Sáng tác

Lê Trường Đại như "sông vẫn chảy"

08:47, 19/03/2017 (GMT+7)

Dấn thân vào con đường cứu nước gian khổ từ thời niên thiếu, khi đất nước hòa bình thống nhất, Lê Trường Đại lại say mê sáng tạo văn học nghệ thuật. Đa năng, khiêm nhường và nhân hậu, Lê Trường Đại là một “góc khuất” có số phận khắc nghiệt...

Nhà văn, hoạ sĩ Lê Trường Đại
Nhà văn, hoạ sĩ Lê Trường Đại

Đầu tháng 3-2017, có hai nhà văn vốn là “láng giềng” quê hương của nhau đã từ giã cõi đời tại TP. Hồ Chí Minh, đó là Nguyễn Quang Thân quê gốc Hà Tĩnh và Lê Trường Đại quê gốc Quảng Bình. Nhà văn, hoạ sĩ Lê Trường Đại gắn bó với Sài Gòn từ thuở nhỏ, còn nhà văn Nguyễn Quang Thân vừa cùng gia đình chuyển từ Hà Nội vào sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh thời gian gần đây.

Với những đóng góp trên văn đàn qua những tập truyện ngắn và tiểu thuyết nổi bật, nhà văn Nguyễn Quang Thân được dư luận nhắc đến nhiều khi ông đột ngột qua đời sau một cơn đột quỵ ở tuổi 82. Trong lúc đó sự ra đi của nhà văn, họa sĩ Lê Trường Đại rất lặng lẽ, hầu như không xuất hiện một dòng tin nào trên báo chí, mặc dù cuộc đời và sự nghiệp phong phú 78 năm qua của ông có những điểm đáng ghi nhận.

Lê Trường Đại sinh năm 1940 (có tài liệu ghi 1941) tại Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nông dân yêu nước. Năm 1954, người cha tập kết ra Bắc, người mẹ phải rời quê nhà đưa các con nhỏ dại vào tận Sài Gòn mưu sinh để tránh áp lực theo dõi bố ráp của chính quyền đương thời. Vừa đi học, Lê Trường Đại vừa lăn lộn làm đủ thứ việc để phụ giúp người mẹ nghèo đơn thân nơi đất lạ. Thời thơ ấu gian khổ của ông đã được khắc họa qua lời của người mẹ trong tiểu thuyết mang tính tự truyện Sông vẫn chảy: “Mày sanh ra đã lăn lóc như con mồ côi chứ có nằm trên giường nệm êm ấm gì đâu. Bán báo dạo, bưng cháo bỏ mối từng nhà cho công chức chế độ, bán chuối chiên ở các rạp hát, đánh giày… làm đủ các nghề là lao động rồi còn gì hả con?” (tr.13).

Nối chí cha, Lê Trường Đại còn sớm dấn thân làm liên lạc bí mật cho cách mạng, hoạt động điệp báo đơn tuyến nội thành Sài Gòn. Công việc đòi hỏi ông không ngừng trau dồi kiến thức văn hóa và đời sống thực tế, rèn luyện bản lĩnh, có tư duy phán đoán độc lập. Sống và hoạt động giữa thành phố sôi động về báo chí và văn chương, Lê Trường Đại cũng bắt đầu cầm bút, làm thơ, viết truyện ngắn và kịch bản, cộng tác với các tờ báo có khuynh hướng yêu nước và tiến bộ, mà kết quả là tập truyện ngắn Những kẻ còn lại được hoàn thành năm 1974.

Bìa tiểu thuyết Sông vẫn chảy (Nxb Văn hóa Văn nghệ, 2016) (trái) và bức tranh Sen của Lê Trường Đại.
Bìa tiểu thuyết Sông vẫn chảy (Nxb Văn hóa Văn nghệ, 2016) (trái) và bức tranh Sen của Lê Trường Đại.

Sài Gòn giải phóng, Lê Trường Đại chuyển sang sáng tác chuyên nghiệp. Cảm hứng từ không khí hòa bình thống nhất đất nước, Lê Trường Đại không ngừng vác ba lô lên rừng xuống biển thâm nhập thực tế sáng tác ở những vùng sâu vùng xa của Nam Bộ đang khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng đời sống mới. Nhờ chất liệu sống của thời kỳ khó khăn phức tạp này mà cuối đời ông đã viết nên tác phẩm thành công nhất của mình, đó là tiểu thuyết Sông vẫn chảy đoạt giải Cuộc vận động Sáng tác văn học nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975 - 2015)…

Tiểu thuyết Sông vẫn chảy có nhân vật chính là Quảng Trọng vốn là một điệp báo đơn tuyến ở nội thành Sài Gòn nhưng đã không được nhận bất cứ phần thưởng công trạng gì, bởi vì người chỉ huy trực tiếp là chú Năm đã bệnh qua đời ngay sau ngày đất nước thống nhất nên không ai có thể chứng nhận. Tuy nhiên, nhờ sự khuyên nhủ của người mẹ giàu trải nghiệm cả đời hy sinh vì chồng con để phụng sự cho hai cuộc kháng chiến mà Quảng Trọng đã nhẹ nhàng vượt qua nỗi đau để tiếp tục dấn thân vào con đường cách mạng bằng ngòi bút.

Anh tiếp tục đối mặt với những kẻ thù nguy hiểm trong bóng tối, những hiện tượng ấu trĩ trong quản lý xã hội và cả những khó khăn về vật chất lẫn dằn vặt tình cảm riêng tư trong chính gia đình mình. Và trên hành trình thâm nhập thực tế đời sống mới để sáng tác ở Long Khánh, anh cũng đã gặp được những con người tốt đại diện cho nhiều thế hệ khác nhau, đặc biệt là thế hệ thanh niên mà tiêu biểu là cô Út Son, một cán bộ trẻ nhiệt tình, xông xáo, có năng lực, hết mình vì lý tưởng và giàu lòng yêu thương con người.

Có thể nói nhờ độ lùi thời gian và kinh nghiệm sống, tiểu thuyết Sông vẫn chảy của nhà văn Lê Trường Đại là một trong những tác phẩm hay thể hiện sống động bức tranh TP. Hồ Chí Minh và miền Nam giai đoạn sau ngày đất nước hòa bình thống nhất. Đặc biệt, ông viết tiểu thuyết này trong giai đoạn chống chọi căn bệnh ung thư, nó như tiếng nói tâm huyết cuối cùng của một nghệ sĩ gửi lại cho cuộc đời trước khi vĩnh biệt vào lúc 5 giờ 35 ngày 1-3-2017.

Ba mảng chính trong sáng tác của nhà văn Lê Trường Đại. Thứ nhất là truyện viết cho thiếu nhi gồm Sóng nổi sóng ngầm (2 tập - 1990), Hang thủy thần (1991), Mùa mận tuổi thơ (2 tập - 1992). Thứ hai là truyện lịch sử: Loạn kiếm cung đình (1990), Ỷ Lan thái phi (2 tập - 1991), Sáo trúc Chí Linh (2 tập - 1990), Từ sơn hiệp khách (2 tập - 1991). Thứ ba là truyện hình sự: Những chiếc mặt nạ, Trên lưng cọp. Truyện ngắn Bạn tôi thanh niên xung phong đoạt giải B cuộc sáng tác của Thanh niên xung phong năm 2005 và tiểu thuyết Sông vẫn chảy là những tác phẩm không nằm trong ba mảng chính đã xuất bản.

PHAN HOÀNG

.