Người đàn ông xuất hiện ở quán lần này là lần thứ ba.
Giống như hai đêm trước, ông lại xớ rớ trước cổng như chờ đợi ai. Nhưng kiểu chờ đợi của ông mới thật lạ lùng, vừa muốn bước hẳn vào quán để gặp người mình đợi mà lại như đang sợ người kia sẽ trông thấy. Những bước chân của người đàn ông ban đầu dứt khoát bao nhiêu thì khi đến gần cổng, những bước chân đó lại trở nên ngập ngừng bấy nhiêu.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Người đàn ông đứng lặng một lúc, dường như đang cố gắng để lấy lại bình tĩnh, ông nhón chân nhìn vào bên trong. Không rõ ông nhìn thấy gì, hoặc bên trong có ai đó đã phát hiện ra ông, nhưng rất nhanh, ông quay ngoắt người bỏ đi, vội vàng như sợ bị níu lại. Trong thoáng chốc, người đàn ông biến mất như chưa từng xuất hiện.
Hai hôm đầu, tôi lặng lẽ quan sát người đàn ông, lòng đầy thấp thỏm. Người đàn ông đó là ai? Tại sao ông không vào hẳn trong quán? Nếu là tôi, nhất định tôi sẽ hiên ngang bước vào quán, gặp ngay người cần gặp. Xin nói thêm, tôi vừa bước sang tuổi hai mươi cách đây ba ngày. Ở tuổi này, tôi và bạn bè rất ít khi đắn đo mà thường “dứt khoát không cần chính xác” trong tất cả các sự việc và hoàn cảnh.
Chẳng như người đàn ông này… Phải chăng, càng sống người ta càng phải suy nghĩ nhiều quá; thành ra, sự dứt khoát trở nên hiếm hoi và đầy khó khăn? Lúc đó, tôi chỉ thấy thương người đàn ông, đã không dứt khoát khiến mình phải khổ sở như vậy. Người đàn ông có biết rằng, chính sự dùng dằng ấy kéo thêm một người nữa cũng đang khổ sở theo mình. Và người đó không ai khác chính là tôi.
Nhìn vẻ xớ rớ của người đàn ông, tim tôi thắt lại. Thời buổi trộm cắp đầy đường, chẳng biết ai thẳng ai ngay, nhất là ánh mắt dáo dác của người đàn ông khiến ai dù vững dạ đến mấy cũng phải giật mình. Tôi chỉ là một thằng sinh viên quèn, đang ôm mộng chữ nghĩa bằng công việc trông giữ xe cho quán cà-phê M vào buổi tối. Nếu một trong những chiếc xe này biến mất, dù chỉ là một chiếc Wave tàu thì nó cũng là một tài sản lớn với tôi. Bởi vậy, tôi không thể không cảnh giác với người đàn ông này.
Vào ngày thứ ba, bất ngờ người đàn ông đến gần tôi, lúng túng trao cho tôi một nụ cười:
- Xin lỗi cậu! Hôm nay ca sĩ Khánh Thương đã hát chưa?
Tôi nhìn người đàn ông vừa ngạc nhiên lẫn dè chừng:
- Hôm nay cô ấy vẫn chưa hát. Mà cũng sắp rồi đó!
Người đàn ông giọng có chút mừng rỡ:
- Thế à?
Nói xong, người đàn ông ngồi xuống cạnh tôi, trên một chiếc ghế nhựa gần đó.
Tôi vẫn chưa biết người đàn ông này đang có ý đồ gì. Rất có thể, ông cũng là một khán giả yêu tiếng hát của ca sĩ Khánh Thương. Nhưng nếu vậy thì ông đã phải yên vị trên một chiếc ghế nào đó giống như những vị khách đang ở trong kia, chứ không có kiểu dáo dác như mấy ngày vừa qua. Trong tình thế này, tôi dặn mình phải đề cao cảnh giác; tuy nhiên, với vai trò của một nhân viên khiến tôi vẫn phải lịch sự.
- Chú đã xuất hiện ở đây hôm nay là lần thứ ba, chú đang cần gặp ai sao?
Tôi cố nhấn mạnh số lần người đàn ông xuất hiện ở đây, để ông biết rằng mình đã bị quan sát và dừng ngay ý đồ xấu nếu có. Nhưng người đàn ông chỉ im lặng. Tôi đành nhắc lại câu hỏi:
- Chú muốn gặp cô Khánh Thương sao?
- Ừm. Mà không, tôi chỉ muốn nghe Khánh Thương hát…
Người đàn ông buông lửng câu nói rồi nhìn vào trong quán. Lúc này từ trong quán vọng ra tiếng hát của ca sĩ Mai Hồng. Mặc dù không được trực tiếp nghe hát giống như các vị khách đang ngồi bên trong, nhưng nhờ làm việc ở đây được một thời gian nên tôi có thể biết được giọng hát, thể loại nhạc của từng ca sĩ mà không cần phải nhìn mặt. Như lúc này, bài hát Xin còn gọi tên nhau vang lên tôi biết ngay là của ca sĩ Mai Hồng.
- Nếu muốn nghe ca sĩ Khánh Thương, mời chú vào trong quán.
Người đàn ông vội vàng xua tay:
- Không cần đâu. Tôi muốn ngồi đây và nghe, mong là cậu không phiền.
Lạ thật. Thực chất người đàn ông này đang muốn gì? Trong đầu tôi những câu hỏi đầy hoài nghi không ngừng cuộn lên. Nhưng khi nghe ông nhắc về ca sĩ Khánh Thương, cùng ý muốn được nghe hát thì sự hoài nghi trong tôi có phần giảm bớt. Dù vậy, tôi nghĩ mình vẫn phải cảnh giác với người đàn ông này.
Người đàn ông lên tiếng:
- Tôi biết đến ca sĩ Khánh Thương cũng khá lâu rồi. Chỉ là tôi được cơ quan điều động đi công tác ở nước ngoài nên đợt này tôi mới quay lại quán...
Người đàn ông lại tiếp tục sau một hồi đảo mắt quan sát:
- Mà cậu cho tôi hỏi, ca sĩ Khánh Thương còn làm chủ quán này nữa không. Vì trước đây, tên quán không phải như bây giờ.
- Vẫn là của cô Khánh Thương chú ạ! Chỉ là sau một biến cố, cô Khánh Thương đã đổi quán như chú thấy.
Tôi nhìn quán rồi trả lời người đàn ông. Đúng là trước đây, quán không phải tên M như bây giờ, mà có tên là Hội ngộ. Rất nhiều vị khách, ban đầu lấy làm lạ với sự thay đổi này nhưng vì yêu tiếng hát của ca sĩ Khánh Thương nên họ vẫn thường lui tới. Doanh thu của quán cũng không ảnh hưởng nhiều.
Đúng lúc này, từ trong quán vang lên những câu hát: “Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình. Ngoài hiên nắng lóe, đàn chim giật mình. Biết lời tỏ tình, đã có người nghe”(1). Tôi quay sang nói với người đàn ông:
- Cô Khánh Thương bắt đầu hát rồi đó chú!
Người đàn ông chăm chú lắng nghe. Kể từ lúc đó, ông hoàn toàn im lặng. Tôi không muốn cắt ngang dòng cảm xúc của ông nên cũng im lặng trôi theo những lời ca da diết của ca sĩ Khánh Thương. Cả tôi và người đàn ông cùng mơ màng theo những giai điệu của bài Một mình, cho đến khi kết bài lúc nào không hay: “Sáng trưa khuya tối, nhìn quanh một mình. Đường quen không tới, tìm nhau ngại ngùng. Chỉ vì đời mình, chưa có bình minh”(2).
Bài hát đã kết thúc được một lúc, vậy mà người đàn ông vẫn ngồi bất động, khuôn mặt có chút rưng rưng. Thực ra, đây không phải lần đầu tiên tôi bắt gặp cảnh tượng này. Tôi nói với người đàn ông:
- Chú không biết đâu, nhiều hôm ngồi ngoài này, cháu có liếc mắt vào trong quán. Khi ca sĩ Khánh Thương hát đến câu: “Còn bao lâu nữa khi ta bạc đầu. Tình cờ gặp nhau, ngỡ ngàng nhìn nhau. Để rồi còn gì nữa cho nhau”(³), cháu thấy có rất nhiều khán giả đưa tay lên chậm nước mắt. Trên sân khấu, chốc chốc ca sĩ Khánh Thương cũng lén quay ra sau, đến khi quay lại thì đôi mắt đã đỏ hoe.
Người đàn ông bấy giờ mới quay sang tôi:
- Bài hát mà Khánh Thương vừa hát, đúng là nghe rất buồn.
Rồi rất nhanh, người đàn ông đổi giọng:
- Thực sự là đến lúc này tôi mới thấy tiếng hát của Khánh Thương hay đến như vậy. Nó đầy thổn thức. Mà lúc nãy, cậu vừa nói tới biến cố khiến ca sĩ Khánh Thương đổi tên quán. Cậu có biết biến cố đó là gì không?
- Chuyện của cô Khánh Thương thì dài lắm. Không biết chú có muốn nghe không?
- Cậu cứ kể đi! - Người đàn ông bảo.
Lúc này, tôi đã quên mất rằng, người đàn ông bên cạnh là người mình cần đề phòng mới trước đây thôi. Tôi kể lại câu chuyện mà mình được biết cho ông, với suy nghĩ đơn giản ông cũng là một người yêu tiếng hát của ca sĩ Khánh Thương. Đó là sự quan tâm của một khán giả dành cho ca sĩ mình yêu thích, một chuyện vốn dĩ rất bình thường như lâu nay.
- Thực ra thì cháu mới chỉ làm việc cho cô Khánh Thương khoảng một năm nay thôi, từ lúc quán đổi sang tên mới là M. Cháu nghe nói, sở dĩ cô Khánh Thương đổi tên quán là do vợ chồng cô ấy đã không còn sống chung với nhau nữa. Đến bây giờ, cháu cũng không rõ tên quán mang ý nghĩa gì. Nhiều người bảo, chữ M là từ viết tắt của chữ Me trong tiếng Anh, nghĩa là Tôi. Nhưng cũng có người bảo đó là chữ viết tắt của Một mình.
Người đàn ông hơi thảng thốt:
- Cậu nói sao. Vợ chồng ca sĩ Khánh Thương không còn sống với nhau nữa?
- Đúng vậy, họ chia tay cách đây một năm, và ngay sau đó, cô Khánh Thương cho bỏ đi tên biển quán cũ là Hội ngộ, để thay bằng M.
- Chứ không phải vợ chồng ca sĩ Khánh Thương đã rất hạnh phúc hay sao? Hai người rất hợp nhau mà!
- Đúng là thời gian đầu, hai người từng rất hạnh phúc. Họ là một cặp đôi đẹp ở quán M: chồng đàn, vợ hát. Nhiều khán giả tới đây cũng bởi hình ảnh đó. Nhưng rồi hai người cũng chỉ sống được với nhau trong một thời gian ngắn, sau đó ai đi đường nấy. Bởi vậy mà chú thấy giọng hát của cô Khánh Thương mới thổn thức như vậy. Nhiều người nói, bây giờ ca sĩ Khánh Thương hát bằng gan ruột của mình.
Người đàn ông vẫn im lặng lắng nghe. Bất giác tôi thở dài:
- Hôm trước, cháu có nghe cô giáo nhắc lại câu mà người xưa quen dùng - “xướng ca vô loài”. Cháu thấy câu này giờ vẫn đúng với cô Khánh Thương. Cuộc đời cô ấy tội lắm.
Không thấy người đàn ông lên tiếng, tôi lại tiếp tục:
- Trước khi lấy người nhạc công trước đây của quán, cô Khánh Thương từng có một đời chồng. Nghe nhiều người nói lại, chồng đầu của cô Khánh Thương vốn là một kỹ sư. Biết vợ mê ca hát, chú ấy đã mở quán cà-phê Hội ngộ để vợ trông coi và thỏa sức đam mê của mình. Người chồng ấy chỉ biết đến máy móc, tuyệt nhiên không bao giờ để tâm đến công việc của vợ.
Chính vì điều đó mà ca sĩ Khánh Thương đã không thể tìm được sự đồng cảm lẫn sự thấu hiểu nơi người bạn đời của mình, cô chỉ tìm thấy điều đó từ người nhạc công đêm đêm vẫn đệm đàn cho mình và những ca sĩ khác ở quán. Vết nứt dần loang ra, đến một ngày kia thì hai người không thể sống chung được nữa. Người chồng chấp nhận ra đi, để lại nhà cửa cùng quán cà-phê này cho vợ.
Tôi quay sang bắt chuyện với người đàn ông:
- Việc làm của chồng cô Khánh Thương, chú có tin được không?
- Sao cậu lại hỏi thế? - Người đàn ông hỏi lại.
- Cháu thấy khó tin quá! Sao trên đời lại có một người khoan dung và rộng lượng đến như vậy. Chú cứ mở báo lên đọc thì biết. Người ta nói vợ chồng một ngày cũng nghĩa, nhưng nghĩa đâu chẳng thấy, bây giờ cháu thấy người ta tranh giành quyền lợi, địa vị nhiều hơn.
Thậm chí, vợ chồng còn giết nhau, cưa ra làm nhiều khúc. Kinh khủng lắm chú ạ! Bởi vậy, việc một người chồng sẵn sàng ra đi, để lại hết tất cả gia tài cho vợ, mà giờ đã là người dưng, thật khó lòng để tin dù chuyện đó đã xảy ra.
- Tôi có biết những chuyện cậu vừa kể. Nhưng mà dù sao đó cũng chỉ là số ít, cậu còn trẻ, hãy nhìn vào những điều lạc quan để bớt đi những suy nghĩ tiêu cực. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, chuyện vợ chồng khó nói lắm cậu ạ! Mà cậu kể tiếp đi, chuyện của ca sĩ Khánh Thương với người chồng nhạc công ấy.
- À. Sau khi chia tay người chồng đầu, ca sĩ Khánh Thương chuyển tới sống cùng người chồng nhạc công. Hằng đêm, họ cùng đàn và cùng hát ở M. Giọng hát của cô Khánh Thương thì chú biết rồi đấy. Kết hợp cùng tiếng đàn đầy mê hoặc của người chồng nhạc công, nhiều khúc tình ca vang lên, khiến không ít người mê đắm. Nhưng rồi chuyện của họ cũng không kéo dài được lâu.
Cứ tưởng rằng, họ sinh ra để dành cho nhau, vì cả hai có cùng đam mê, đã vượt qua những cản trở để đến với nhau. Ấy vậy mà không phải. Chỉ sau thời gian ngắn sống bên nhau, họ đã không tìm được tiếng nói chung vì cái tôi của người nào cũng lớn. Họ không sống với nhau từ hơn một năm nay rồi chú ạ! Người nhạc công cũng không còn chơi đàn ở M mà đã chuyển đến một nơi xa nào đó, nghe đâu là tít trên Đà Lạt.
Tôi chép miệng:
- Hình như nghệ sĩ đứng một mình thì hay, còn đứng cạnh nhau thì hết hay, phải không chú?
Người đàn ông phì cười:
- Câu này cậu phải đi hỏi mấy nghệ sĩ, chứ tôi đâu phải nghệ sĩ mà biết!
Rồi người đàn ông giọng đầy lo lắng:
- Mà cậu này, rồi ca sĩ Khánh Thương có vượt qua được không?
Tôi chậm rãi:
- Ban đầu, cô Khánh Thương cũng buồn, nhiều đêm đang hát trên sân khấu mà cô ấy bật khóc ngon lành đó chú. Nhưng vết thương nào cũng phải lành. Giờ cô ấy đã tìm được sự cân bằng rồi. Với cô Khánh Thương bây giờ, hạnh phúc là đêm đêm được hát cho những khán giả yêu thích mình ở quán cà-phê M này thôi.
Vừa lúc đó, có một đôi trai gái từ trong quán đi ra. Không quên nhiệm vụ của mình, tôi bảo với người đàn ông:
- Cháu phải ra lấy xe cho khách. Chú đợi cháu một lát nhé!
Nhưng người đàn ông liền xua tay:
- Mà khuya rồi, chắc tôi cũng về luôn bây giờ. Nhưng có điều này…
Người đàn ông bỗng trở nên ngập ngừng. Sau cùng, ông cũng mở lời:
- Chắc là cậu đang rất thắc mắc tôi là ai phải không? Thú thực với cậu, tôi chính là người chồng đầu của ca sĩ Khánh Thương…
Tôi ngạc nhiên nhìn người đàn ông đang đứng trước mặt mình. Như không tin vào sự thật. Mọi thứ diễn ra đầy bất ngờ. Sau một vài giây lưỡng lự, tôi cũng nói được ý nghĩ vừa lóe lên trong đầu mình:
- Chú có nghĩ mình nên gặp cô Khánh Thương không? Để cháu vào kêu cô ấy…
- Đừng! Biết Khánh Thương vẫn ổn là tôi an tâm rồi. Tôi không muốn sự xuất hiện của mình làm xáo trộn cuộc sống của cô ấy nữa. Có việc này, tôi muốn nhờ cậu giúp.
Giọng người đàn ông trầm ấm:
- Tôi muốn cậu hứa với tôi, cậu sẽ không nhắc lại với Khánh Thương về sự xuất hiện của tôi hôm nay, được chứ?
Khách gọi tôi dắt xe. Tôi quýnh quáng chạy lại dắt xe cho khách, chưa kịp trả lời đề nghị của người đàn ông; đến khi quay lại thì người đàn ông đã không còn ở đó. Ngõ khuya trở nên thinh lặng. Chỉ trong quán vẫn còn vang lên những lời ca đầy thổn thức.
“Đêm đêm vó câu anh về một tiếng ca xưa
Những thung lũng buồn ngủ suốt trong mưa
Tiếng ca không còn miền đất dỗi hờn”(4).
HỒ HUY SƠN
(1),(2),(3): Tất cả lời hát đều được trích từ bài Một mình, một sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương.
(4): Câu hát trong bài Tiếng hát về khuya của nhạc sĩ Tôn Thất Lập.