Sáng tác

Hoa nở giữa vườn hoa (*)

08:40, 14/10/2018 (GMT+7)

Cầm trên tay tập thơ Gió ba sông của nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ do Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành năm 2018, ngẫm ra cuộc hành trình thơ anh cho đến bây giờ cũng dày theo thời gian để tôi đọc và chiêm nghiệm. Tập thơ đầy đặn tròn 70 bài, trong đó trường ca Gió ba sông đặt tên chủ đề cho cả tập. Ngoài những tuyển tập in chung anh còn ra mắt 4 tập trước từ năm 1991 đến năm 2018 gồm Mặt trời và cơn khát, Lời hát khẽ, Màu rêu lục bát và tập Gió ba sông.  

 

Tôi biết thơ Nguyễn Tấn Sĩ từ lâu, biết anh từng tham gia bộ đội chiến trường Campuchia và khi trở về là nhà giáo cho đến lúc nghỉ hưu.

     Anh là một trong những đóa hoa nở trong vườn hoa khoe sắc, quê hương ở đó có dòng sông Trường Giang bốn mùa sóng vỗ chảy ngọt phù sa tạo nên ba nhánh sông giao hòa bồi đắp trầm tích một tình yêu chảy về dòng sông Tam Kỳ. Với anh, một Bàn Thạch đầy vơi, một Tứ Bàn ký ức, một dinh Bà, dinh Ông, chợ Vạn... đã khắc họa hình ảnh bao con người một thời hoài niệm về quá khứ gian nan đầy lửa khói chiến tranh nhưng cũng rất đỗi tự hào. “Chảy đi sông để thành làng/ vào nam ra bắc cho Trường Giang xanh/ thẳng lòng không chạy vòng quanh/ để nghe biển lớn tròng trành đôi chân” (trích trường ca Gió ba sông).

     Khi anh viết về quê hương chừng như lắng lại trước sự chuyển động của thành phố đến độ ngạc nhiên “Ngày phố lớn khúc sông quê nhỏ lại/ Nỗi nhớ, trời ơi khản đặc giọng Tam Kỳ/ Ai đứng đợi đầu cầu sợ người xa quê đi lạc/ Chiều xanh rêu náu bóng tháp Chàm một tiếng từ quy” (trích trường ca Gió ba sông). Nghĩa là anh đã đi trên con đường vạn dặm, đã hát khúc hát quê nhà thơm vàng mùa sưa trổ rộm, lắng gió sóng Tam Thanh mà cất tiếng vọng lên từ đấy: “Ngã ba sông/ Ngã ba sông/ Gió ba sông giữa mênh mông đất trời/Mang theo trong mỗi cuộc đời/ Uống dòng nước mắt đầy vơi ân tình/ Hoàng hôn rồi sẽ bình minh/ Gió và thơ mãi riêng mình. Ba sông” (trích trường ca Gió ba sông).

    Đọc thơ Nguyễn Tấn Sĩ mới thấm cái tình trong anh dung dị, sự gần gũi dễ tạo nên một nét riêng, có lẽ cốt cách của người lính một thời vào sinh ra tử, sự giản đơn và chân thật, tình yêu và  trách nhiệm vẫn đong đầy cảm xúc. “Làm người lính. Muôn đời tư thế lính” hay “Con, Thượng sĩ/ Xin chào người, Đại tướng/ Lính đã ra quân, không quân phục, quân hàm...” (Kính chào Đại tướng).

     Khi anh viết một thời trận mạc gian khổ hy sinh mới thấy cái tình đồng đội: “Chiều đi qua đổ nát chùa chiền/ Có ba nỗi niềm riêng mà hóa một/ Ba chiếc võng thành hình tam giác/ Tam giác đều hơi lửa cũng chia ba…” (trích Thao thức trăng suông). Có lúc lắng lòng trước nỗi đau anh đã khóc cùng bè bạn, giọt nước mắt sương khuya thao thức “Tôi có ngủ đâu/ trời cơ man giông bão/ đời cơ man tiếng thét gọi không lời/ nuôi kỷ niệm màu xanh rừng trên áo/ tôi sống ở trong đời/ tôi sống ở trong tôi” (Người lính ấy).

     Có thể nói Nguyễn Tấn Sĩ từng trải, anh viết nhanh và rất nhiều bài thơ trên đường đi, đến thoảng khi bắt gặp tình cờ, với sự cảm nhận tinh tế trước cái nhìn quê hương, con người, cuộc sống. Đôi lúc thơ anh pha trò mà thâm thúy, phóng khoáng mà nghiêm túc. Đọc thơ lục bát của anh ngỡ như đùa mà thực, sự tài tình của cách diễn hóa ngôn ngữ nhẹ nhàng như ngọn gió thoảng qua để lại sự dịu êm man mác, thoáng chút vị mặn từ khơi xa. “Muối ơi, bỏ biển lên rừng/ Trùng khơi ở lại con đường mọc ra/ Cõng trên lưng những đảo xa/ Cõng trên lưng nắng, gió và mồ hôi” (Muối của rừng).

    Thơ lục bát xem vậy mà khó viết, viết cho hay là điều không dễ, vậy mà anh đã có tập riêng Màu rêu lục bát tròn trịa không tạp lẫn. “Trăm năm ngày nọ hãy còn/ Dấu rêu, gạch vỡ, đá mòn, sông trôi… Em giờ ở đẩu, ở đâu/ Đêm Trà Sung, nhớ An Lâu gọi người…” (Cò bay về phía…).

      Để dẫn thơ của nhà thơ, tôi như người lạc vào cõi trời mây non nước, cứ lãng đãng theo khúc thức khúc ru quyến rũ chắc khó nhớ đường về. Nhưng dẫu gì cũng để lại trong anh một nốt trầm thổn thức và trong tôi cái Ngã ba sông đằm thắm một tình yêu, mãi đắm đuối màu hoa nở trong vườn hoa quê hương bốn mùa quyến rũ.

Đ.H
(*) Cảm nhận tập thơ Gió ba sông của Nguyễn Tấn Sĩ.

.