.

Cây không bao giờ cất lời

.

Suốt cả một vùng đất An Giang, giáp với Campuchia, đi đâu cũng có thể nhìn thấy cây thốt nốt.
Nó khiến tôi nhớ đến những đồi cọ quê mình. Những đồi cọ vùng trung du Bắc Bộ, xanh biếc, khoẻ khoắn, đan kín những triền đồi. Người miền Bắc dùng lá cọ để lợp nhà.

Cây thốt nốt có tuổi đời 80 năm, tương đương tuổi đời một con người. Ảnh: T.A
Cây thốt nốt có tuổi đời 80 năm, tương đương tuổi đời một con người. Ảnh: T.A

Giá trị lớn nhất của cây cọ chính là lợp nhà. Thi thoảng trong số hàng trăm cây cọ có một cây cọ nếp. Quả của nó xanh thẫm, ruột lại vàng, khi ngâm trong nước sủi tăm, mà người ta gọi là “ỏm”, thì có một lớp váng như mỡ nổi lên ở trên mặt nước. Cọ ấy bùi, béo ngậy. Ăn no được.

Còn cây thốt nốt miền Tây Nam bộ, cho đường.

Tôi đã từng không hề biết rằng cây thốt nốt có cây đực và cây cái. Cây cái cho quả, cây đực cho nước. Người ta lấy nước từ thân cây thốt nốt và thắng thành đường. Cách làm thủ công và cho ra loại đường ngon nhất, chính là đun nước thốt nốt trong những cái nồi lớn, trên bếp than, bếp củi, trong nhiều tiếng đồng hồ, và khuấy liên tục. Cho đến lúc nó cô đặc, sánh lại, thì được một món đường sền sệt, vàng sậm. Tất nhiên, cách làm công nghiệp hơn, và cho năng suất cao hơn, là có thể trộn thêm phụ gia gì đó, nên loại đường đó thường có màu trắng, dạng viên. Tôi có từng ăn thử quả thốt nốt, và uống nước thốt nốt tươi. Và bị say, hơi choáng váng, lơ mơ.

Chúng tôi đi dọc những cánh đồng ở Tịnh Biên đang vào mùa lúa chín, xuyên qua những xóm làng Khmer, ra sát vùng biên giới với Campuchia. Giữa những cánh đồng lúa bằng phẳng, trĩu nặng lúa vàng, mọc lên những hàng thốt nốt. Chúng đẹp như những nốt nhạc điểm xuyết trên khuông nhạc thẳng băng. Thảng hoặc gặp một cánh cò, trắng muốt, gầy, thanh thoát, liệng trên mặt cánh đồng. Thốt nốt, thân thẳng đứng, cao vút, với một chùm cành, lá tròn, xum xuê ở tít trên ngọn. Một đời cây thốt nốt, khoảng 20 năm thì bắt đầu cho thu hoạch trái, lấy nước. Và nó cứ cống hiến ròng rã như thế cho đến 60 năm sau, tức là đời cây thốt nốt dài tương đương với đời người. 80 tuổi thì cây thốt nốt dừng lại, khi không còn gì để trao tặng con người nữa…

Giờ đây, ở nhiều nơi, số cây thốt nốt đang giảm dần đi. Người ta đổ về An Giang để mua cây thốt nốt về trồng làm cảnh hoặc bán sang Trung Quốc. Những cây thốt nốt già thì không ai mua. Người ta chỉ mua những cây thốt nốt non, 5-7 tuổi, đến 15-16 tuổi. Cây non thì trồng dễ sống hơn. Và nó cũng không quá cồng kềnh khi vận chuyển. Xe tải, xe có máy xúc, vào tận thôn làng, múc cả mét đất bên dưới những gốc thốt nốt, và bứng đi.

Tôi hình dung những cây thốt nốt già nua, gần hết một đời, đứng lặng nhìn cả đàn thốt nốt non bị bứng khỏi đất mẹ, mang đi. Tới tận đâu không biết. Và có được tiếp tục cái số phận cho đường, cho quả không, hay chỉ để làm đẹp cho một tòa nhà giàu có nào đó, thì cây không biết, người trồng cây cũng không biết. Mỗi cây thốt nốt non ấy chỉ được bán với giá 400.000-500.000 đồng. Trồng xuống 5-7 năm, 15-16 năm, rốt cuộc chỉ bán có mấy trăm ngàn. Trong khi chỉ giữ lại vài năm nữa thôi là chúng sẽ miệt mài cho đường, cho trái...

Nếu như Tịnh Biên, Tri Tôn, hai huyện nhiều thốt nốt nhất của An Giang, một ngày nào đó vắng sạch bóng những cây thốt nốt, thì sao?

Chẳng sao cả. Đất vẫn là đất ấy, những cuộc đời vẫn tiếp tục sinh ra và từ biệt, vậy thôi. Chỉ có lòng người trống trải, hoang hoải, nuối tiếc, bần thần mỗi khi nhắc đến thốt nốt như nhắc đến một loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Cuộc sống luôn có quá nhiều thử thách đối với con người. Sống ở trên đời, người ta không chỉ phải vượt qua những thử thách mà số phận mang lại, ông trời giăng ra, mà còn phải vượt qua cả những thử thách của bản thân, phải biết chối từ. Biết khao khát, và biết chối từ. Chối từ 400.000-500.000 đồng, để giữ lại một cây thốt nốt. Nếu người ta có thể nghĩ những điều lớn hơn, dài hơn, xa hơn một sải tay trước mắt, thì có lẽ những hàng cây thốt nốt sẽ không phải run rẩy thức từng đêm để đợi xem sáng mai số phận mình thế nào. Sẽ ở lại với cánh đồng dưới chân Bảy Núi, hay bị nhổ khỏi đất đai quen thuộc và trầy trật sống dưới một bầu trời khác.

Cây không bao giờ cất lời, chỉ có lòng người, run rẩy mà tự chạm tới hồn cây. Vậy thôi!

Thanh Am
 

;
;
.
.
.
.
.