Hội An được mọi người gọi là phố cổ. Đúng như tên gọi vì con phố ấy có những căn nhà đã trăm năm, con đường nhỏ như chỉ vài bước chân là có thể từ bên này qua bên kia. Trên con phố rất dài ấy, bất cứ nhà nào cũng mở cửa để bán hàng.
Nếu chủ căn nhà không bán hàng thì cũng cho thuê mặt bằng cho người khác bán. Bởi cả con phố đều là những cửa hàng dẫu con phố nhỏ tí ti, so với những con phố khác rộng thênh thang. Bởi đây là con phố cổ, nó lưu giữ sự sầm uất của thành phố từ cái thời bắt đầu phát triển, khi ấy muốn mua gì ai cũng tới con phố này.
Nhà anh cũng có một cửa hàng, căn nhà rất cũ như con phố. Anh bảo vì đây là khi phố được bảo tồn nhà cổ cho nên không được xây dựng. Mà thật vậy, không riêng nhà anh mà những căn nhà chung quanh cũng cũ kỹ với những mái ngói thâm đen.
Và đó là nơi họ gặp nhau lần đầu.Trong một lần mua sắm trên phố, chị gặp anh. Thì mọi cái duyên trong cuộc sống này đều phải bắt đầu bằng một cuộc gặp, dẫu có thể mọi người sinh ra ở đâu đó, đi học ở đâu đó và bao nhiêu năm cứ đi không về một hướng, để rồi định mệnh xui khiến họ gặp nhau. Chị và anh cũng thế, chỉ trong tích tắc định mệnh ấy đã để họ thấy nhau và ngay tức khắc thành nhân duyên.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Khi đó chị đi du lịch, buồn cười là người Quảng Nam lại chưa bao giờ ghé Hội An. Bạn bè bảo rằng có khi gần nhà mà xa ngõ, người xa vạn dặm tìm tới nơi này, còn Quảng Nam cách chẳng bao qua lại không tìm tới. Rồi chị cũng tò mò xem thử ở Hội An có gì mà mê hoặc lòng người đến thế. Chuyến xe buýt từ Tam Kỳ đôi khi dùng dằng ném khách ngay ngã ba vào nơi đó, rồi chỉ cần gọi một chiếc xe ôm là họ chở ngay tới. Hoặc cũng có thể leo lên chiếc xe máy mà đi. Vậy mà chị chưa đi.
Chị không nghĩ rằng nhân duyên của mình là ở đó, Hội An đợi chị tìm tới để gặp anh. Chị bảo với anh: “Nếu em đi sớm hơn thì em đã gặp người khác rồi. À, mà tại sao em không tới Hội An sớm hơn anh nhỉ?” Anh cười: “Cái đó gọi là duyên”. Cửa hàng của anh chuyên bán các loại mặt nạ lớn nhỏ, chúng được tạo hình trên nhiều chất liệu, nhiều nhất là trên những chiếc rổ nhỏ đan tre. Anh tốt nghiệp mỹ thuật, thay vì đi làm anh lại về nhà vẽ mặt nạ bán cho du khách, vì thế nhà anh là nơi duy nhất bán mặt nạ, còn đa phần ở đây họ bán đèn lồng, đồ cổ và bán các món ăn đặc trưng, nhiều chỗ lại mở tiệm may lấy liền.
Kể tiếp chuyện mua mặt nạ, đó chỉ là tình cờ tạt vào. Trước đó chị vào các tiệm may, các tiệm may lấy liền ở đây khá độc đáo là sau khi khách lựa vải, đo kích thước, ra phòng khách ngồi đợi quần áo may luôn chứ chẳng phải hẹn đến hôm sau. Rồi chị tò mò bước vào cửa hàng của anh. Chị cứ ngắm những chiếc mặt nạ vẽ trên mấy cái rổ nhỏ, xuýt xoa. Khi chị lựa được chiếc mặt nạ thì anh gói cẩn thận, nói: “Cái này tặng cô, cô đừng từ chối nha!”
Có một lần khi mùa mưa bắt đầu, anh đã tới nơi chị ở, mà chị lại ở tận Tam Kỳ, bảo chị leo lên xe để anh cho chị đi xem rêu. Rêu thì có gì mà xem? Nhưng thật là sững sờ khi chị nhìn thấy mưa đã làm hồi sinh cả những mái ngói xanh lên. Anh bảo: “Em đợi tí”. Chị đợi, rồi khi nắng hắt vào cái màu xanh rất lãng mạn đó, những bông hoa rêu bỗng nở ra màu trắng. Chúng nở trong vòng nửa tiếng đồng hồ rồi tàn lụi.
Rất ít người thấy hoa rêu, bởi con người vốn vô tình cứ lướt qua nhau bởi trăm ngàn bận rộn. Ai mà đợi mưa, rồi đợi nắng lên để nhìn lên mấy cái mái ngói trăm năm ấy nhìn rêu nở? Nhưng vào mùa rêu nở ấy, anh ngỏ lời lấy chị làm vợ.
Chị về ở trong lòng phố cổ ấy hồn nhiên như thế. Chị hồn nhiên ở cái tuổi 25 thèm những cơn mưa mùa rơi nhẹ trên đường, rồi cứ để nguyên quần áo chạy ra giữa trời để nghe từng phần da thịt của mình thấm đẫm hân hoan. Cái tuổi của chị trở mình trong căn phòng buổi sáng, không vội vàng rời khỏi giường, mà mở nhạc nghe một bài tình ca ngọt ngào. Nhưng tình yêu đã đưa chị về một không gian khác.
Không gian đó không có trong trí tưởng tượng của chị, nó buồn buồn nếu không nói là rất buồn như phố cổ vào những ngày mưa vắng khách. Những ngày mưa đó rêu xanh lắm trên mái nhà. Nhưng rêu xanh thì kệ rêu xanh, chị chỉ nghe trong lòng mình những tiếng thở dài, rất dài. Chị không bỏ nghề dạy học, cái khác là thay vì dạy ở Tam Kỳ, chị xin chuyển về ngôi trường nhỏ ở Hội An, cách nhà chừng vài cây số. Còn anh thì giờ cũng đi làm thiết kế cho một công ty, như anh nói: “Để lo tương lai cho hai đứa”. Bởi sau này du khách ít mua mặt nạ, nhà chuyển sang bán lồng đèn và những thứ thông dụng cho du khách.
Chị về ở với anh, nơi rêu xanh hằng hằng trên mái ngói trăm năm. Chị tưởng rằng hạnh phúc. Nhà có bà mẹ của anh và hai cô em chồng đã quá tuổi. Họ trở thành nỗi ám ảnh của chị.
Anh lại thường xuyên vắng nhà. Con phố vẫn rộn ràng bước chân du khách. Họ đến và đi. Còn chị trở thành một con cá bị mắc trong một cái rọ lớn. Mẹ chồng thường ngồi trước cửa, mỗi lần chị đi đâu, phải nói cụ thể cho bà. Không thôi là cái giọng trầm bổng của bà nhịp nhàng không cần biết chị có nghe không về nguyên tắc sống. Bà bảo: “Nhập gia thì tùy tục con à. Ngày xưa mẹ làm dâu khổ lắm. Muốn ngủ với chồng cũng xin phép. Tụi con bây giờ có hiện đại cho lắm cũng phải giữ nề nếp”. Ôi, người già hay kể chuyện ngày xưa. Còn hai cô em chồng thì lại ca cẩm chị nấu ăn dở, đôi khi bỏ bữa nửa chừng. Hai cô còn bảo chị khéo chọn quần áo đẹp, mà quần áo của chị đôi khi còn bị xáo tung lên khi chị không có ở nhà. Chị nói thì lại bị các cô thách thức: “Chị đi mét chồng chị đi. Tụi tui lục đó, chị làm gì được tôi”.
Lâu lắm rồi chị không về nhà. Dẫu khoảng cách từ Hội An đến Tam Kỳ đâu phải là diệu vợi. Chị gọi điện càng phải thầm thì, rất thầm thì. Bởi trong căn nhà này, dường như có vách. Chị thèm ngồi ăn một bữa cơm gia đình, mẹ chị nấu món ăn chị thích. Chị thèm lắm. Lâu lắm rồi chị và anh cũng chẳng có một ngày rong chơi. Chị thèm ra biển, chị thèm chạy đôi chân trần trên cát. Hạnh phúc và tự do đôi khi nó lại chẳng song hành trong cuộc hành trình kiếm tìm là vậy.
Buổi sáng hôm ấy, mẹ chồng chị gọi ầm ĩ, la mắng vì con dâu ngủ nướng. Buổi sáng hôm ấy, hai cô em chồng chuẩn bị mặt nặng mặt nhẹ để mỉa mai chị dâu. Buổi sáng hôm ấy, Hội An nắng đẹp. Lũ chim sẻ từ đâu đến bay về đậu trên những hiên nhà gọi bầy. Nhưng cả ba người không tìm thấy chị trong căn phòng chị vẫn để mở, không khóa cửa. Còn anh thì vẫn đang công tác ở một tỉnh miền Nam.
Chị rời khỏi nhà từ sáng sớm, khi cả nhà vẫn còn mê ngủ, khi con phố kia không một bóng người qua. Chị băng qua con phố nhỏ vắng tanh, chị nghe rõ cả những giọt sương đang rơi trên mái ngói. Có những đêm chị đã trở mình để chỉ nghe tiếng những giọt sương rơi như thế. Còn giờ đây có thể là lần cuối. Chị ra bến xe, trong huyên náo của đêm, chị leo lên xe, lựa chỗ ngỗi bên dưới, lấy khẩu trang che mặt lại. Chị về nhà mình, chắc chắn ở đó chị có thể nói cười, chị có thể ra khỏi nhà mà chẳng cần lấm lét qua bậc cửa có người canh giữ. Chị thèm tự do, chị thèm chính là mình, vậy thôi. Dẫu trong lòng nàng luôn nhớ đến những ngày mưa trên mái ngói có rêu xanh. Mà dẫu không có chị, Hội An vẫn có những ngày mưa và những mái ngói trăm năm ấy vẫn rêu xanh.
Khuê Việt Trường