.

Đánh thức tình yêu biển, đảo(*)

.

Mỗi cây bút đều có một mảnh đất, một vùng đề tài để khai thác và thể hiện phong cách riêng. Nguyễn Thu Hằng không chỉ thành công với các tập truyện thiếu nhi (Cánh thư bay, Thì thầm cùng giọt sương, Mật thư trên ngọn đa) hay mảng đề tài nông thôn, chị còn viết nhiều truyện ngắn về biển đảo rất ấn tượng.

Đảo thức là sự tiếp nối và phát triển tập truyện ngắn Bám biển của chị (NXB Thanh niên, năm 2017). Viết về đề tài biển đảo, Nguyễn Thu Hằng càng chứng tỏ thế mạnh ở ngòi bút của mình vì ngay từ những ngày đầu sáng tác, chị đã đoạt giải nhất cuộc thi “Trường Sa trong lòng Tổ quốc” do VTC và Báo Tuổi trẻ tổ chức năm 2011.

 Với 18 truyện ngắn cô đọng trong hơn 200 trang sách, Nguyễn Thu Hằng đã đem đến cho người đọc sự hiểu biết phong phú về biển, đảo của Tổ quốc, về đời sống tinh thần của các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời quê hương và cuộc sống của những ngư dân trên đảo hay ở những làng chài ven biển.

So với các đề tài viết về đất liền, các tác phẩm về biển, đảo còn ít, chưa để lại nhiều dấu ấn nhưng tập truyện Đảo thức đã mang đến cho độc giả những cung bậc cảm xúc phong phú. Ta hồi hộp theo dõi những câu chuyện tình yêu lãng mạn, thi vị của người lính đảo với cô gái nơi quê nhà của họ. Đó là Thái và Hòa trong Vũ điệu sóng, là Sinh và Dung trong Biển mơ, là Lâm và Huyên trong Đồng xanh ngoài khơi xa… Tình yêu của người lính được Nguyễn Thu Hằng kể lại một cách chân thực, giản dị, pha chất dí dỏm, bất ngờ nhưng cũng mang màu sắc lý tưởng bởi những cô gái đem lòng yêu và nên duyên với những anh bộ đội hải quân hầu hết là những cô gái hiền dịu, nết na, đảm đang và giàu đức hy sinh. Thậm chí có cô gái chỉ cần nghe chuyện về anh chàng sinh viên đang du học trở về nước, xin nhập ngũ, rồi huấn luyện, rồi ra đảo là đã chết mê chết mệt. Họ thực sự đã trở thành hậu phương, trở thành động lực tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho người lính nơi đầu sóng ngọn gió.

Phải là một người am hiểu, khả năng quan sát tinh tế và có tình yêu mãnh liệt với biển, đảo thì Nguyễn Thu Hằng mới dựng nên một bức tranh sinh động, hùng vĩ và nên thơ về khung cảnh thiên nhiên ở quần đảo Trường Sa trong trí tưởng tượng của chị. Những câu văn tả cảnh đẹp lung linh đã giúp người đọc hình dung “đảo hiện lên như một mầm giềng”, hoa bàng vuông trên đảo nở vào ban đêm như pháo hoa, bình minh và những đêm trăng huyền ảo đã giúp người lính vơi đi nỗi nhớ xóm làng, bạn bè, người thân, người yêu nơi đất liền. Những sinh hoạt thường ngày của bộ đội hải quân cũng được Nguyễn Thu Hằng tái hiện bằng những chi tiết đặc sắc với giọng điệu trẻ trung, đậm chất lính tếu táo, tinh nghịch ở đêm lửa trại, giao lưu văn nghệ, hay khi đón khách từ đất liền ra thăm đảo, đọc thư của người thân từ quê nhà… (Đồng xanh ngoài khơi xa, Con chuồn ớt bay trong nắng…).

Người đọc dễ dàng nhận ra tình yêu biển, đảo và trái tim tràn đầy lý tưởng cao đẹp cũng như tinh thần trách nhiệm của những người lính đảo trong tập truyện ngắn này. Với các anh, “đảo từ lâu đã là nhà”, đảo là nỗi nhớ, biển là tình yêu. Chính tại nơi đầu sóng ngọn gió luôn có lá cờ Tổ quốc tung bay đó là nơi những trái tim đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chiều sâu tư tưởng trong Đảo thức không chỉ dừng lại ở việc phản ánh cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của lính đảo hay nỗi vất vả, nhọc nhằn của những ngư dân bám biển, phải đối mặt với bão giông, với thiên tai bất ngờ ập xuống mà Đảo thức đã tiến xa hơn, đã nhìn thẳng vào hiện thực, dẫu có bi nhưng vẫn có hùng, dẫu có mất mát đau thương nhưng vẫn ngời lên niềm tự hào sâu sắc.

Không ít truyện ngắn đã gợi lại những hy sinh xương máu của cha ông, của những người lính hải quân kiên cường dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ lá cờ trên đảo Cô Lin, vì niềm tự tôn của cả dân tộc, để khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc (Trường Sa trong lòng Tổ quốc, Bản đồ xanh). Có những người lính đã tan trong sóng cát Trường Sa, mãi mãi nằm trong lòng biển, để lại những người mẹ già, vợ trẻ, con thơ. Mấy chục năm trôi qua, nỗi đau mất mát vẫn âm ỉ, ngấm ngầm, nhức nhối mỗi độ Tết đến xuân về, nhà nhà sum họp. Trận hải chiến bi tráng trên đá Gạc Ma đã được hồi tưởng qua lời kể của nhân vật ông Đoàn-một cựu chiến binh, một nhân chứng sống và đi vào bài giảng địa lý của cô giáo Quyên, con gái ông.

Thông qua các hình tượng nhân vật sống động, cách tạo tình huống tự nhiên, lối kể chuyện cuốn hút, Nguyễn Thu Hằng đã khơi dậy trong lòng người đọc tình yêu biển đảo, yêu quê hương, đất nước một cách tự nhiên, không hề mang tính giáo huấn. Độc giả không chỉ thêm hiểu biết về truyền thống đấu tranh bất khuất của cha ông trong sự nghiệp gìn giữ biển đảo mà còn cảm thấy tự hào, biết ơn công lao của những người lính đã và đang dành trọn cả lý tưởng của mình để góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ hòa bình đất nước.

Nam Hồng

(*) Đọc tập truyện ngắn Đảo thức của Nguyễn Thu Hằng, NXB Thanh niên, quý 3 năm 2018.
 

;
;
.
.
.
.
.