Sáng tác
Đường đến trường
Dơ cẩn thận gói sách vở, giấy bút vào mấy lớp túi nilon. Sáng mai, Dơ phải dậy từ bốn giờ sáng, nấu cơm mang theo tới trường. Cơm có muối lạc đã giã sẵn được Dơ cho vào chiếc cặp lồng hình con mèo Kitty. Chiếc cặp lồng này là món quà mà các cô chú ở dưới xuôi lên tặng cho tụi Dơ vào đầu năm học cũ. Dơ thích nó lắm, cứ ngắm hoài hình chú mèo màu hồng xinh xắn. Dơ luôn giữ chiếc cặp lồng sạch sẽ giữa ngôi nhà tuềnh toàng, giữa những vật dụng nhem nhuốc củi than, đất cát. Dù nhiều hôm trong chiếc cặp lồng không có cơm ấm mang đến trường mà chỉ là cơm nguội, gói mì tôm, củ khoai luộc, thì Dơ vẫn cứ muốn được cắp sách đến trường. Dẫu phải dậy từ khi gà gáy để trèo đèo lội suối, thì trước mắt Dơ bao giờ cũng là hình ảnh của lớp học thân thương nơi có thầy cô đang ngóng đợi. Mưa từ đêm qua không ngớt. Dơ ngóng ra ngoài thấp thỏm bồn chồn. Thấy Dơ dậy sớm, mẹ vén màn bảo:
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
- Mưa lớn, ở nhà thôi. Nước suối dâng cao lại chảy xiết nguy hiểm lắm. Bố mẹ bận lên rẫy không đưa con đi học được đâu.
- Con đi sớm ra ngoài đó tập trung cùng các bạn. Có người lớn thì nhờ đưa qua suối. Thầy cô nói bỏ học nhiều sẽ quên mất chữ.
Mẹ ngồi dậy búi lại mái tóc lòa xòa rồi đi nhóm lửa đun nước. Ngó thấy có ánh đèn pin của Sùng quắc ngoài hàng rào, Dơ mặc áo mưa, chào mẹ rồi vội vàng đi học. Đường trơn quá, Dơ và bạn phải cầm dép trên tay bấm chặt mười đầu ngón chân xuống đất. Dép này đã hết ma sát, chỉ đi những đoạn đường khô ráo. Những hòn sỏi thỉnh thoảng lại cựa mình dưới chân. Mặc kệ, tụi Dơ đã quen rồi. Đèo cao, dốc dựng đứng, muốn xuống dốc phải bẻ cây làm gậy. Đường xa cả chục cây số nhưng có bạn đi cùng sẽ thấy bớt mỏi chân. Sua thường đứng đợi dưới gốc cây tếch, tay cầm sáo đầu đội đèn pin. Đường đi mãi đã quen chân, trời tối mấy tụi Dơ vẫn có thể mò được đường. Nhưng phải mang theo đèn pin vì mùa mưa lắm rắn. Những con rắn độc có thể bất ngờ lao ra từ những bụi cây ven đường. Hoặc cũng có khi chúng nằm sẵn ở đường nghe ngóng từng tiếng động. Nhưng chỉ cần nhìn thấy ánh đèn rọi vào là chúng lao đi tìm chỗ nấp. Đèn pin nhanh hết điện nên phải đi sát vào để thay nhau bật đèn. Cho đến khi trời sáng thì con suối chia cắt con đường độc đạo tới trường đã hiện ra trước mặt…
Mùa cạn suối hiền hòa róc rách chảy êm đềm. Đó là chỗ nghỉ chân lý tưởng của tụi Dơ. Được úp mặt vào hai bàn tay đầy nước mát rượi, uống đã đời cơn khát. Hôm nào đi học về sớm, Dơ thích cởi phăng quần áo nhảy ào xuống suối. Chao ôi là mát, mọi mệt mỏi tiêu tan. Những ngón chân mỏi nhừ vì trèo đèo cũng được suối vỗ về. Nằm trên ghềnh đá ngó lên trời ngắm những đám mây trắng xốp nghe tiếng chim hót lảnh lót trong vòm cây thật là yên bình. Tụi con gái thì thích soi mình dưới suối vén lại lọn tóc mai, vuốt chiếc lá rừng đậu ở trên vai. Có khi đi đến trường vẫn nghe thấy tiếng suối trong tim. Suối róc rách trong từng bài giảng. Cũng con suối này mẹ Dơ hay ngồi nghỉ chân lúc đi nương. Múc nước đầy ống bương mẹ đi làm rẫy chẳng lo cơn khát. Có khi tóc mẹ gội dưới suối, hai bàn tay nứt nẻ mẹ nhờ suối xoa dịu. Tiếng hát cô đơn mẹ cũng cất lên với suối. Người dân bản coi suối như người bạn, xa thì nhớ, gần thì bịn rịn chẳng muốn rời.
Thế nhưng, mùa mưa, suối trở nên dữ dằn. Nước dâng cao, suối chảy xiết có thể cuốn phăng bất cứ thứ gì. Không có cây cầu nào qua suối. Những hòn đá nhô lên vào mùa hè để bước chân qua giờ đều chìm nghỉm. Suối khá rộng muốn qua không dễ. Phải đi xuôi xuống dưới một đoạn dài tìm chỗ bằng phẳng nước không chảy xiết. Thầy cô và phụ huynh đưa tụi Dơ qua suối bằng một chiếc bè tre. Bên trên giăng dây thừng ngang qua hai bên bờ suối để giữ cho bè không bị cuốn phăng đi. Thầy cô hỏi có sợ không; Dơ cười, lúc đứng trên bè chòng chành sóng nước nó chỉ sợ rơi mất sách vở và chiếc cặp lồng. Dù bạn của Dơ từng bị dòng nước cuốn đi mãi mãi không về. Nhưng Dơ không muốn nuôi cảm giác sợ hãi trong mình. Vì phía bên kia dòng suối là bạn bè, thầy cô vẫy gọi. Dẫu phải vượt thêm nhiều đèo, leo thêm nhiều núi, lội qua nhiều hơn những con suối thế này thì Dơ cũng vẫn cứ đến trường. Mẹ nói rồi “phải học cái chữ mới mong đời khá được”.
Chị gái Dơ không được đến trường. Sáu tuổi đã theo mẹ lên nương tra hạt ngô, hạt đỗ. Về nhà đã giúp mẹ giã gạo, nấu cơm. Mười tuổi chị biết làm hết mọi việc trong nhà, chăm thêm hai đứa em lần lượt ra đời. Đến bữa lo hết gạo, đêm ngủ lo đắp chăn cho em. Bố ốm, mười bốn tuổi chị trèo lên mái nhà che chỗ dột. Nửa đêm em sốt thay mẹ cõng em vượt hết núi này đến núi khác đi gặp thầy thuốc. Mười sáu tuổi chị lấy chồng mang vác trên vai ách khổ. Đấy là câu của mẹ. Đàn bà trên những bản làng này ai cũng như con trâu con ngựa. Làm lụng quanh năm suốt tháng, cả đời cúi gằm mặt mà đi, lưng không bao giờ ngừng mang vác. Lúc thì địu con, lúc địu ngô địu sắn. Cũng có khi cõng cả ông chồng say rượu nằm vật trên đường. Còn sức thì cõng cái mưa cái nắng. Đến lúc già lưng gù xuống thì cõng mặt trời, cõng cả quả núi nhô lên.
Chị mất khi vừa tròn mười tám tuổi vì bệnh gì không rõ. Cũng có thể do làm việc quá sức cơ thể bị suy kiệt. Lại có người nói chị đã tự tìm đến cái chết sau rất nhiều đêm ngồi một mình ngoài hàng rào ngóng về đỉnh núi Pơ-lia nơi có mái nhà nhỏ mẹ cha và các em mình sinh sống. Sau cái chết của chị, mẹ ốm một trận nặng. Lúc khỏe dậy mẹ vén lớp màn u tối bao quanh cuộc sống gia đình. Mẹ hăng hái làm việc trở lại. Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng. Khâu lại áo quần đã rách. Mẹ tuyên bố đứa nào cũng phải đến trường. Đường xa mấy cũng đi. Đi một ngày không đến thì hai ngày. Khó khăn mấy mẹ cũng gắng làm nuôi tụi Dơ ăn học để sau này có cuộc sống tốt hơn chị cả. Nhờ mẹ mà Dơ biết được cái chữ để sau này còn xuống huyện, xuống thủ đô học cao hơn nữa. Dơ sẽ học làm thầy thuốc về chữa bệnh cho dân bản. Mẹ nói chỉ cần có quyết tâm là làm được. Mỗi buổi sáng đến trường Dơ đều nghĩ sau này những đứa trẻ từng bước qua con suối này, vượt những đoạn đường khó khăn này nhất định cùng nhau xây những cây cầu, làm những con đường to đẹp.
- Đây là quãng đường đến trường đẹp nhất - Sùng nói khi đứng trước những bông hoa trạng nguyên đỏ rực trải dài hai bên đường.
- Từ đây đến cổng trường còn một nghìn ba trăm bước nữa. Tớ thấy cứ nhẹ nhàng như những bước chân mây vậy. Dù hai bàn chân đã mỏi nhừ - Sìn cúi xuống vuỗi đất bám trên mười đầu ngón chân và đôi dép tổ ong.
Dơ rủ:
- Chạy thi xem ai đến cổng trường nhanh hơn không?
Thào lắc đầu:
- Sáng chưa kịp ăn gì. Đói lắm, không đủ sức.
Sìn mở cặp lồng lấy ra một củ khoai vẫn còn ấm chìa trước mặt Thào:
- Ăn đi, đói thì làm sao học được.
- Bữa trưa của cậu mà.
- Còn nhiều. Lo gì. Cứ ăn đi.
Nhà Thào nghèo lắm. Nó thường đến trường mà không mang theo cơm trưa. Các thầy cô giáo vẫn phải nấu cơm cho Thào và một vài bạn khác. Hôm nào nấu nhiều cơm Dơ mang cho cả phần của Thào. Thức ăn không có gì nhiều ngoài lọ măng muối chua, ít rau xào. Hôm nào bố khỏe đi vào rừng được thì có ít thịt rắn, thịt chim. Cũng có hôm mẹ luộc cho quả trứng. Tụi Dơ khổ quen rồi. Chỉ cần có cơm no cái bụng đã là tốt lắm rồi. Thầy cô kể các bạn học sinh dưới xuôi đi học được bố mẹ đưa đón tận nơi, được mặc quần áo đẹp, có đồ ăn ngon. Vậy mà nhiều bạn lại không thích đến trường. Tụi Dơ chỉ không đến trường khi bố mẹ ốm, nhà không có ai chăm em, không ai thả con trâu ăn cỏ, không ai làm rẫy. Những lúc như thế tay chân làm đủ thứ việc nhưng hồn vía thì để ở bậc cửa lớp, ở trên bục giảng. Nghỉ lâu là thầy cô sẽ tìm đến tận nhà. Nhà Dơ còn đỡ xa. Chứ nhà những bạn khác còn ở bản xa hơn, phải đi qua nhiều con đường quanh co như mê cung vậy. Thầy cô đi đường xa thương lắm. Thầy cô cầm lấy bàn tay những đứa trò nhỏ của mình ân cần hỏi “sao em không tới lớp?”. Những lúc ấy Dơ chỉ muốn khóc thôi. Đá sỏi cắm vào chân không đau. Dao cứa vào tay không đau. Lời thầy cô nói nhẹ nhàng thôi mà đau thấu tận trong tim. Ngày mẹ khỏi ốm là ngày con tim Dơ biết hát. Từng bước chân trên đường đèo dốc đá không cảm thấy mỏi mệt mà dường như cũng biết reo vui.
Dơ đã thấy lá cờ đỏ thắm đang bay phần phật như vẫy chào mình. Tiếng bạn bè đến sớm đang chạy nhảy reo hò vang qua những hàng rào hoa trạng nguyên đua nhau khoe sắc. Bỏ lại phía sau những đoạn đường lầy lội, trơn trượt, hiểm nguy, trường học đã ở ngay trước mặt Dơ rồi. Dơ như đang nhìn thấy những con chữ nhảy múa trong bài học của thầy. Nghe thấy những câu thơ vang lên qua giọng đọc của cô. Sau cơn mưa mọi thứ thật trong lành. Những đám mây trên đỉnh trời cũng hát vang bài ca buổi sớm…
Vũ Thị Huyền Trang