Đà Nẵng cuối tuần
Gọi mẹ
Sáng nay Thông Sao Ly chăn dê thay, để a-mư nghỉ một hôm. Tết Ông Chủ năm nay lại trùng vào kỳ lễ hội Ka-Tê. Hai lễ tết quan trọng trùng nhau nên làng cô vui lắm. Đến người lớn còn nao nức nữa là! Nhưng Sao Ly đành phải chăn dê thay để a-mư ở nhà đi… chạy tiền! Vì nếu đi học nữa, ngày mai cô đã phải xuống nơi trọ dưới thành phố. Mà xuống đó là phải đóng tiền trọ. Số tiền không lớn lắm nhưng Sao Ly đã thiếu mấy tháng liền rồi!
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Cữ này, buổi sáng vùng núi cũng hơi lạnh. Phía xa nơi đàn dê đến, sương vẫn còn loánh quánh theo những vạt cây thấp, trông như chiếc khăn quàng trắng mỏng quấn quanh chân đồi. Mùi ngai ngái của dê, hương cỏ cây buổi sớm và cả bụi rậm do đàn dê chạy tung lên nữa, tất cả tạo thành cảm giác quen thuộc nơi vùng đồi làng cô. Ngã ba, chỗ có con đường mòn khác chạy tun hút vào giữa hai quả đồi, đầu tóc, gùi mang của những người lên nương đi trước cô xa trông như cháy đỏ lên trong vầng dương vừa ló.
Đàn dê trước mặt Sao Ly vẫn vừa chạy vừa tranh thủ vặt lá mấy cây đứng bên vệ đường. Nhìn chúng, bất giác Sao Ly nhớ tới những lúc đến trường.
Tầm này nơi trọ học, phòng bốn người các cô: Vở viết, quần áo, gương lược… cứ gọi là nhặng xị cả lên! Đứa đi học buổi sáng, đứa dậy “gạo” bài chiều, đứa lại càu nhàu để… tiếp tục ngủ nướng! Sớm nào như trưa nào, cái vòng quay hối hả của học sáng, học chiều cứ bận rộn, tíu tít như thể đàn dê tranh ra chuồng, giành nhau lên đồi.
Nơi Sao Ly ở học là khu đang “bùng nổ” việc cho thuê phòng trọ. Tại đây có thể bắt gặp những kiểu phòng cho thuê quái đản nhất… hành tinh! Nhà bếp cải tạo lại cũng có, tường bao ngăn thành “chuồng” cũng có, và cả “cầu tiêu” cơi nới ra buồng cho thuê cũng tìm thấy ở đây. Tất cả đều đa dạng và cũng tất cả, không cái nào giống cái nào! Chỗ Sao Ly cùng ba bạn gái khác thuê là nơi khá giống phòng trọ. Nó rộng đâu mươi mét vuông nhưng có toa-lét độc lập. Gọi “độc lập” vì nó nằm luôn trong phòng và ngăn cách với chỗ học, ngủ bằng tấm ri-đô. Tấm ri-đô nhựa tuy dày song chỉ chặn được nước và hình ảnh, còn âm thanh thì… rất chi là cơ khổ! Tuy cơ khổ thế, giá thuê lại mềm. Chỉ hai trăm ngàn tháng, tức năm mươi ngàn cho mỗi đứa. Giá mềm nhưng các thứ khác thì rất “cứng”, nếu không muốn nói là… kỳ cục.
Dãy phòng trọ chạy dài theo con hẻm. Tất cả sáu phòng, như nhau. Trong đó ba phòng học sinh như các cô thuê; còn lại hai phòng cho những chị làm ở mấy nhà hàng nào đó và phòng nữa là đôi vợ chồng trẻ có một con nhỏ. Những ngày đầu mới trọ, Sao Ly thấy ngột ngạt quá. Cái ngột ngạt của con chim đang giữa rừng bỗng dưng bị nhốt vào rọ, vào lồng! Hồi ở trường cấp II cũng nội trú, nhưng cứ ra sau trường vài bước là thấy rừng, thấy rẫy. Còn ở đây chỉ nhìn ngoài đầu hẻm người xe cứ nườm nượp đến phát ngốt. Nhưng thét rồi cũng quen! Không quen sao được, cha Sao Ly bảo “Ráng học để còn về làng làm cô giáo!”. Phòng có hai bạn Dung, Nhu người Kinh, bạn Y-rá, Rắc-lay, còn Sao Ly là người Chăm. Dung và Y-rá học ở Trường Phan Bội Châu, Nhu trường Chuyên còn Sao Ly thì ở trường bán công Phan Châu Trinh. Cả bọn tuy khác dân tộc, khác lớp nhưng cùng lứa tuổi nên rất dễ thân nhau.
Ngay cuối tuần thứ hai ở nhà trọ, vào khoảng nửa đêm, các cô đã chứng kiến phải một trận đánh ghen ra trò. Khi sự ồn ào la hét lôi cả bọn thức dậy, mở cửa, Sao Ly đã thấy chị làm nhà hàng trọ phòng cuối dãy bụm mặt đầy máu, quần áo tả tơi được bạn dìu ra xích lô đầu hẻm. Nghe nói chị vừa bị mấy người đàn bà nào đó xông vào đánh và rạch mặt. Cả dãy phòng trọ cứ râm ran, bàn tán mãi. May mà bà chủ xuất hiện kịp thời, bảo không có gì và quát mọi người đóng cửa đi ngủ.
Bà chủ phòng trọ là một phụ nữ tuổi ngoại tứ tuần, không thấy chồng con chi. Là nữ thuê trọ, gặp được chủ nhà như thế cũng an tâm phần nào. Các bạn cô bảo thuê nhà của người cùng phái dù sao cũng “dễ ăn nói” hơn gặp cánh đàn ông. Hông nhà bà ở chạy cặp vách suốt theo lưng cả dãy phòng trọ. Cũng vì vậy toa-lét phòng bọn cô giáp với cái cửa sổ lá sách, nó đóng chặt và được che kín lại từ phía trong nhà bà. Một buổi tối, nhỏ Dung đang tắm, tình cờ bị mất điện. Mà do cầu dao, cầu chì sao đó, chỉ mất điện có mỗi dãy phòng trọ, còn bên nhà bà thì không. Sau đó Dung thì thào với cả bọn “Chết cha! Nhờ đèn sáng nên tao thấy bên đó cái cửa sổ dán rất hở hang tụi mầy ạ. Không tin giờ vào coi!”. Cả bọn vào xem. Đúng là bên kia đã che lại nhưng còn đến mấy nơi có thể trông sang được. Mấy nơi này phải khom người xuống mới khám phá ra. “Vậy mà đầu năm học giờ, tụi mình cứ… tắm truồng thoải mái!”. Nhỏ Nhu than thở. Y-rá nạt khẽ: “Cho nhìn sang được đi, nhưng bà chủ là đàn bà. Hỏi nhìn chi?”. Tuy biết vậy nhưng nhà bà chủ thường hay thấy có đàn ông lui tới, nên cả phòng cũng kiếm những tấm lịch dán kín cái cửa sổ ấy đi cho an tâm. Dán thì dán vậy, không hiểu vì gần nước hay sao nên nay thủng chỗ này mai hở chỗ nọ, cứ phải bồi đi bồi lại hoài. Để cảnh giác, khi tắm, đứa nào cũng đứng xoay lưng về phía cửa sổ, hay tốt nhất là đợi đến đêm, tắt đèn hết, tắm… “thầm”. Con gái mà nói đến tắm tất cả đều… rất ngán, thôi chớ…!
Trong bốn đứa cùng phòng, Sao Ly là người nhà ở xa nhất và… nghèo nhất. Nghèo đến nỗi bà chủ phòng trọ cũng biết. Biết qua những câu đại loại: “Số là tháng này tụi con nộp tiền trọ rồi, nhưng… còn chờ Sao Ly!”, “Thôi, tụi con nộp lần trăm rưỡi, còn Sao Ly chừng nào ba nó gửi xuống sẽ nộp sau”… Bà chủ phòng trọ khi biết cô không còn mé cũng cười cười nói: “Thôi riêng Sao Ly cứ để gộp đó. Khi nào con đem ba xuống “nộp” thế cho dì là được rồi!”. Bà chủ phòng độc thân không biết nói ham vậy, chớ phấn son đẹp đẽ như bà thấy Chế Thanh - ba của Sao Ly - chắc là chạy… mất cả dép!
Cũng do xa nhà nên thường chủ nhật hay ngày nghỉ, các bạn về hết, chỉ mình Sao Ly ở lại. Tiền xe đi, về tốn quá cha cả tháng tiền trọ! Hôm nghỉ học, nhằm lúc bà chủ sang kiểm tra xem bọn cô ăn ở phòng thế nào. Thấy cửa sổ toa-lét dán giấy lớp này lớp khác dày cui, bà cười: “Dán chi cho mất công! Nhìn thân thể “cá lẹp” của tụi bây, tao nhìn tao còn sướng hơn!”. Rồi bà hỏi thăm gia cảnh Sao Ly. Khen cô có đôi mắt buồn, thân hình đẹp… “Trong mấy đứa, dì chỉ “chấm” có mỗi mình con!”. Cuối cùng, bà hỏi Sao Ly có muốn làm vào những ngày nghỉ để kiếm thêm tiền ăn học không, bà giới thiệu cho. “Làm việc gì hở dì?”. “Thì… phụ bán nước ở mấy nhà hàng bạn của dì đó. Việc nhàn, tiền lại nhiều à nghen!”. Hình ảnh chị “bưng mặt máu” khuya nào bỗng hiện ra trong đầu Sao Ly. “Thôi, con sợ như chị… đêm đó lắm, dì ơi…!”. Bà chủ đập tay xuống tấm nệm: “Con đó đó hả? Tại nó… cà chớn, không nên nết nên mới vậy! Chớ con ăn học đàng hoàng, ai mà…”. Tốt hơn hết là cảnh giác với những rủ rê loại này, nên Sao Ly thoái thác: “Con… không quen làm vậy đâu, dì ơi…”. “Đói thì đầu gối phải bò, chớ ai quen đâu con! Chỉ cần tháng làm dăm ba ngày là khỏi lo tiền trọ!”. Bà phủi đít chấm hết câu chuyện ngay chóc ở khoản tiền mà Sao Ly vẫn còn chưa đưa được.
Hôm nay chỉ mình Sao Ly nghỉ hai tiết cuối. Về, phòng trọ vắng trơn. Thay đồ xong, chẳng biết làm gì cô đóng cửa ngồi lại cái rương làm bàn học sau cửa sổ bé xíu. Tuy là học sinh giỏi, Sao Ly cũng có thói quen tìm hiểu trước những bài sắp phải học. Chưa kịp mở sách, bên nhà bà chủ mùi xào nấu đã tỏa sang thơm bẻ mũi. Chiều qua nghe nói hình như bữa nay nhà bà có cúng kính chi đó. Mùi xào nấu cũng nhắc Sao Ly nhớ là sáng giờ cô chưa ăn gì. Sắp lễ tết rồi, không biết ba Sao Ly có chuẩn bị gì không mà gửi tiền xuống rất chậm. Quá chậm là đằng khác! Cô lúc đầu còn mượn tiền bạn ăn sáng, sau thì không dám mượn nữa. Biết ba gửi xuống bao nhiêu mà mượn cho nhiều. Từ ngày xa nhà trọ học, Sao Ly có tật rất xấu chứng đói. Học hành gì thôi, chứ ngồi không là nghe đói liền liền. Sao Ly quyết định mở sách. Bỗng có tiếng bà chủ phòng trọ gọi sang: “Sao Ly ơi… Sao Ly à…?”. Sao Ly hết hồn vội sập cửa, trùm mền giả ngủ. “Sao Ly ơi! Hôm nay nhà có giỗ, qua ngồi chơi với dì chút con!” bây giờ thì tiếng kêu đã ở trước phòng kèm với mấy cái gõ cửa. Sao Ly càng trùm mền kín hơn. “Con nhỏ mới về đó mà đã ngủ biến rồi!”.
Trong mền, dù đã trùm kín đầu nhưng Sao Ly nghe bên ấy lại càng rõ hơn, “rõ” cả mùi thức ăn nữa. Giữa rất nhiều tiếng những đàn ông ồn ào cụng ly, ăn uống vọng sang chợt cao lên giọng của bà chủ phòng trọ: “…Tui mới gọi nó đó, nhưng tụi con gái mới lớn khi đã ngủ rồi thì… lột quần cũng chẳng hay!”.
Lại một ngày nghỉ khác. Bỗng có tiếng bà chủ ới từ bên kia “Sao Ly ơi, qua dì nói cái này!”. Tiền trọ mấy tháng vẫn còn thiếu nên Sao Ly đành phải chạy sang. Dì đang xem vidéo. “Con xem phim, trông nhà giùm, dì tắm cái. Nóng nực quá trời hè!”. Xem phim ai chẳng thích, Sao Ly ngồi xuống ghế nệm. Bỗng “tạch… xè…”, đoạn, trên màn hình hiện ra những người đàn ông, đàn bà sổ sàng với nhau và thân thể càng lúc càng lõa lồ. Lõa lồ tới quá thể! Rồi… đến mức Sao Ly vội bưng lấy mắt, chạy về phòng mình. Đóng cửa lại xong mà vẫn còn run!
Khi Sao Ly kể những chuyện này với các bạn cùng phòng, đứa nào cũng xanh mặt. Chỉ nội cái cửa sổ toa-lét “khủng bố” thôi cũng đã ngất ngư rồi, giờ lại còn… Cả bọn nhất trí là nên tìm một nơi trọ khác. Nhưng… liệu có chỗ nào rẻ mà gần trường như chỗ trọ này? Nhỏ Nhu lại kể niên học năm ngoái nó trọ gặp một nơi còn kinh dị, gớm ghiếc hơn nhiều …
Gì thì gì, Sao Ly cũng phải trả hết tiền trọ còn thiếu cho bà chủ phòng đã!
Tết Ông Chủ và Tết Ka-tê là cái lý do Sao Ly xin nghỉ một buổi và tranh thủ thêm mấy ngày nghỉ học để về gặp a-mư, xin tiền. Sao Ly về chưa gặp… tiền thì lại gặp đàn dê a-mư chăn thuê chết, mất mấy con phải đền cho chủ!
Cuối cùng tối rồi, Chế Thanh chạy đâu đó cũng kiếm về được hai trăm ngàn. Sau khi thắp hương cho mé, ba Sao Ly để bốn tờ năm chục lên bàn trước mặt cô. “Mai ba sẽ ráng mượn thêm. Nhưng dù thế nào con cũng hông được nghỉ học, Sao Ly à! Con phải học để về làm cho dân làng có nhiều cái chữ. Mé con cũng vì đầu hông có chữ nên mới nghe bọn xấu, mới chết đó con à!”. Mé Sao Ly trong kỳ lễ rước y trang năm ngoái, bị bọn xấu tỉnh trên rủ rê vượt biên. Trong nhóm đi có hai người nữ – mé cô và một bà nữa. Giữa rừng chúng nổi máu lên đòi “bắt cái nước” (*), mé kiên quyết không cho. Biết bọn xấu phỉnh, hai bà bèn chạy về thì bị chúng rượt theo sát hại. Bọn nó tưởng cả hai đã chết nhưng rồi chỉ có mỗi mình mé Sao Ly là vết thương nặng hơn…
Sao Ly quất chà tre vào lưng con dê cuối đàn đang mãi tham ăn bên đường và tiếp tục nghĩ về nơi mình trọ học. Buổi sáng đồi rừng mát mẻ khiến đầu óc Sao Ly trở nên sáng láng, thấy ra nhiều điều. Mé thân gái giữa rừng dù chết còn giữ mình được huống chi cô sống giữa phố xá, có nhà trường, có pháp luật bảo vệ mà lại sợ bị sa ngã, hay đi vào con đường xấu ư? Dù thế nào Sao Ly cũng phải vững vàng, phải học! Học cũng là cách để cô nhớ mé, để trả thù cho mé. Sao Ly nghĩ, mỗi khi gặp chuyện khó hoặc muốn bỏ học, mình hãy gọi lên một tiếng Mé là sẽ tỉnh trí, là vượt qua được ngay thôi mà!
Tiếng trống Ginăng và kèn Saranai từ lễ Tết vọng đến đường đồi từng hồi từng chập theo gió sớm. Như vui lây với không khí lễ Tết, Sao Ly phấn chấn quơ chà tre về phía mấy con dê sau cùng và tự dưng buột miệng gọi to: “M…é…!”. Những con dê cuối đàn vội lúc cúc chạy đi và đồng thanh gọi nửa như đáp lời, nửa như lại hỏi Sao Ly: “Mé.. he…, Mẹ.. he…, Mé.. he… !?”.
LÊ NGUYÊN NGỮ
(*) “Bắt cái nước”: giao cấu.