1. Buổi chiều, hành lang bệnh viện vắng người. Gió thổi suốt từ đầu hồi đến cuối dãy mang theo mùi cỏ cây dìu dịu. Một người đàn ông đang đẩy xe lăn cho vợ ra hành lang hóng mát. Cái cách anh đẩy xe chầm chậm, vừa đi vừa nói chuyện rủ rỉ rù rì giống như người ta đẩy xe em bé đi chơi hơn là đẩy một người bệnh. Chiều nào cũng vậy, người ta thấy anh đều đặn đẩy xe cho vợ liệt nửa người đi đổi gió ngoài hiên...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Nghe nói anh ở đâu trên xã miền núi Hòa Phú xuống chăm vợ bệnh hơn một tháng rồi. Người ta đã quen với cảnh gà trống nuôi... vợ của anh. Ngày ba bữa cháo cơm, giặt giũ cho vợ. Muỗng cháo từ đôi tay người đàn ông quanh năm cày sâu cuốc bẫm bỗng trở nên ân cần đến lạ.
Đôi tay chai sần ấy còn biết gỡ tóc rối, biết thay áo, biết đổ bô cho vợ sau mỗi lần đi vệ sinh. Thỉnh thoảng, người ta thấy anh ngồi một mình ngủ gật ở cuối giường bệnh. Chắc là mệt mỏi lắm! Nhìn người đàn ông đen đúa, tất tả ngược xuôi nuôi vợ bệnh, tự nhiên thấy câu thiên hạ nói “Vợ chồng như áo cởi ra là rồi” bỗng trở nên... vô duyên chi lạ!
2. Người bác sĩ ấy nghe đâu đến từ nước Mỹ xa xôi, nghỉ hưu cùng chồng, bán hết trang trại, nhà cửa sang Việt Nam, chọn Đà Nẵng làm nơi trú ngụ cho đến cuối đời. Chỉ nội cái chuyện bà là nhà vật lý trị liệu người nước ngoài duy nhất tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng cũng đã khiến người ta ngạc nhiên chứ chưa nói đến cách chăm sóc bệnh nhân của bà.
Từ phía kia nửa vòng trái đất bà đến Việt Nam làm tình nguyện viên. Ba năm rồi, ở bệnh viện này bà chỉ làm mỗi một việc là tập vật lý trị liệu cho những người bệnh bị tai biến mạch máu não. Nhiều người quá quen với cảnh bà tập cho người bệnh từng bước đi trên đôi chân tưởng chừng như không bao giờ còn hy vọng được bước đi trên mặt đất nữa.
Có khi bà ngồi suốt buổi chỉ mỗi việc nghe người bệnh bị tổn thương não kể chuyện hoặc ngọng nghịu hát như trẻ con lên ba rồi vỗ tay tự cổ vũ... Những lúc như thế, trông bà giống một cô giáo mầm non hơn là bác sĩ và học sinh không phải là các cháu lên năm lên ba mà là những người lớn bệnh tật.
Có người hứng chí hát liền cho bà nghe một lúc ba bốn bài, từ Cô gái mở đường, đến Lá đỏ, rồi sang Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây... Tiếng hát không nghe rõ lời, chỉ có âm điệu trào ra từ lồng ngực đến vành môi rồi trở thành ngôn từ vệu vạo. Nghe thương quá đỗi. Mà cũng lạ, cái bệnh viện này như một nhà an dưỡng. Không có tiếng rên của bệnh nhân, không có tiếng càu nhàu của y tá. Chỉ có tiếng hát, tiếng cười, tiếng chân nhẹ nhàng đâu đó dọc hành lang,... Tất cả đều diễn ra chầm chậm tựa mây trôi về phía cuối trời.
3. Gặp lại con bạn từ thuở chăn trâu cắt cỏ tại phòng châm cứu của bệnh viện. Dường đã quá lâu cho cuộc gặp mặt bất ngờ này. Hai đứa nằm sấp trên hai cái giường phủ drap trắng toát, kim châm đầy lưng... rối rít chuyện trò. Nó hỏi, lâu rồi có gặp bọn con N, con H, thằng H, thằng Q... không? Thằng T đang làm bác sĩ bệnh viện ni đó, gặp chưa?
Con bạn quê mùa, mộc mạc này nằm ở đây lưng nửa tháng rồi. Chẳng đau ốm gì, chỉ mỗi tội do gánh gồng gia đình gần một đời người nên cái lưng không chịu nổi! Vậy thôi. Nó cười nói, nằm đây mấy bữa mà toàn gặp người quen cũ... Ai rứa? Thì bọn lớp mình hồi học trường làng chớ ai vô. Đứa đau lưng, đứa thần kinh tọa, đứa mất ngủ triền miên... À, nó sực nhớ, còn có cả mấy vị lãnh đạo trước toàn thấy trên ti-vi, giờ thì gặp người thật ngoài đời, họ về hưu vô đây chữa bệnh.
Cái giọng hí hửng, trên cả vui mừng của nó như trẻ con gặp được bà tiên ông bụt trong cổ tích. Nó chợt nhắc đến tên mấy đứa bạn đã ra đi vĩnh viễn với giọng buồn buồn rồi lặng thinh giữa bốn bề drap trắng.
Ngoài hiên vẳng tiếng “chào bà” được phát âm theo kiểu tiếng Anh của bà bác sĩ người nước ngoài. Một lát, vang lên tiếng hát vệu vạo, người nghe chỉ đoán biết ca từ qua giai điệu: Trường Sơn Tây anh đi. Thương em thương em bên ấy mưa nhiều. Rồi đều đặn hơn là tiếng xe lăn lạo xạo dọc hành lang. Chắc là đến giờ người đàn ông đưa vợ đi dạo...
NHƯ HẠNH