Sáng tác

Sách mới, sách hay

08:35, 10/09/2017 (GMT+7)

1. Kể xong rồi đi - tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Bình Phương (NXB Hội Nhà văn, 8-2017) chọn CÁI CHẾT là nhân vật chính. Xoay quanh cái chết của một ông Đại tá về hưu, toàn bộ câu chuyện được kể qua người cháu mồ côi “hâm hấp”, “mắt lác” của Đại tá, với một con chó! Người ta chết vì chiến tranh, vì hận thù, vì ngu xuẩn, vì tai nạn, tự tử, chết trôi chết cháy, chết đường chết chợ, chết bất đắc kỳ tử…Và ông Đại tá, một con người cương cường hào sảng, thì chết già. Cái chết có thể xuất hiện bất kỳ đâu, bằng bất cứ cách nào, với bất cứ ai. Cái chết - điều con người luôn tưởng ở đâu đó ngoài mình, thực tế, rất gần. Với Kể xong rồi đi, cuộc đời con người suy cho cùng chính là những chuyến đi... đến cái chết. Những chuyến đi của những con người và số phận khác nhau, nghèo khổ hay giàu có, thấp hèn hay vinh quang, nhẹ nhàng hay khốc liệt... đều cùng một điểm đến. Cái chết khi đó vừa giản dị, vừa quyền lực, vừa siêu phàm, vừa rất thực! Trước cái chết, những nỗ lực, đua chen để trở nên giàu có, thành công hay khác biệt, những sân si đều trở thành vô nghĩa. Dường như, mỗi con người xuất hiện trong cuộc đời này, đều để kể câu chuyện của đời mình, kể xong rồi đi... Có điều, cũng dường như, chỉ đến khi cái chết thực sự hiện hữu, chạm vào cuộc sống của chính mình, con người ta mới nhận ra điều này!

Nguyễn Bình Phương (sinh năm 1965 tại Thái Nguyên) - gương mặt tiêu biểu của văn học đương đại Việt Nam được biết đến là một tác giả đầy cá tính, khác biệt, với sức sáng tạo bền bỉ ở cả lĩnh vực tiểu thuyết và thơ. Những tiểu thuyết từng gây tiếng vang của Nguyễn Bình Phương như: Vào cõi (NXB Thanh Niên 1991), Những đứa trẻ chết già (NXB Văn Học 1994), Người đi vắng (NXB Văn học 1999), Trí nhớ suy tàn (NXB Thanh niên 2000), Thoạt Kỳ Thủy (NXB Hội Nhà Văn 2004)...

2. Ngôn từ - tự truyện của tác giả Jean Paul Sartre (Người dịch: Thuận, Lê Ngọc Mai, NXB Văn học, 8-2017) không có những hoài niệm kiểu ngậm ngùi cay đắng hay cảm động ngọt ngào. Bằng lối tư duy tỉnh táo, sắc sảo, Jean Paul  mổ xẻ, phân tích, giải mã tuổi thơ của mình để tìm câu trả lời cho một câu hỏi lớn: Điều gì đã thúc đẩy ông đến với văn chương? Chọn cách đứng tách bạch, lạnh lùng hoàn toàn với “cậu bé ngông cuồng” thời thơ ấu để đánh giá, khẳng định, lý giải tất cả, Ngôn từ mang những sắc thái  đặc biệt, ấn tượng: vừa hài hước, mỉa mai, vừa triết lý, vừa chặt chẽ, logic vừa phức tạp rối rắm nhưng đầy cuốn hút. Câu chuyện về tuổi thơ của Sartre theo nhiều đánh giá, giống một tiểu thuyết triết lý, châm biếm hơn là một tự truyện.

Ngọc Dung

.