Sáng tác

Vượt thoát nỗi buồn

23:24, 19/08/2017 (GMT+7)

(Đọc Âm thanh những giấc mơ của Trần Hữu Dũng, NXB Hội Nhà văn, 2016)

1. Cái tình chủ đạo đi suốt Âm thanh những giấc mơ vẫn là tình buồn. Có mặt xuyên suốt Âm thanh những giấc mơ là nỗi buồn mơ hồ và cụ thể, man mác mà sâu đậm lạ thường - dẫu chỉ qua vài nét phác họa, đôi khi khá ngẫu nhiên bật ra theo dòng chảy khó cưỡng của thơ. Buồn như thể một hụt hẫng, cái hụt hẫng của người ông ngoại với dấu ngấn nước nơi cột nhà mà mỗi ông mới có thể giải mã; ông mất đi, “những ký hiệu lưu dấu” kia gần như trở thành vô nghĩa. Chúng chỉ còn có thể lưu lại nơi bảo tàng ký ức của thơ. Như thị trấn xa lạ kia nơi nhà văn Êđê Y Điêng sinh ra, lớn lên và yêu thương và thu vào tầm mắt, vào trang văn ngỡ như còn mãi, để rồi cuối đời khi bạt ngàn rừng cây muông thú đã biến tiêu nháy mắt, nay chỉ còn đọng lại trong ký ức của tuổi già:

Mùa này sông Hinh cá lội ngược dòng
cọp không còn hú dài núi Lá
…Chúng tôi không dám hỏi
buôn làng giờ ra sao?
Khi bắt gặp ánh mắt ông
chìm khuất trong màn sương
mù đục núi rừng

(Cụng ly với nhà văn Y Điêng)

Không dám hỏi, bởi không thể tìm thấy ở đó câu trả lời. Có chăng chỉ là cái nhìn lặng lẽ đáp lại, buồn càng thẳm sâu hơn. Buồn kia hiển lộ ngay nơi thành phố, khi đường phố bất chợt vắng bóng “gương mặt người phương Nam” thân quen mỗi ngày mỗi gặp mặt trên con đường chữ nghĩa. Với Sơn Nam, nhà thơ:

Xuống phố cùng chiếc bóng ông bát bộ
Loãng tan, xiêu vẹo, giả đò ngó lơ
Hình như cuối con đường
Là kết thúc
Hành trình viết của một nhà văn

(Thời nhồi máu cơ tim)

Hay khi Trang Thế Hy ra đi, sau khi vắt cạn kiệt mình, như con tằm nhả hết sợi tơ cuối cùng trong bụng kén:

Còn nguyên chỗ nằm đượm nồng
hơi người
Còn đây khung trời bát ngát mở ra
trên những cánh-đồng-chữ

(Chuyện kể ở nhà chú Tư Sâm)

Cánh đồng chữ bát ngát mở ra, là mở ra cho đời, cho thế hệ mai hậu mở lòng đón nhận ý nghĩa sau mặt chữ ông; riêng với bạn văn gần gũi, ông để lại nỗi rỗng không của mất mát của sự ra đi.

2. Sơn Nam đã đi. Chú Tư Sâm đã đi. Như trước đó, Bùi Giáng đã đi vào cõi hư vô tĩnh tịch. “Sống trơ trọi ở mảnh đất trần gian hỗn độn”, người thơ cần có khoảng không-thời-gian chay tịnh để nhìn lại con đường vừa đi qua, mấy lỗi lầm phạm phải, bao đớn đau trải nghiệm. Để thức nhận phận mình như người làm chữ, và như một sinh linh trên mặt đất này.

Thõng tay vào chợ, mặc kệ lời thị phi
… Tôi học cách bơi khỏi giấc mơ
phù phiếm
… Rũ sạch mọi ý nghĩa đen tối

(Bảy ngày chay tịnh)

Để “ánh sáng từ bi lớn dần”, lớn dần lên. Để làm gì - không biết. Nói theo cách nói của Trịnh: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” không để làm gì cả, chỉ “để gió cuốn đi”. Thế thôi, “cũng đủ lãng quên đời”…

Và cuối cùng, khi đã vượt thoát khỏi nỗi buồn, bước qua mấy cõi mơ phù phiếm, nhà thơ với tư cách người làm chữ, cũng cần “phóng sinh chữ”:

Người làng bảo
Chữ không bỏ vào nồi nấu được
Ông tôi múa võ, ngồi bán già
trầm ngâm
Nửa đêm nhúm lửa xông hơi lập lòe ma trơi cũng sợ
Tội chưa ông ghiền ăn chữ
Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm
Rồi lên ngựa rời làng Chakleng đi mất
Leng keng… tiếng lục lạc vọng vào
núi âm âm
 …
Có người thấy ông tôi đi từ rừng về

Vớt lại mớ chữ Chăm dật dờ trôi
ra biển
Hong nắng suốt mùa khô
Làm lễ đưa lên giàn hỏa
Phóng sinh

(Phóng sinh chữ)

INRASARA

.