Sáng tác

Rừng con gái

15:37, 05/03/2017 (GMT+7)

Khi nói về rừng, cả tỉnh, cả huyện lập tức nhắc luôn bà Rọn ở Phiêng Lênh. Đến Phiêng Lênh hỏi, dân bản chỉ ngay, cứ đi khắc đến cái nhà dưới rừng kia kìa.

Minh họa: Hoàng Đặng
Minh họa: Hoàng Đặng

Khách thấy người khăn piêu áo cóm, váy xa tanh tha thướt, đẹp xinh xuống cầu thang đón thì đứng im, ngắm… Một lúc, giật mình ngượng quá, lúng túng: “Em chào chị”. Chủ cười. Khách lại bảo, chị ơi… em được ủy ban giới thiệu bà Rọn, em đến hỏi chuyện rừng nhà mình. Chị ơi, bà Rọn có nhà không ạ. Tôi là Rọn đây mà. Khách cúi mặt, “cháu xin lỗi, cứ tưởng chị là con bà Rọn”…

Lên nhà, ba đứa trẻ đang đuổi nhau, ván sàn ruỳnh ruỳnh như động đất. Khách lấy quyển sổ, cái bút ra… mở đầu - Cô ơi, rừng xung quanh này là của nhà mình hết à?  Ừ… nhưng đã chia cho con rồi, đứa chị tám hát (héc-ta), đứa em sáu hát, mẹ còn chín hát. Khách cúi xuống, cây bút đang lia lia thì… ụp… á… a… a… Một đứa bé đâm vào khách, ngã bổ nhào. Đứa sau đang đà đuổi, không phanh được cũng chồng luôn lên. Đứa thứ ba, đang uỵch uỵch đến, lẽ ra dừng thì giậm chân lấy đà nhảy phóc một cái vào. Một “đống” trẻ nằm giữa chủ và khách. Thế này thì chuyện trò gì.

- Hư quá, xuống đất chơi đi, để bà nói chuyện.

Ba cái lôi dậy, ba cái phát vào mông, lần lượt từng đứa. Bà ơi… hí hí… ứ đau. Zê… zê… zê… lên đỉnh núi chúng mày ơi. Chúng hò la, loang loáng gian bên,  ngất ngưởng ba thằng “giặc” trên chồng chồng bao thóc.

- Cháu ngoại tôi đấy. Mệt quá, hôm nay chủ nhật lớp mầm non nghỉ. Trông trẻ còn mệt quá đi nương. 
Bọn trẻ vẫn đang hò hét, mấy bao thóc đã lăn xuống. Bà Rọn lắc đầu - Cháu thông cảm, mình phải lên rừng nói chuyện mới được. Vâng, chuyện rừng nói ở rừng càng hay, khách thích quá.

Rừng được dẫn lên bằng một lối mòn đặt vừa bàn chân. Chân đặt xuống, là tế, sim, mua… bụi cây không biết tên, như chỉ có đợi thế ùa vào phủ kín. Sương trên lá giờ mới gặp người, lành lạnh như đùa. Tiếng khe nước róc rách, có đôi sóc nhoắt nhoắt ẩn hiện đằng trước. Khách ngửa mặt, ngắm đám cây thân trắng mốc, trùng trùng cao vút. Một luồng nắng, như chiếu phim từ trên xuống, rơi rơi xoay xoay những hạt li ti óng ánh.

Bà Rọn đến bên một cây to tầm người ôm, cúi đầu chắp tay. Khách lên đang thở, (không hiểu gì) cũng làm theo. Bà đang vuốt vuốt thân cây, đôi mắt im lặng xa xăm -  “Bố mẹ tôi ở đây!”. “Các anh tôi ở đây!”. Cốc cốc cốc… tiếng chim gõ kiến như từ vách đá vọng lại. Gừ gừ gừ… tiếng thú rất gần mà không thấy mặt. Róc rách róc rách… khe nước mờ mờ xa xa.

Khách chủ lặng im, cánh rừng càng yên ắng. Có một luồng gió mát lẹm quẩn quanh thân cây. Chợt, cái vỏ xù xì kia có vẻ nhấp nháy, rồi cả thân cây, cành lá, xung quanh như òa reo.

Năm ấy cả bản, cả xã phá rừng từ sáng đến tối, nửa đêm vẫn tiếng rìu tiếng búa, cây rắc rắc đổ ùm. Chiều chiều, có khi đến tận nửa đêm đoàn người, củi, gỗ mới từ rừng ra. Nhà nào nhà nấy, của rừng vứt đầy dưới sàn, ngoài bờ ao. Lấy gì nhiều thế? Đun bếp mấy năm cũng chả hết, thì bán đi, chả thấy có người mua. Kệ, không biết, cứ mở mắt ra là mặc búa rìu dắt đi. Cũng có người xót, bảo thôi để rừng nó sống. Tiếng ấy chỉ tai nghe gió thổi, rồi lại đâu vào đấy. Rừng ụp xuống, người lom khom lô nhô như con thú ăn xác chết. Nắng mưa trên trời xuống, chả còn chỗ nghỉ chân cứ thế mà khô khốc, lũ ống lũ quét.    

Đâu như được ba năm tập trung phá thì rừng hết sạch.

Rồi đói hết đường đói. Ruộng nằm phơi giữa nắng, không một bóng người. Cây lúa xanh mấy hôm rồi vàng ố, khô quắt. Mùa về không có cúng cơm mới, không có múa xòe. Nhà nhà im lìm như có tang.
Nghe con khóc đòi ăn, lòng bố mẹ như xát muối. Phải đi tìm cái ăn, cứ ngồi đây thì chết hết. Lên rừng, rừng chỉ còn núi đất mênh mông xám xịt, xuống khe suối gặp toàn đá nhọn hoắt nóng bỏng.

Bố mẹ đi. Năm ngày… mười ngày chẳng biết đi đâu. Ba đứa trẻ ở nhà, thoi thóp mấy hôm thì chết. Một tối, bố mẹ sung sướng mang hai bao sắn về thì không còn con. Họ ra rừng, vật vã “bế” ba cái mộ bé, suốt từ trưa đến tối.

Bố như bộ xương, đôi mắt hõm tít, ghê sợ. Mẹ khô khốc gầy đét đen cháy. Hai người hai cái bóng, cả ngày chả nói với nhau một câu. Ở nhà toàn nghe tiếng, bố mẹ ơi con đói; lên rừng, nắng như con rồng lửa thấy người là muốn thiêu cháy ăn thịt.

- Cậu biết vì sao bố mẹ tôi hồi ấy không chết không? Bà Rọn dừng lại hỏi. 

- Chết thì làm sao có cô như chị đang đứng đây.

Khách pha trò nhưng nét mặt bà Rọn vẫn không giãn ra chút nào.
…Vì ba ngôi mộ ấy đấy. Ngày ngày bố mẹ ở trên rừng, gần mộ để đỡ nhớ con. Bố làm cái lều rộng, cho các con mát mẻ. Mẹ đi kiếm “thức ăn” về cho con - Cào cào, bọ xít, xập xành… bất kể con gì còn sống ở đây.

Một buổi, đầu ba ngôi mộ mọc lên một mầm xanh. Mấy hôm sau, mẹ reo lên gọi bố. Mẹ bảo, con mình đấy, nó nhớ quá, lên để gặp bố mẹ, mình cố gắng chăm sóc nó nhé. Bố nhìn mẹ có vẻ vui, không nói gì. Mấy hôm sau, lúc mẹ tưới mầm cây xong, đương vui; bố mới nhẹ nhàng bảo - Cây dổi đấy, thấy mát thì nó lên. Mẹ nhất quyết, không, con mình biến thành chứ.

Bố mẹ chuyển xoong nồi chăn màn… lên ở núi đất. Họ suốt ngày trồng cây, một tháng hai tháng… ngoảnh đi ngoảnh lại, quả núi đã xanh xanh. Rồi nương lúa nương ngô được xen vào. Hai thứ nhờ nhau, cùng lớn nhanh.

Vụ ấy không được mùa lắm nhưng bố mẹ cũng thừa ăn. Túp lều bỗng quá chật chội vì các bao ngô lúa lấy hết chỗ người. Mẹ vui, càng chăm trồng cây nữa. Bố vui hơn vì thấy da thịt mẹ hồng hào trở lại như hồi mới cưới nhau. Cuối năm mẹ có thai. Bố nhảy cẫng lên, chạy vung, reo hò váng cả rừng. Một lúc bố về, quỳ xuống ba ngôi mộ, mắt đăm đắm vào cây dổi, gọi - Các con ơi, mẹ có em rồi, nhà ta hết đói rồi... Các con sống khôn chết thiêng phù hộ cho bố mẹ mạnh khỏe… rừng trở lại như ngày xưa.
Bố khóc. Cành dổi bỗng rung rung, chợt đến một luồng gió mát.

- Vậy là cô sinh ra cùng với cánh rừng này ạ. Khách nói giọng nghèn nghẹn.
- Không. Rừng sinh ra cô chứ. Có cây dổi, bố mẹ trồng rừng, làm nương rồi mới có cô.
- Hay thật, như là cổ tích ý. Cháu thấy ở rừng mát lẹm như cõi tiên, hẳn nào con gái ở đây cô nào cũng trắng trẻo xinh đẹp. … Như cô ý, có cháu rồi mà cháu vẫn tưởng… mới lấy chồng.
- Ừ, nhiều khách du lịch vào đây cũng bảo đến miền gái đẹp.

Khách còn “đòi” kể tiếp về chủ ra đời, lớn lên, lấy chồng… và tại sao ông bà không sinh thêm, chỉ mỗi mình chị. Nhưng chủ chỉ nói ngắn gọn - có lẽ là ông bà dồn hết sức vào trồng rừng. Rồi chủ thở dài… chỉ vào hai ngôi mộ to, sau gốc dổi, đây ông bà ở đây cùng các con.

Bữa trưa ăn muộn vì hai cô gái hai chàng rể muộn mới về. Tíu tít bắt cá, bắt ngan, làm “cỗ” tiếp khách.
Một lúc lại thấy mấy người hàng xóm sang, cười nói, hỏi thăm.

Mâm lá chuối dài, chai rượu cũng nối ống tre dài, vươn hết đến từng chén.

Ba đứa trẻ không ngồi mâm, mỗi đứa một bát đầy thức ăn, lên ngồi “ghế bao thóc”. Một loáng, chúng đã chén xong. Ruỳnh ruỳnh ruỳnh, lại đuổi nhau rung cả chén rượu.

Khách cứ nghèn nghẹn, ngẩn người ngắm hai cô con gái bà Rọn. Nông dân một con, hai con mà vẫn trắng hồng, căng tròn. Bà Rọn chỉ từng cô giới thiệu:

- Đây là đứa tám hát, đây là đứa sáu hát.

- Cũ rồi mẹ ơi… phải là hăm hai và mười chín chứ.

- Thế à, thấy nói trồng mới cũng tưởng ít ít thôi… nhiều thế hả.

- Chuyện… con gái của mẹ Rọn mà. Hai chàng rể nói đế vào.

Từ đấy, bữa rượu toàn chuyện rừng. Khách không lấy giấy bút ghi như mọi lần. Chàng chắc chắn rằng “rừng con gái” này sẽ xanh tươi mãi.

Mùa xuân năm sau, Phiêng Lênh bỗng thành một điểm du lịch đông khách đến bất ngờ. Họ từ các thành phố miền xuôi lên, tít tận trong nam ra; ô-tô, xe máy nườm nượp. Họ đi ngắm rừng, ngửa cổ hít hà vòm cây xanh mát, mắt mơ màng như được vào cõi tiên. Các cô gái bản xinh tươi, thoăn thoắt, nói cười, làm hướng dẫn viên.

Đến bây giờ, hỏi đâu rừng đẹp người đẹp, lập tức dân facebook, dân phượt bảo ngay Phiêng Lênh. Phiêng Lênh, rừng cổ tích, rừng con gái, xanh xanh câu chuyện mới nguyên.

DU AN

.