Ngày con quyết định rời quê vào thành phố. Má không khóc, không cười, không nói gì, chỉ thấy đôi mắt mọng nước đến nao lòng. Hình ảnh má với chiếc nón lá, cái quai nón màu ngói cũ, đôi môi khô khốc, đứng ở đầu ngõ vẫy vẫy khi con đi, đã chạy vào những giấc mơ cuối những chiều tà.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Thành phố, người và xe, ồn ào, khói bụi và những vụ tai nạn cũng như cơm bữa, má luôn gọi nhắc “cẩn thận nghe con”. Thành phố, người người chen chân nhau, cơ hội nhiều không thua gì cám dỗ, con người cũng mệt mỏi với bon chen, bữa cơm nhà dường như là điều xa xỉ, má luôn gọi “ăn gì má gửi nghen”.
Thành phố, con mải mê thâu đêm với những cuộc vui bạn bè, má thức thâu đêm với những chiếc chiếu cói để sáng mai phơi cho kịp nắng. Con không kịp gọi để nhắc má “ngủ sớm nghen má”. Ngày cánh diều chợt bay ngang qua thành phố, chiều buồn như những sớm mai, con nằm nghe tiếng cô hàng rong đầu sớm gọi “bánh xèo không” mà nhớ nhà, nhớ xóm, nhớ tiếng má đến nao lòng, chỉ là con không còn gọi cho má được nữa, và nơi đó má cũng vậy. Có những điều khi hối tiếc thì đã muộn, khi hối tiếc thì cánh diều cũng đã đứt dây, tuổi thơ đã bay xa khỏi cuộc buồn!
Ngày con rời thành phố, con tàu chạy xình xịch kéo theo những áng mây trời, những tòa nhà cũng bỏ xa con, những ánh đèn, hàng cây cũng chạy tuột về phía ngày xưa cũ. Chỉ có giấc mơ mấp máy gọi thành tiếng “Má, má…”. Má cười như ngày con đi…
Con đặt chân trên con đường làng đi qua cánh đồng màu nắng biếc, cái nắng vàng ruộm nhuộm cho cánh đồng một màu nhung nhớ, nhưng vẫn không đủ hong khô nỗi buồn cũ. Từng đàn cò bay lên, điểm vào vùng trời xanh một vệt khói trắng. Con thấy dáng má đang lom khom gặt lúa, ba đánh con trâu đi cày, và bà đang ngồi đong những hạt lúa vào bao. Má cười hiền đến nao lòng. Con nghe tiếng má gọi “Việt, Việt…”.
Con đặt chân trên bực hè, những chiếc lá vàng nằm cong queo trên bực cửa, đàn chim sẻ đang mải mê kể chuyện nơi mái ngói nâu, con thấy con đang nằm trên đùi má, má dịu dàng chải từng vạt tóc rối, rồi dặn “con gái phải giữ tóc dài, cho nó dịu dàng nghe hông”. Nhìn lại mình, tóc con đã cắt ngắn rồi! Má vẫn ngồi đó hát “Chuyện tình Lan và Điệp”, mãi đến giờ con mới thuộc.
Phía bên kia hiên nhà, bà đang ngồi móm mém nhai trầu, ba đang phơi lúa, tiếng cười vỡ tan những giọt mồ hôi mặn chát lòng. Con vẫn hay sờ tay lên khuôn mặt rám nắng của má, xoa xoa những vết nhăn hằn lại bởi thời gian, bởi yêu thương, bởi khổ cực, bởi nhọc nhằn khuya sớm, nhưng vẫn chưa kịp mua kem về thoa giúp má. Con vẫn hay giận má, bởi những lần má gọi điện nhắc lúc con đi chơi, đi làm, nhắc con về nhà chơi, về thăm má. Và đến giờ, đôi lúc con mong một cuộc gọi nhỡ từ số máy của má, mặc dù ngày xưa, con mải mê với nhịp đèn mà có lúc không trả lời điện thoại.
Quả thật nếu cuộc sống này là một giấc mơ thì tốt, con đã có thể tỉnh giấc và chạy đến ôm má như ngày xưa, sà vào lòng má mà nũng nịu, mà nói “con không đi nữa, con ở nhà với má” nhưng… giấc mơ đổ vỡ. Con tỉnh giấc sau một cơn mê dài, đoàn tàu vẫn chưa ngừng chạy, quê nhà và má vẫn cứ xa thật xa.
Đón con, bây giờ chỉ có gương mặt ba hốc hác, ánh mắt bà buồn rười rượi, và nơi kia xa lắm, đôi môi má mỉm cười như ngày xưa, ngày má còn trẻ, tươi và đẹp vô cùng. Đàn chim sẻ nép mình sau vòm lá, nghe tiếng kinh cầu vẳng vọng không trung.
BÙI THỊ THƯƠNG