.

Bố tôi và ba người đàn bà

.

Đang ngủ ngon trong phòng riêng có máy lạnh, bỗng nhiên điện bị cúp, tôi trở mình tỉnh giấc, mở tung cửa phòng cho thoáng. Tiếng rên của dì Hân ở phòng đối diện làm tôi không thể nào ngủ lại được. Có lẽ bố tôi cũng đã mất ngủ vì dì nhiều đêm rồi. Giờ tôi mới hiểu vì sao bố tôi lại gầy sọp đi nhanh thế. Dì Hân bị ung thư vòm họng, khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn cuối. Bố tôi đưa dì đi viện K xạ trị nửa năm rồi nhưng không có hy vọng. Các bác sĩ khuyên bố tôi nên đưa dì về nhà tĩnh dưỡng, được ngày nào hay ngày ấy…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hồi bố bỏ mẹ tôi để đến với người đàn bà bán bia tên là Hân, tôi đã hận bố lắm và căm ghét cả người đàn bà kia nữa. Lúc ấy tôi tròn mười một tuổi. Tôi vẫn nhớ như in cái ngày bố mẹ đưa nhau ra tòa ly dị. Tôi nhớ cái giây phút người ta hỏi: “Cháu muốn ở với ai? Với bố hay với mẹ?”, tôi đã trả lời dứt khoát, không hề lưỡng lự: “Cháu muốn ở với bố”. Bố nhìn mẹ, mẹ nhìn tôi, cả hai sững sờ, còn tôi nhìn ông cán bộ tòa án không chớp mắt. Người ta bảo tôi “bướng”, tôi “gan”, tôi “lì” vì bố mẹ bỏ nhau mà không biết khóc.

Tôi quyết định ở với bố mặc dù trong lòng tôi cũng không yêu bố. Tôi thương mẹ nhưng vì tôi đã nghe lỏm được câu chuyện giữa mẹ và bà ngoại. Mẹ dự định việc ly dị hoàn tất sẽ cùng tôi sang Đài Loan. Mẹ sẽ đi làm thuê, kiếm thật nhiều tiền để lo cho tương lai của tôi sau này. Tôi hoảng sợ nghĩ đến chuyện mình phải bỏ học, phải xa bao nhiêu là người thân, bạn bè… Tôi nhất định không đi cùng mẹ. Sống với bố, dù gì cũng tốt hơn vì còn có ông bà nội ở nhà bên cạnh.

Mẹ buồn nhưng mẹ không khóc. Mẹ dặn tôi đúng ba điều: “Ở với bố phải ngoan, phải học giỏi, dù bố con lấy người đàn bà nào thì con cũng không được hỗn với người ta”. Tôi chỉ thực hiện được hai điều mẹ dặn. Ở với bố, tôi ngoan, tôi không cãi bố bao giờ, những lúc không vừa ý thì tôi im lặng.

Tôi học giỏi, đến nỗi cô chủ nhiệm cũng phải ngạc nhiên vì nhiều đứa khi bố mẹ bỏ nhau là học hành sa sút còn tôi luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập. Chỉ có điều thỉnh thoảng tôi tỏ ra hỗn hào với dì Hân. Tôi nghe bà nội bảo: “Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng” nên tôi càng ghét dì Hân tợn. Biết dì rất sợ gián nên thỉnh thoảng tôi bắt được gián là đem bỏ vào giày của dì khiến mấy bận dì vừa hét vừa nhảy dựng lên như bị điện giật. Những lúc ấy tôi hả hê trong bụng lắm. Tôi nghĩ: “Cho đáng đời”. Hàng năm trời, tôi không hề nghĩ đến sự tồn tại của dì trong nhà.

Tôi đi không hỏi, về cũng không thèm chào dì một tiếng, thậm chí ăn cơm ngồi đối diện dì tôi cũng không mời. Tôi tỏ ra lầm lầm lì lì trước mặt dì. Tôi biết dì khó chịu lắm. Tôi biết dì phàn nàn với bố tôi nhưng bố sợ tôi phản ứng tiêu cực nên bố mặc kệ. Bố còn mải kiếm tiền nên chẳng hơi đâu bận tâm đến những chuyện vụn vặt ấy.

Dì Hân thuộc loại đàn bà sắc sảo chứ không hiền lành như mẹ tôi. Bố yêu và lấy mẹ tôi vì cái vẻ hiền lành mà nhiều người đàn ông lấy đó làm tiêu chuẩn hàng đầu khi chọn vợ thì cuối cùng bố chán mẹ tôi cũng bởi cái vẻ hiền lành ấy. Từ ngày bố thành lập công ty riêng, quan hệ rộng rãi nên đi đâu bố cũng muốn mẹ đi cùng. Hồi đầu mẹ cũng diện váy nọ váy kia và trang điểm kỹ càng rồi đi tháp tùng bố đến những cuộc nhậu thâu đêm, đến những bữa tiệc ký hợp đồng tốn cả tiền triệu.

Nhưng lâu dần, mẹ mệt mỏi, mẹ vùng vằng: “Em thấy vô nghĩa vì những bữa tiệc ấy không phù hợp với sở thích và tính cách của em”. Được thể, bố chê mẹ trước mặt bạn bè: “Người đâu mà không biết hát karaoke, không biết uống rượu, uống bia thì có đi cùng chồng cũng như không”. Thế là mẹ tự ái, mẹ không bao giờ đi cùng bố đến những bữa tiệc xã giao nữa. Khoảng cách giữa bố và mẹ xa dần từ ấy. Bố thường xuyên vắng nhà, nhiều lần đi qua đêm. Tôi đã từng bắt gặp mẹ ngồi bó gối hàng giờ ở cuối giường chờ đợi bố.

Chỉ cần tôi gây tiếng động mạnh ở phòng bên là mẹ giật mình tưởng bố về, chạy vội ra rồi lại thở dài thất vọng đi vào. Tôi không hề nghe thấy mẹ trách móc hay ca thán về bố. Mẹ cứ sống nhẫn nhịn như thế, lặng lẽ chờ đợi bố hằng đêm như thế còn ban ngày mẹ lại cuốn vào công việc. Cho đến khi người đàn bà bán bia bước vào cuộc đời bố, hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ, mẹ mới cuống lên nhưng không kịp nữa rồi. Mẹ tìm gặp người đàn bà kia, không phải để đánh ghen mà để thuyết phục.

Tôi không rõ mẹ đã nói những gì nhưng sau đó bố càng vắng nhà nhiều hơn. Nếu bố có về nhà thì người đàn bà kia trơ trẽn theo về cùng. Mẹ không chịu được cái cảnh chướng tai gai mắt ấy nên viết đơn ly dị. Sau này lớn hơn, hiểu biết hơn, tôi lại thầm trách mẹ, trách cái sự “hiền lành” của mẹ khiến tuổi thơ của tôi không có hạnh phúc trọn vẹn. Mẹ đã không dám đấu tranh, không dám giành giật lại những gì là của mình mà cứ để người ta cướp mất. Tôi mà là mẹ, chẳng đời nào tôi làm thế.

Mặc dù dì Hân không đẹp bằng mẹ tôi, không trẻ bằng mẹ tôi nhưng dì có nhiều cái mà mẹ tôi không có được. Dì uống rượu như đàn ông, dì hát karaoke luôn được 100 điểm và dì luôn bên cạnh bố tôi như hình với bóng. Dì không bán bia nữa mà làm thư ký riêng cho bố tôi. Những ngày đầu về sống cùng với bố tôi, phải đối mặt thường xuyên với một con bé lớn trước tuổi và ngang ngạnh như tôi, dì Hân tỏ ra dè chừng. Tôi cũng lặng lẽ quan sát xem dì có ác như những “mụ dì ghẻ” trong truyện cổ tích không, có giống mẹ kế của cái Lan, bạn cùng lớp với tôi không. Có lần Lan bô bô kể với tôi: “Tớ vừa tắm xong, mụ dì ghẻ nhà tớ bắt lau khô nhà tắm. Cậu xem bà ấy có ác không cơ chứ. Thế thì tắm cũng bằng hoài còn gì vì mồ hôi lại vã ra. Thế mụ dì ghẻ nhà cậu có ác với cậu không?”. Tôi bụm miệng cười: “Không!” và tôi còn xui Lan: “Lần sau, cậu cứ ngồi mà khóc, thế nào Bụt cũng hiện lên”. Lan lắc đầu, không nói gì nữa.

Mỗi khi dì Hân làm tôi phật ý là tôi bỏ cơm. Kiểu phản ứng ấy của tôi không chỉ làm dì Hân sợ mà cả bố tôi cũng sợ. Nhưng thực ra tôi chả phải nhịn bữa nào vì tôi lẻn ngay sang nhà ông bà nội ăn bù. Dần dà dì Hân phát hiện ra nên tìm cách “đuổi” tôi. Tôi nghe trộm dì bàn với bố tôi: “Anh bảo con Thơ sang ở với ông bà nội xem nó có nghe không. Bây giờ em có bầu, em khó tính, nó lại hay ăn nói chỏng lỏn. Em sợ mình không kiềm chế được lại đánh nó thì mang tiếng”.

Hôm sau, không cần bố tôi lên tiếng, tôi thu gom đồ cá nhân sang ở với ông bà nội với lý do: “Dì Hân sắp sinh em bé nên đuổi con đi cho rộng chỗ”. Bà nội tôi trợn tròn mắt: “Thế à? Để bà sang cho nó một trận. Cái loại đàn bà tranh chồng, cướp… cướp nhà”. Tôi ôm ngang lưng bà: “Thôi bà ạ. Con thích ở với ông bà hơn”. Bà ôm tôi, thì thào: “Khổ thân cháu tôi!”.

Dì Hân sinh bé gái. Thai to nên phải mổ. Ai đến thăm cũng bảo con bé giống tôi, giống nhất là đôi mắt to và nước da bánh mật. Bố tôi đặt tên nó là Văn. Tôi ghét dì Hân nhưng tôi không ghét Văn vì ít ra tôi và nó cũng chung dòng máu. Tôi chẳng giặt quần áo hộ dì Hân lần nào nhưng tôi sẵn sàng giặt tã lót của Văn một ngày ba lần. Từ ngày có Văn, dì Hân tỏ ra quan tâm đến tôi hơn. Sinh nhật lần thứ mười bốn của tôi, dì mua tặng tôi một cái váy màu hồng. Nhưng tôi không mặc. Tôi vẫn ác cảm với dì. Thi thoảng tôi bế Văn đi chơi. Dì Hân đồng ý nhưng lại đi đằng sau theo dõi vì dì nghĩ tôi sẽ cấu véo con bé cho hả giận. Bà Na hàng xóm kể lại với bà nội tôi như vậy. Bà nội tôi chửi đổng: “Tiên sư nó chứ, cứ suy bụng ta ra bụng người”.

Văn hai tuổi thì bố tôi và dì Hân lục đục. Rạn nứt bắt đầu từ khi bố tôi phát hiện dì Hân có “quỹ đen”. Bao nhiêu tài sản, tiền bạc của gia đình, bố tôi tin tưởng giao cho dì Hân giữ hết. Bố không ngờ dì Hân “phòng xa” bằng cách bớt xén và tạo một tài khoản riêng khá lớn. Bố chán nản, lại đi qua đêm. Dì Hân không phải loại đàn bà chịu nhẫn nhịn như mẹ tôi nên dì không chịu ngồi chờ mà bỏ mặc con gái hai tuổi ngủ một mình, khóa cửa ngoài và đi tìm bố tôi. Có bận Văn chợt thức giấc giữa đêm, khóc toáng lên. Ông nội tôi thính ngủ nên nghe thấy chạy sang. May mà ông cũng có chìa khóa nhà, nếu không con bé khóc khản cả tiếng.

Bố thân với cô Nhi, thư ký mới. Gần đây người ta đồn cô Nhi là “bồ” của bố. Từ khi dì Hân sinh Văn thì bố bắt dì nghỉ làm, ở nhà trông nom con bé. Tôi chỉ hận bố một lần đó là khi bố bỏ mẹ tôi. Giờ bố có đi theo người đàn bà nào thì tôi cũng chẳng bận tâm. Nhưng dì Hân thì lồng lên, xông đến công ty làm ầm ĩ. Hôm ấy không có người can thì dì đã đánh cô Nhi rồi. Dì tuyên bố: “Lành làm gáo, vỡ làm muôi, đi tù thì đi tù”. Bố tôi cảm thấy bị mất thể diện nên càng được cớ để đưa dì ra tòa ly dị. Sau khi tòa phân chia tài sản, dì Hân bế Văn về nhà mẹ đẻ, lại mở quán bán bia hơi như hồi trước.

Bố đòi cưới cô Nhi, không ai trong gia đình đồng ý, không phải vì cô Nhi không xứng đáng với bố, không được lòng mọi người mà lý do chính là vì cô Nhi còn quá trẻ, vừa đẹp người lại tốt nết. Tôi mới gặp cô Nhi có vài lần nhưng tôi rất có cảm tình với cô. Ông nội giận bố, quyết định từ mặt. Bà nội khuyên giải: “Vợ chứ có phải cái áo đâu mà anh thay ra thay vào liên tục như thế”. Bố chẳng cần thuyết phục ông bà, chỉ buông một câu: “Cái số con nó thế”. Tôi ngồi ở góc nhà, nghe tiếng bố mà cảm thấy chua chát. Khi ấy, tôi mười lăm tuổi. Tôi đủ lớn để không tin vào cái “số” nào cả.

Người đàn bà thứ ba bước vào cuộc đời bố đã có một đời chồng nhưng chưa có con. Hai người bỏ nhau vì người này đổ cho người kia không đẻ được. Cô Nhi trẻ măng, kém bố đúng một giáp. Cô Nhi đẹp hơn mẹ tôi vì nước da trắng mịn và vóc người dong dỏng. Cô Nhi không hiền lành như mẹ tôi nhưng cũng không sắc sảo, đanh đá kiểu dì Hân. Đó là một người đàn bà có học, giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung. Vì ông nội tôi cương quyết nên bố không dám cưới cô Nhi mà hai người đi lại lén lút. Bà nội tôi biết, chỉ chặc lưỡi, nói một mình: “Cứ tìm hiểu cho kỹ đi, không rồi lại cả thèm chóng chán để thiên hạ chửi vào mặt cho”.

Đúng lúc cô Nhi sung sướng thông báo có bầu thì bố tôi cũng bàng hoàng vì dì Hân phát hiện bị ung thư vòm họng. Trong khi cô Nhi sung sướng vì chứng minh cho chồng cũ biết là cô “biết đẻ” thì bố tôi loay hoay không biết làm thế nào cho vẹn cả đôi đường, cho khỏi mang tiếng ăn ở thất đức. Bố quyết định đón bé Văn về nuôi nhưng dì Hân không đồng ý. Cuối cùng bố đành đón cả dì Hân về chăm sóc, coi đó như là “nghĩa tận”.

Tôi không ở bên ông bà nội nữa mà về ở với bố để còn chăm sóc bé Văn và cơm nước cho dì Hân. Bây giờ tôi không còn ghét dì Hân như trước. Nhìn gương mặt dì biến dạng, đôi mắt vô hồn, đầu thì rụng hết tóc, tôi thấy vừa sợ vừa thương. Những cơn đau đến với dì nhiều hơn, nghe tiếng rên của dì mà tôi cũng thấy xót ruột. Nhìn dì, không ai còn nhận ra người đàn bà sắc sảo, khôn ngoan thuở nào.

Thỉnh thoảng mẹ tôi gọi điện về hỏi thăm tình hình sức khỏe của ông bà nội và ông bà ngoại, tình hình học tập của tôi. Mẹ yên tâm vì tôi biết sống tự lập. Mẹ vui mừng vì tôi đã vượt qua kỳ thi đại học một cách dễ dàng. Mẹ xót xa khi nghe tôi kể chuyện về bố, về những người đàn bà bước tiếp vào vết xe đổ của mẹ. Mẹ hứa với tôi: “Nhất định mẹ sẽ về”…

Ở phòng đối diện, tiếng dì Hân đòi nước. Giọng dì yếu ớt, méo mó. Tế bào ung thư đã xâm nhập khắp cơ thể. Mấy ngày nay dì không ăn được gì. Lúc chiều dì vẫy tay ra hiệu gọi tôi lại gần. Dì nắm tay tôi, thì thào: “Thơ ơi! Con nhớ chăm sóc bé Văn hộ dì. Dì có lỗi với mẹ con, với con… nhiều lắm. Tại dì…”. Tôi cắt ngang lời dì: “Thôi mà dì. Dì cứ yên tâm”.  

Hôm dì Hân mất, cô Nhi sinh con trai. Thật là oái oăm. Bố tôi đặt tên thằng bé là Võ. Thiên hạ bàn ra tán vào, xì xào không ngớt suốt dọc đường đưa đám. Người ta đến đưa dì Hân một phần vì những mối quan hệ làm ăn với bố tôi, một phần vì “nghĩa tử là nghĩa tận” nhưng phần đông người ta đến đưa đám vì tò mò. Những tiếng xì xào lọt qua tai tôi: “Ông này đúng là cao số, ba vợ rồi mà chưa đâu vào đâu”. “Rồi cũng khổ thôi”. “Lắm tiền cũng chả để làm gì, lắm vợ thì nhiều nợ”. “Ô! Con bé Thơ cũng khóc dì ghẻ kìa”…

Nhìn Văn ôm bình tro dì Hân, đôi mắt nó dại đi, tôi khóc, khóc không kiềm chế được. Tôi khóc cho cả người chết và người còn sống. Tôi khóc cho bố tôi, cho ba người đàn bà: mẹ tôi, dì Hân và cô Nhi. Tôi khóc cho tôi, cho Thơ, cho Văn, cho Võ. Nước mắt tôi chảy xuống miệng. Mặn và đắng.

Trần Thúy Lành
 

;
;
.
.
.
.
.