Sáng tác
Tôi đến mảnh đất này để vội vàng từ giã
S. Esenin là con chim họa mi của thi đàn Nga, cất tiếng hót đầy lay động và vội vã ra đi: Tôi đến mảnh đất này/ Để vội vàng từ giã. Tính đến ngày 28-12 năm nay, Sergei Esenin mất đúng 90 năm. Sergei Esenin là gương mặt thơ ca độc đáo, có sức hút với nhiều độc giả Việt Nam, cũng là nhà thơ có số lượng dịch giả người Việt yêu mến và chuyển ngữ sang tiếng Việt nhiều nhất. Thơ S. Esenin được giảng dạy, nghiên cứu trong các trường đại học, trung học tại Việt Nam.
Ngôi nhà gỗ của Êxênhin ở làng Cônxtanchinốp.Ảnh: Internet |
Trong lịch sử văn chương thế giới, nền văn học Nga có một vị trí rất lớn. Đó là những tên tuổi như L. Tolstoi, F. Dostoievski. Gogol, Lermontov, Pouchkine, Tchekhov, Solokhov, Aitmatov, Evtouchenko, B.Paternak, M.Gorki, Maiacovski,… trong đó, nhà thơ Sergei Esenin, người được mệnh danh là “chiếc đại phong cầm mà tạo hóa sinh ra hoàn toàn cho thơ ca”, là một trong những nhà thơ được nhân dân Nga yêu quý nhất, có số lượng tác phẩm phát hành cao nhất, có lúc lên đến 12 triệu bản.
Thi hào Nga SERGEI ESENIN (1895 - 1925). Ảnh: Internet |
Sergei Esenin sinh ngày 3-10-1895 và mất ngày 28-12-1925, sống trên đời chỉ 30 năm. Ông là một nhà thơ trữ tình kiệt xuất của nền văn học Nga và thế giới.
Thời đại S. Esenin là thời đại bão táp và bi kịch. Nước Nga chìm trong chiến tranh, loạn lạc và chuyển mình sang xã hội mới.
Giờ đây, gần một thế kỷ ông về cõi vĩnh hằng, qua những thét gào của mọi cuộc cách mạng, người ta mới nhận ra rằng những gì S. Esenin để lại đầy âm vang của tâm hồn Nga, vẻ đẹp Nga, khát vọng Nga và cả nỗi buồn Nga. I. Ehrenburg nói, “Thơ chỉ cần thiết khi người ta buồn”. Văn chương và cuộc đời của S. Esenin là vậy.
Thơ S. Esenin lấp lánh những sắc màu kỳ diệu của thiên nhiên Nga và sâu lắng những cảm xúc tinh tế, dịu dàng, thân thiết.
Thiên nhiên kỳ diệu của nước Nga, dù trước đó, có nhiều nghệ sĩ đã viết, song, phải đợi đến S. Esenin mới thực sự được thể hiện trong những áng thơ tuyệt vời và bất tử.
Những rung động tế vi về một nước Nga xinh đẹp, tráng lệ, chập chùng dưới bầu trời mùa thu, với những thảo nguyên xanh ngắt, dạt dào cảm xúc được S. Esenin mô tả trong nhiều bài thơ. Nơi đó, có những cánh đồng đất đen trải ra vô tận và cũng hắt hiu buồn vô tận.
Nơi đó, có những cánh rừng bạch dương, tuyết trắng, có người nông dân chân chất, có khóm phúc bồn tử, hoa tử đinh hương, chiếc ấm xamôva và tiếng phong cầm thê thiết, dặt dìu những âm điệu da diết, nhớ nhung:
Tôi sẽ còn hát mãi giữa mênh mông
Để những bài ca về thảo nguyên bát ngát
Sẽ mãi ngân vang lảnh lót tiếng đồng.
(Gửi Pushkin, Tạ Phương dịch)
S. Esenin là nhà thơ yêu thương tận cùng và sâu thẳm về nước Nga. Trái tim của ông rung động, đa cảm, đa cảm đến nao lòng của một tâm hồn Nga thuần túy, trong sáng. A Blok đã không sai khi nhận xét Esenin là “nhà thơ của thiên nhiên”. Nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Cảnh và người của nông thôn trong thơ S. Esenin sống động đến kỳ lạ”.
Ông yêu làng quê, suốt đời gắn bó với thiên nhiên, con người và cuộc sống nơi đó. Đây là một trong những biểu hiện đặc sắc của lòng yêu nước của nhà thơ.
Quả thật, Esenin là vị chúa tể của làng quê, của thiên nhiên Nga. Thiên nhiên trong thơ ông vừa giản dị vừa gần gũi, vừa sinh động nhưng cũng mang đậm chất triết lý sâu sắc:
Ôi, nếu như thiên thần lên tiếng gọi
“Bỏ nước Nga lên sống ở thiên đường
Tôi sẽ đáp: “Thiên đường xin để đấy”
Cho tôi xin ở cùng Tổ quốc yêu thương”
(Thúy Toàn dịch)
S. Esenin hay thầm gọi: “Ôi nước Nga thân thiết của tôi ơi”, “Ôi quê hương, ai quên tôi? Ai nhớ ?”, “Giống như trên bình nguyên Nga im ắng/ Tôi đi trong xao xác mờ sương”, “Ta ngừng lại bài ca về nước Nga xa thẳm”, “Ở nước Nga một miền đất xa xăm”. “Và ở đâu, và khi nào gặp lại/ Nước Nga ơi ! Giá buốt đến bao giờ?”, “Ôi nước Nga vàng, hãy vang ngân réo rắt”,...
- Ôi nước Nga cánh đồng màu thắm đỏ
Và màu xanh ngả xuống giữa lòng sông
Tôi yêu đến sướng vui và đau khổ
Nỗi sầu thương, hồ nước trải mênh mông...
- Ôi nước Nga vàng, hãy vang ngân réo rắt
Ngọn cuồng phong hãy lay động xốn xang
(Thúy Toàn dịch)
Thơ Esenin có màu sắc tôn giáo, dễ thấm sâu trong tâm linh con người. Nhà thơ sinh trưởng trong một gia đình sùng đạo Chính thống giáo). Từ bé, Esenin đã theo bà ngoại đi lễ nhà thờ, hát thánh ca và thuộc nhiều thơ ca tôn giáo. Đọc Thư gửi Mẹ, tác phẩm từng được đưa vào chương trình Ngữ văn trung học phổ thông của Việt Nam, chúng ta sẽ thấy rõ điều này.
Thơ Esenin phóng khoáng, chân thành. Ông đón nhận Cách mạng tháng Mười bằng cách riêng của mình - của con người gắn bó sâu sắc với làng quê nông nghiệp - nhưng cũng đầy lo âu về nhịp độ công nghiệp, sợ phá vỡ đi nét thơ mộng của thiên nhiên Nga.
S. Esenin có những lúc bế tắc, bi quan, trầm cảm, nhất là vào những năm cuối đời. Điều này có ảnh hưởng rõ ràng đến những sáng tác vào các năm 1924, 1925 (Thư gửi mẹ, Đừng gọi con như tám năm về trước, Khu rừng nhỏ, Bông hoa nói cùng ta,...).
Ta có thể đọc được mọi vui buồn trên từng trang viết của nhà thơ về những ngôi nhà gỗ tuyết phủ trắng khi mùa đông đến, những cánh đồng ngập tràn ánh trăng trong mùa gặt, những dòng sông, ngọn núi, hàng cây, nơi ấy, luôn ánh lên thứ ánh sáng rực rỡ, đa sắc màu. Có một không gian nghệ thuật cứ đi đi về về trong nhiều bài thơ của S. Esenin.
Đó là trăng: “ánh trăng xao xuyến”, “ánh trăng ngà”, “mặt trăng rây những bọt sáng óng vàng”, “ trăng mênh mông rắc tuyết bột vàng rơi”, “trăng mù mờ hiu hắt”, “trăng lạnh chiếu mơ màng”, “ánh trăng khuya bàng bạc tận vô cùng”, “đêm đầy trăng ăm ắp”, “Khắp Si-ra đều tràn ngập ánh trăng”,... Vầng trăng này, như S. Esenin gọi, “ánh trăng lai láng lạnh lùng” (Xem Xecgây Alêcxandrovich Exenhin, Việt Thương, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014). Trăng như người bạn tâm tình, theo với nhà thơ suốt những năm tháng đời người, cả vui lẫn buồn, cả đắng cay và hạnh phúc.
S. Esenin chết quá trẻ. Ông tự vẫn năm 30 tuổi. M. Gorki, trong một bức thư viết cho Romain Rolland, có nói: “Đời các nhà văn Nga rất dồi dào những tấn bi kịch, và trong trường hợp Esenin là một trong những tấn bi kịch bi đát” (Gorki, Bàn về văn học, tập II, NXB Văn học, HN 1965, trang 308). Thơ ông những năm cuối đời là những cảm xúc bùi ngùi, man mác, một nỗi buồn như vang ngân, như da diết về thơ và về đời.
Thơ S. Esenin được bạn đọc Việt Nam yêu thích. Dịch thơ ông đã có nhiều tên tuổi như Thúy Toàn, Xuân Diệu, Đào Xuân Quý, Tế Hanh, Bằng Việt, Thái Bá Tân, Anh Ngọc, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Đăng Khoa, Hồng Thanh Quang, Đoàn Minh Tuấn, Tạ Phương, Nguyệt Vũ, Nguyễn Viết Thắng, Việt Thương, hiếm có nhà thơ nào được yêu mến như S. Esenin.
Cuối đời, trước khi mất 3 ngày, S. Esenin viết một bài thơ ngắn, gọi là Tạm biệt, như sau:
Thôi chào nhé, bạn ơi chào nhé!
Bạn thân yêu, tôi mang bạn giữa lòng
Cuộc chia ly tự bao giờ định sẵn
Hơn một ngày tái ngộ chờ mong.
Thôi chào nhé, không một lời bịn rịn
Bạn thân yêu, xin bạn đừng buồn
Trên đời này, chết là điều chẳng mới
Nhưng sống thật tình cũng chẳng mới gì hơn!
(Anh Ngọc dịch)
Trong một bài thơ, S. Esenin đã viết những câu thơ buồn bã, vào độ thu sang:
Đêm nay, dưới trời sao vằng vặc
Có một chàng chăn cừu
Đã đến đây và khóc
Trăng tỏa bóng mênh mông
Một màu xanh huyền ảo...
(Anh Ngọc dịch)
Chàng chăn cừu S. Esenin, dưới ánh trăng bàng bạc của rừng cây bạch dương đã thổi khúc phong cầm “dịu dàng, thấm đẫm tình người” (I. Ehrenburg), Vì thế, đặc trưng cho giọng thơ S. Esenin là một nỗi buồn sâu lắng, thứ thơ đó không phải là của riêng thời đại nó ra đời... Bởi vậy mà thơ Esenin chẳng bao giờ cũ” (I. Ehrenburg).
HUỲNH VĂN HOA