.

Sách mới, sách hay

.

1. Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu (NXB Văn học, 12-2017) là tập thơ của tác giả Huyền Thư, một thiếu nữ đã rời xa gia đình, làng quê ra nước ngoài du học từ nhỏ nhưng vẫn nuôi trong mình cảm thức tiếng Việt để viết nên những bài thơ nặng trĩu nhớ thương, hoài cảm.

Những lời mẹ dặn từ thuở bé: “Lẽ trần gian là họa ai gây thì người ấy trả/Nên đừng thấy lạ/Cứ hiền và cứ ngoan…” là hành trang mà cô gái mang theo trong suốt cuộc đời. Một lời dặn đơn sơ mà gan ruột của người mẹ cho con gái bước ra thế giới một mình.

Tập thơ vì thế đọc thấy cả sự làm nũng của một người con với cha mẹ, của một cô gái với đất và người ở những nơi cô đã đến, đã sống. “Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu” có thể là một câu hỏi cho người, nhưng phần nhiều là câu tự vấn mình, một khát khao tâm tình và sẻ chia, cả một day dứt, phân vân nữa. Nhớ đến bao nhiêu là nỗi nhớ đã nhiều? Đảo ngược nhan đề tập thơ có lẽ lại đưa đến một cách đọc thơ khác.

2. Khi được hỏi về tương lai của Mỹ ở châu Á, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump có kế hoạch riêng cho khu vực. Song bà không tiết lộ chi tiết là gì. Theo nhận định của giới chuyên gia, cho dù chiến lược riêng của chính quyền Tổng thống D.Trump chưa được tiết lộ, song những gì mà Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thể hiện trong chuyến công du một loạt nước Đông Bắc Á đã phần nào hé lộ.

Đó là một chính sách cứng rắn hơn với các nước không phải là đồng minh của Mỹ ở châu Á. Kurt Campbell và các cộng sự là những nhà ngoại giao, chuyên gia và học giả hàng đầu của Mỹ về châu Á cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu về châu Á để đi đến kết luận rằng thế kỷ 21 sẽ là “thế kỷ châu Á”. Tác giả đã đưa ra một bức tranh khá toàn diện về lịch sử, kinh tế, văn hóa để minh hoạ cho một châu Á đang trỗi dậy. Tất cả được tác giả thể hiện trong Xoay trục - Tương lai và Nghệ thuật lãnh đạo của Mỹ ở châu Á (NXB Trẻ, 12-2017).

Hải Âu

;
.
.
.
.
.