“...Đến nay thu tàn
Phương xa kìa chiếc én bay về
Khuất trong non ngàn
Riêng ta nhìn đâu thấy bóng quê”
(Nhớ quê hương - Phạm Ngữ)
Quê nhà, từ xưa với bất cứ ai, cũng là nơi sâu thẳm nhất trên hành trình tìm về của đời mình. Với Phạm Úc, một đời dạy học xa quê, đây là một ám ảnh không nguôi...
Tôi đã đọc tập tùy bút, bút ký Thương nhớ quê nhà của tác giả Phạm Úc. Cảm giác mình được về lại quê nhà, được sống với những ký ức, hoài niệm về một miền quê trung du với những gì thân thuộc và gắn bó với những đời người. Chia sẻ với người viết về cảm giác này, tôi hiểu, có lẽ vì thương nhớ quê nhà, nặng lòng với kỷ niệm, người thân và những điều đẹp đẽ trong quá khứ… nên người viết, vượt qua những cám dỗ thời thượng, đã giữ riêng cho mình một cuộc hành trình đơn độc để tìm về những miền xưa cũ.
Đọc Thương nhớ quê nhà, cảm giác được ngồi đối ẩm với một người kể chuyện làng. Cái làng trong chuyện đầy ắp từ ngay cách lựa chọn các đề tài. Chẳng to tát gì, người viết cầm tay chúng ta dẫn đi khi thì đến thăm một thầy giáo cũ, khi thì lần theo một người đàn ông mù lang thang trong làng, khi thì về ngồi lại ở cái bậc cửa trước nhà để thương cha nhớ mẹ… Rồi lẩn thẩn ra vườn, ra đồng ra bãi để nhớ một buổi chọi trâu, một lò nấu đường, một ngày giẫy mả… Cứ miên man thế mà lần về cái Tết Trung thu ngơ ngác của thời thơ dại, ngồi giữa trưa mùng năm Đoan Ngọ nghe nắng rười rượi trên sân phơi các thứ lá rừng để chuẩn bị thức uống cho cả một mùa nhung nhớ… Rồi các thứ hương vị quê gửi gắm bao nhiêu tình cảm của người nhà quê trong tô mì Quảng ngày mùa, bát phở sắn ngày đông, chén khoai chà khi đói, đĩa xôi đỏ ngày cưới hỏi, giỗ kỵ ông bà… Có ai đi ra từ những làng quê miền Trung mà thoát khỏi những ám ảnh vừa vô hình vừa hữu hình như thế hay không?
Ấn tượng khi đọc Thương nhớ quê nhà là trí nhớ cụ thể và chi tiết của tác giả về làng, về những người, những việc trong làng. Đấy là hình ảnh người mẹ tảo tần và trọng nghĩa tình, gương mặt đẹp với hàng chân mày dài và những ngày cuối cùng bên cha mẹ trước ngày các cụ thân sinh mãi mãi ra đi. Đấy là người thầy giáo và cuộc đời nhiều biến động, tấm lòng đối với học trò và bạn bè giữa thời tao loạn. Đấy là người đàn ông mù chuyên đi ăn giỗ trong làng với tính cách riêng biệt và lối ứng xử, nói năng kỳ lạ. Đấy là cái xóm bà Châu, hòn đá Tịnh… với chân dung, đời sống rõ ràng như những thân phận nỗi chìm của những đời người. Cũng nhờ vào chi tiết, các bài về Tết Trung thu, Tết Đoan Ngọ… dựng đúng lại cảnh ấy, người ấy với đủ đầy những ấn tượng khó phai của những ngày còn trẻ sống với làng mạc ruộng vườn…
Trừ phần cuối của tập sách - Truyện ngắn 100 chữ – đưa vào như là một phần thêm, người đọc hiện đại sẽ sốt ruột với cách kể chuyện đôi khi lan man, thoắt đi thoắt về giữa những sự kiện với rề rà các câu chữ ít nhiều phong cách khẩu ngữ. Không sao, cái kiểu lẩn thẩn, bất chợt rẽ ngang rẽ dọc này, vô hình trung lại bắt đúng cái trạng thái của một người lâu ngày trở lại cố hương mà con người nào cũng muốn gặp, cảnh vật nào cũng muốn thăm, lối đi nào cũng muốn ghé…
Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một quê nhà. Sự trân trọng làng quê, lòng thành kính, biết ơn những người lớn tuổi, nỗi nuối tiếc những vẻ đẹp xưa cũ và kỷ niệm tuổi thơ… những khung tình cảm ấy chắc chắn sẽ giữ cho cuốn sách đứng được trong lòng mọi người.
TRƯƠNG VŨ QUỲNH