.

Những tờ thư cũ

.

Tôi không nhớ rõ cảm xúc của mình như thế nào khi hay tin bao thư cũ ở nhà đã bị đốt. Hình như lúc đó tôi chẳng có một khái niệm gì rõ rệt, tôi đón nhận thông báo ấy như một chuỗi câu chữ vô cùng thường tình. Hoặc rất có thể đến một vài phút sau tôi mới kịp hiểu khi nghe trái tim mình chừng như nghẹn lại.

Tôi không nhớ rõ cảm xúc của mình như thế nào khi hay tin bao thư cũ ở nhà đã bị đốt. Hình như lúc đó tôi chẳng có một khái niệm gì rõ rệt, tôi đón nhận thông báo ấy như một chuỗi câu chữ vô cùng thường tình. Hoặc rất có thể đến một vài phút sau tôi mới kịp hiểu khi nghe trái tim mình chừng như nghẹn lại.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Một bao thư như bao thư nhà chúng tôi chắc không phải nhà nào cũng có. Hồi đó, những năm 90 của thế kỷ XX, chị gái tôi học trường huyện thường có bài đăng trên Mực Tím, Áo Trắng. Chị cũng là người hâm mộ cuồng nhiệt của chương trình “Ca nhạc theo yêu cầu” của Đài Phát thanh Quảng Nam-Đà Nẵng nên hầu như tuần nào tên chị cũng được hai cô phát thanh viên Kim Ngân, Kim Ánh xướng lên. Với mức độ “nổi tiếng” như vậy, chị có rất nhiều bạn bè ở bốn phương trời xa gần viết thư kết bạn.

Trong thị trấn nhỏ mà chỉ có một sạp báo duy nhất ở quầy ông Trịnh thì việc có tên trong một vài tờ báo lèo tèo hiếm hoi như chị quả nhiên là một “hiện tượng”. Chị tôi cũng là người dễ cảm tình nên thư nào gửi tới chị cũng đều dành thời gian để hồi âm. Thư qua thư lại như vậy ngót nghét 3 năm trung học phổ thông, chị đã có thêm nhiều bạn mới, có nhiều câu chuyện vui buồn, có nhiều chuyến gặp gỡ và tất nhiên, gia sản thư của chị càng lúc càng nhiều.

Tôi không có khiếu rõ rệt về văn chương nhưng cũng rất thích đọc những tờ báo dành cho tuổi mới lớn như Mực Tím, Hoa Học Trò. Vì là con út trong một gia đình đông con nên tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều của các anh chị trong nhà, đặc biệt là đọc sách, nghe nhạc và nghe kể chuyện phim. Tôi đọc tất cả những gì anh Tư tôi mượn được ở thư viện nghèo nàn nằm tít trong thôn Một, bao nhiêu tiền dành dụm được chúng tôi đều lội bộ xuống tận Hiệu sách nhân dân ở Tiên Kỳ chỉ để mua một vài quyển truyện mỏng teng mà lòng lâng lâng sung sướng mấy ngày. Nhưng hồi đó, rất may, năm học nào nhà trường cũng tặng thưởng sách cuối năm nên tủ sách gia đình luôn luôn được bổ sung. Sách, cơ bản trong trí nhớ của tôi là không ít. Nhưng âm nhạc thì chỉ có con đường duy nhất là radio. Ở đó là một thế giới thu nhỏ mà bất kỳ ai trong gia đình, từ ba mẹ tôi đến tất thảy con cái đều rụt rè muốn nghe, muốn mở, muốn rà rà cái đài đã thuộc lòng tần số chỉ vì sợ… hết pin! Với tôi, mọi thứ âm nhạc đều khơi nguồn từ đó, còn mọi câu chuyện phim đều được “xem” qua lời kể của mấy ông anh và mấy tấm phim đứt lượm được hình như còn nằm trong dạng âm bản.

Với ảnh hưởng sâu sắc đó, tôi cũng muốn có vài người bạn bốn phương như chị nên tập tò bắt chước viết thư. Sau này, khi tuổi vào trung học, được trực tiếp xem phim qua chiếc ti-vi trắng đen dùng bình ắc-quy, tôi cũng hâm mộ diễn viên Thương Tín, Chánh Tín, Việt Trinh, Lý Hùng, Diễm Hương… Tôi còn nhớ như in sự đắn đo của mình khi lựa chọn cách mở đầu trong một bức thư gửi diễn viên Lý Hùng, cuối cùng tôi quyết định viết: “anh yêu thương”. Viết cho một người xa lạ mà không khác chi viết cho người tình! Lòng mến mộ ngây thơ của tôi đã bị loay hoay trong trí tưởng nhỏ nhoi muốn tỏ bày bằng ngôn ngữ. Giờ đây, khi nhớ lại câu chữ ấy, tâm trí tôi còn cảm thấy nỗi ngượng ngùng đến buồn cười. Nhưng cuối cùng cũng có một cái kết mong đợi với cô nữ sinh nhỏ, tôi đã được phúc đáp bằng một tấm hình của chàng có chữ ký ở bìa sau.

Thư đó, tôi đã được hồi đáp bằng bài thơ in máy vi tính lần đầu nhìn thấy “Ở một nơi núi thò chân xuống biển” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gửi từ Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bằng những sách, những quà tặng, những thiệp mừng từ rất nhiều mối quan hệ khác nhau. Thư đó, đã mở cho tôi những cánh cửa ngoại biên về tình bạn, về những người trong cuộc đời tôi chưa từng được gặp, về những tình thân đã được gắn kết mãi tận về sau.

Tôi đã gửi đi và nhận được bao nhiêu cánh thư, hình như tôi chưa từng ngồi đếm lại. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, tôi đã viết những dòng chữ nâng niu, tôi đã dành một thời gian không nhỏ để ưu tư biết bao tâm sự, để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn rất riêng của tuổi học trò. Tuy tôi không nhiều bạn bè như chị, nhưng có lẽ, tôi cũng đã được tận hưởng niềm vui sướng không nhỏ khi nhận được một bức thư tay. Tôi đọc đi đọc lại những dòng chữ xa lạ đã trở nên quen thuộc, tôi cất giữ từng chiếc phong bao mà không nỡ gỡ đi bất kỳ một con tem nào cho bạn bè sưu tập.

Lớn hơn một chút, tôi nhận được và viết thêm những bức thư tình. Bao nhiêu x, y, z trong một thời kỳ thế giới còn chưa phẳng đã bồi đắp cho tôi biết bao cung bậc cảm xúc diệu kỳ. Có hàng bao nhiêu thư ấy nằm trong trò chơi đánh đố ở hộc bàn tôi không nhớ xuể, có bao nhiêu con tem đã dành riêng chở đến giùm tôi những cảm xúc yêu thương, giờ đây tôi không tài nào hình dung được.

Rồi lớn lên chút nữa khi vào đại học, tôi đã biết biên thư để gửi về nhà, tôi đã thấm đượm cảm giác rời xa nơi tuổi nhỏ yêu thương. Và trong thư ấy, ba tôi, mẹ tôi, anh chị tôi đã biên cho tôi biết bao lời dặn dò, gửi gắm biết bao nhớ thương, lo lắng. Tất cả nhiều và rất nhiều thư của anh chị em chúng tôi được cho vào những bao tời to, cột chặt bỏ lên trần nhà. Thỉnh thoảng trong những dịp anh em đông đủ, chúng tôi lại mang xuống, ngồi nhẩn nha đọc lại vài bức, rồi chợt nhận ra rằng, có biết bao nhiêu người đã đồng hành, đã quên, đã đi qua đời mình giữa bốn bề cuộc sống.

Hơn mười năm nay, tôi không còn viết và nhận được một bức thư tay nào. Khi nhận ra tính tiện lợi vượt bậc của thư điện tử (email) thì hình ảnh cặm cụi viết một bức thư dần chìm vào quên lãng. Ngay cả sự bồi hồi khi trên đường tan học, ghé vào bưu điện mua một con tem rồi cẩn thận hồ hồ dán dán, đến lúc bỏ tỏm vào thùng thư rồi mà vẫn còn nôn nao trong dạ xen lẫn lo âu sợ thất lạc cả niềm vui cũng không còn nữa. Những email, tin nhắn, những cú nhấp chuột, những kết nối âm thanh lẫn hình ảnh của bao nhiêu ứng dụng đã tước đoạt hết cảm xúc lạ kỳ của một người cặm cụi biên thư. Và gia tài của chúng tôi chỉ còn là những bao thư cũ trên trần nhà.

Rất có thể, tấm trần nhà làm từ vải bạt của ba mẹ đã không còn đủ sức vững vàng để chở che cho những bao thư trĩu nặng của chúng tôi. Rất có thể những tờ thư một hôm bị lũ chuột làm mồi. Rất có thể, trong mải miết mưu sinh, chúng tôi đã nhất thời bẵng quên những tờ thư cũ nằm im lìm mấy chục năm dưới mái nhà thấm dột. Nhưng nhất định tôi không muốn tin rằng những tờ thư đó đã vĩnh viễn mất đi, biết bao nhiêu kỷ niệm không bao giờ nhớ hết đã vĩnh viễn không còn. Tôi không muốn tin mình từ đây sẽ gánh món nợ quá khứ oằn trĩu trên vai suốt quãng đời còn lại.

Những tờ thư cũ của chúng tôi, một hôm nào đã thần tiên vỗ cánh bay đi.   

Nguyễn Thị Thanh Thảo

;
.
.
.
.
.