúc ốm mệt, bà ít khi ngơi tay.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Hai con ở phố về, nhìn mẹ lúc nào cũng lăng xăng tất bật liền nhăn mặt, xuýt xoa. Cả hai đồng thanh: “Mẹ già rồi, phải nghỉ ngơi thôi”. Bà xởi lởi, vỗ về con: “Chẳng bằng người ta làm ráng, không can chi đâu!?”. Khuyên ngăn không được, hai con xuống nước năn nỉ nhưng bà không đổi ý, không thể yên lòng hưởng an nhàn trước cảnh khốn khó của gia đình con út.
Có khác là mỗi bận nghe con ở xa sắp về, bà tạm thôi những việc nhà quen thuộc, ngả lưng trên chiếc võng trước hiên, đong đưa chờ con. Con vui nhìn cảnh ấy nhưng mẹ nóng lòng với bao việc nhà còn dang dở. Vậy nên, khi các con vừa quay lưng để ra xe, bà lại luôn tay với chuỗi việc không tên đã sắp sẵn.
Bà hầu như chẳng phải mua sắm gì cho riêng mình bởi đã có hai con lớn chu cấp; từ quần áo đến thuốc bổ, từ đồ ăn thức uống đến đồ dùng hằng ngày đều do chúng mang về. Đều đặn hằng tháng, chúng biếu bà ít tiền, kèm theo lời nhắc: “Mẹ thích gì cứ mua, không phải tiết kiệm”. Bà ừ à cho qua chuyện để rồi sau đó âm thầm làm cuộc “phân phối lại”: Đồ ăn thức uống, bà dành cho các cháu phần nhiều; tiền thì phân ra từng khoản để giúp vợ chồng Út đóng học phí cho con hay trả tiền thuê máy cày làm đất hoặc mua phân, giống. Chẳng tiêu gì cho mình nhưng bà dường như lúc nào cũng túng thiếu. Vậy nên, mỗi bận con ở xa về thăm, bà lại ngong ngóng chờ lúc chúng gọi riêng ra rồi mở ví.
Hai con ở phố sớm biết việc chi tiêu “sai mục đích” của mẹ và tỏ ý không hài lòng. Lần sau đó, con gái biếu mẹ tiền và dặn: “Ngoài những đám hiếu hỉ, mẹ dùng tiền cho ăn uống bồi bổ sức khỏe; không được mua phân bón, thuốc trừ sâu đấy”. Con trai lớn trao tiền cho mẹ và ghé tai nói nhỏ: “Mẹ không phải làm ruộng, nuôi heo, nuôi vịt nữa”. Khác mọi lần, bà hững hờ nhận tiền từ tay con, nét mặt không vui khi thấy lòng tự trọng bị tổn thương.
Lần sau nữa, hai con cho tiền và lặp lại lời khuyên mấy lần liền, có phần gay gắt; đáp lại, người mẹ ngồi bất động lúc lâu rồi cất lời dứt khoát như mệnh lệnh: “Các con cất tiền đi!”. Hai con trố mắt, năn nỉ mẹ nhận tiền không được liền quay sang gặng hỏi lý do từ chối. Bà nén buồn bực: “Các con sợ mẹ không biết chi tiêu hoặc cho tiền rồi buộc thế này thế kia thì cho làm gì!?”. Hai con bối rối, cúi đầu, xin lỗi.
Tưởng không bao giờ nhưng rồi cũng có lúc bà rời quê lên phố, khi nàng dâu út có lời: “Nhà con giờ đã ổn hơn xưa, mẹ nên lên phố ở với anh chị Hai thời gian cho khỏe”. Bà do dự mấy ngày liền rồi mới cắt đặt việc nhà cho vợ chồng Út và ra đi. Đến ngõ, ngoái lại nhìn ba đứa cháu đứng ở bậc cửa trông theo, lại giơ tay vẫy vẫy, bà chùn chân khựng bước, giọng nghèn nghẹn: “Bà chỉ đi mấy bữa rồi lại về thôi”.
Nhưng bà đã ở với các con trên phố lâu hơn dự định, chẳng phải do cháu con nài nỉ mà bởi chính bà muốn thế. Lúc đầu, ở nhà cậu Hai được ba ngày, bà đã nằng nặc đòi về; những ngày đó, bà cứ đi ra đi vô, mắt mải miết hướng về phía con đường dẫn ra quê. Đến ngày thứ tư, bà đổi ý; ấy là hôm bà xách bịch rác bỏ vào thùng rác công cộng đặt cách nhà không xa.
Ở đó, bà thấy có nhiều phế liệu có thể tận dụng nhưng người ta vứt đi. Lúc ở quê, chỉ cần một nhúm lông vịt hay vài vỏ lon bia, bà đã đổi được mấy cái kẹo cho cháu; còn ở đây, những thứ tương tự bỏ lăn lóc. Bà tiếc ngẩn ngơ, chân không muốn rời thùng rác, dù nơi ấy đang phả mùi khó chịu. Hôm sau, bà bịt khẩu trang, mang găng tay, tay cầm que, tay xách bao đến bên thùng rác; mùi hôi thối nồng nặc xộc vào mũi hay ruồi nhặng vây quanh cũng chẳng khiến bà ngần ngại.
Bà xới rác tìm từng vỏ chai nước suối đến mấy thanh sắt vụn, từ chiếc dép đứt đến mấy vỏ hộp bằng nhựa. Khi đã gom được kha khá, bà khệ nệ mang cái bao tổng hợp kia đến điểm thu mua phế liệu gần đó. Cuối mỗi ngày, bà lại xòe tiền ra, vuốt vuốt cho phẳng phiu những tờ bạc lẻ rồi bỏ chung vào bịch ni-lông để dưới bao gối. Tiền được mừng tuổi vào dịp Tết, bà cũng dồn cả vào đây. Hôm nào con dâu vội đi làm mà không chuẩn bị kịp bữa sáng, bà lại khấp khởi vui vì có thêm mươi ngàn từ số tiền con đưa để ăn quán.
Những bữa đó, thay vì ra quán, bà thường nhịn hoặc xong bữa với chén cơm nguội qua loa, tiền không tiêu thì nhập “quỹ”. Lâu lâu bà lại đem tiền ra đếm và chừng mươi ngày nửa tháng, lại gọi đứa cháu đích tôn vào phòng riêng, đóng cửa lại. Lúc chàng trai quay ra lấy xe đi đâu đó, bà còn với theo: “Con gắng giúp bà nhé”.
Những ngày nghỉ, các con đều ở nhà nên bà không đến thùng rác công cộng. Bà cố giấu nhưng rồi nàng dâu cũng biết mẹ nhặt ve chai trong một lần nàng quay về nhà vào giữa buổi làm. Bà không ngờ việc thường tình của mẹ lại khiến các con kinh ngạc và kiên quyết cản ngăn. Nàng dâu không còn giữ tính điềm đạm vốn có: “Người ngoài sẽ nghĩ gì về tụi con khi để mẹ làm cái việc dơ bẩn, độc hại đó!?”.
Con trai tiếp lời vợ, vẻ xót xa, cứ như bị tổn thương nhiều lắm: “Chúng con đã để mẹ thiếu gì đâu, sao mẹ nỡ bôi xấu chúng con như vậy?!”. Bà ngồi lặng, cay đắng đón những lời khó nghe cùng lối suy nghĩ xa lạ của những người thương yêu nhất. Lúc lâu bà mới lên tiếng, giọng buồn như muốn khóc nhưng dứt khoát: “Việc mẹ làm chẳng có gì phải hổ thẹn!”. Nói rồi, bà đi về phòng riêng, vội vàng gấp quần áo cho vào túi xách để ngay dưới đầu giường; hôm sau đón xe về quê sớm, mặc các con níu kéo.
Mẹ về đột ngột để lại áy náy cho các con. Bữa cơm nhà cậu Hai sau ngày vắng bà trở nên lặng lẽ, tẻ nhạt; không có những tiếng nói cười như thường khi, chỉ không khí nặng nề bao trùm suốt bữa. Như để phá tan im lặng, nàng dâu bỏ dở chén cơm xuống mâm, buông tiếng giữa trời: “Bà cần tiền làm gì mà phải làm cái việc như thế?!”. Thắc mắc của mẹ chuyển sang con, chàng trai tròn mắt: “Mẹ không biết bà cần tiền làm gì?”.
Chị gật đầu, há hốc. Chàng trai trầm giọng: “Tiền bán phế liệu nhặt được, bà nhờ con đưa cho con gái đầu chú Út đang học đại học ngoại ngữ để nó trả tiền trọ, đóng học phí hay mua sách vở. Nếu không có tiền bà cho, chắc con bé phải bỏ học mất, mẹ ạ”. Chị ngơ ngác rồi ngồi lặng; lúc lâu mới bối rối ngước nhìn con: “Sao giờ con mới nói?”, “Con tưởng mẹ biết rồi” - Lời con càng khiến chị day dứt. Chị dằn vặt bội phần khi nhớ lại đã có lúc nghĩ rằng, sao mẹ ham tiền đáng ngạc nhiên như thế. Nhớ những dịp Tết, bạn của con đến chơi rồi mừng tuổi, bà chẳng khách sáo bao giờ, dù chỉ một lời từ chối lấy lệ. Khách vừa quay lưng, bà đã mở bao lì xì, vẻ háo hức như đứa trẻ. Hóa ra, bà đang âm thầm dành tiền cho những đứa cháu nghèo khổ ở quê.
Bà bệnh nặng, phải vào viện. Dù con cháu cố giấu nhưng rồi bà cũng biết bệnh mình là một hai đòi về. Bà nhắc đi nhắc lại điều đau đáu: “Bệnh thì không khỏi mà các con cứ dồn tiền lo cho mẹ rồi ăn học bằng gì!?”. Con cháu và cả bác sĩ cùng khuyên, bà mới bằng lòng kéo dài những ngày nằm viện. Hôm vợ chồng cậu Hai và cô Ba cùng vào thăm, bà tươi tỉnh hẳn; đáp lại vẻ lo âu của con là nét mặt thanh thản của mẹ.
Đang thiếp đi trong mê mệt triền miên nhưng nghe con gọi khẽ, bà tỉnh ngay, gượng ngồi dậy, tựa vào thành giường. Giọng rời rạc, bà nói về những ước mong, nỗi lo lúc cuối đời. Các con vòng tay, lặng im, đón từng lời của mẹ: “Điều mẹ lo nhất là các con của Út không có điều kiện học lên rồi lại khổ như ba mẹ chúng”. Bà thở dài, mắt ứa lệ, đăm đắm nhìn các con như muốn trối trăng, nhắn gửi. Bất chợt bà nắm lấy tay vợ chồng cậu Hai, giọng lạc đi: “Mẹ có mệnh hệ nào, các con đừng xây mồ to mả đẹp làm gì cho tốn…Thương mẹ thì hãy dành tiền giúp các con của Út học hành nên người”. Những lời xót xa ấy nhòe trong nước mắt và đôi vai gầy rung lên trong tiếng nấc.
Sau thoáng sững sờ, những người con cùng òa lên, ôm chầm lấy mẹ.
NGUYỄN TRỌNG HOẠT