Anh họa sĩ dọn đi rồi. Xóm Cây Nhãn trở lại như trước đây. Mỗi chiều không còn người kê giá vẽ trước hiên nhà. Những buổi trưa, sân nhà chang chang nắng không còn những chậu sứ Thái rực rỡ. Tím trở lại trầm ngâm như những ngày tháng cũ.
Mọi chuyện đều trở lại như ngày trước. Chỉ có Tím vẫn nhìn qua hàng rào kẽm gai, đôi khi nhớ lại những ngày đã xa.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Trong xóm này, từ đầu xóm đến cuối xóm người ta chỉ trồng rau. Nếu có hoa, cũng chỉ là hoa rau muống trắng trên những dây rau muống vượt từ vũng lên bờ trổ bông, những hoa rau lang hao hao hoa rau muống nhưng có màu trắng phơn phớt tím trên những giồng lang. Người ta tận dụng từng miếng đất trồng rau. Với họ, hoa là thứ không sinh lợi, không ăn được.
Một bữa chiều, Tím lủi thủi hái mồng tơi bên hàng rào kẽm gai ngăn cách giữa nhà Tím và ngôi nhà hoang cạnh bên cỏ đã vươn lên đến thắt lưng. Có tiếng giày và giọng đàn ông: Hàng rào này trồng mồng tơi trông chán thật. Xóm này phải gọi là xóm rau mới phải. Tím nhìn lên, người đàn ông nhìn Tím như những lời vừa nói chỉ là bâng quơ một mình.
- Chào anh! Anh vừa dọn đến à. Giọng Tím nhẹ nhàng.
- Tôi tên Văn, là họa sĩ. Cô tìm người giúp tôi làm cỏ sân nhà, tôi sẽ đem sứ về trồng.
Tím cậy anh Năm trong xóm xịt thuốc diệt cỏ. Những cây cỏ xanh tốt sau mấy ngày cháy xém rồi khô dần. Chỉ một mồi lửa là cháy.
Anh họa sĩ thuê người đổ đất đá rồi tráng gạch khoảng sân trước nhà. Tím thấy tiếc. Nếu là Tím, cô sẽ giữ lại khoảng sân lên liếp trồng tía tô, hay hành lá. Dẫu thu nhập không cao cũng có cái trang trải thêm cuộc sống. Sân gạch vừa khô, những chậu sứ được chở đến bằng chiếc xe bán tải, kê dọc chu vi của sân gạch. Đó là sứ Thái, đáy hoa hình phễu rẽ ra năm cánh đủ các sắc màu từ màu đỏ sậm cho đến đỏ tươi và hồng đậm. Phần rễ phình to tạo những hình thù kỳ lạ, bộ rễ mỗi cây là duy nhất không lặp lại ở bộ rễ cây sứ khác.
Trời mấy hôm nay nắng gắt. Ngột ngạt. Kỳ lạ sao sứ càng rực rỡ. Tím mang cà-mèn cơm qua cho anh họa sĩ. Lẳng lặng đặt ở bàn rồi về ngay. Anh họa sĩ đang miệt mài bên giá vẽ. Tím hiểu anh cần có sự tập trung để sáng tạo. Từ dạo anh chuyển đến, do sống có một mình nên nhờ Tím nấu cơm. Ban đầu cô từ chối bởi cô nghĩ mình chỉ nấu những món ăn đạm bạc, e không phù hợp khẩu vị của Văn. Anh họa sĩ nói Tím cứ nấu món gì thì nấu thêm cho anh, anh sẽ gửi tiền phụ thêm cho Tím. Cô ngần ngại không dám hỏi là những bữa cơm cô mang sang có phù hợp không. Hai người hai thân phận khác nhau và dường như không có nhu cầu chia sẻ. Thỉnh thoảng nhà bên cũng có vài cô gái xuất hiện. Tím không quan tâm vì không phải chuyện mình, sau này mới biết đó là các cô người mẫu… Văn cũng không hỏi thăm chuyện riêng tư nhà Tím, chỉ biết Tím sống một mình. Mỗi khi ăn cơm xong, Văn đặt cà-mèn ở gốc rào là Tím đem dọn.
Một buổi chiều muộn. Trăng mười sáu còn lấp ló sau rặng tre. Tím đem cơm qua nhà Văn. Anh đang ngồi uống trà ở sân gạch trước nhà cạnh chậu hoa sứ to rực rỡ những chùm hoa đỏ. Văn mời Tím ngồi lại uống trà. Hai người với những câu chuyện bâng quơ. Bất chợt, Văn hỏi Tím có thích trồng hoa sứ không, anh sẽ tặng cô một chậu về trồng. Văn bảo: Sứ rất thú vị, dễ thích nghi điều kiện khắc nghiệt, chịu hạn rất giỏi, càng nắng gắt càng cho hoa sặc sỡ hơn. Tím cười mỉm: “Nhà tôi cạnh bên nên ngắm hoa anh trồng được rồi”.
Câu chuyện cứ vậy xoay quanh cây sứ Thái. Văn kể Tím nghe cây sứ Thái này có thể chiết cành trồng như cách mà Tím hay cắt rau lang dăm cành vậy. Cách làm đó có ưu điểm là cây nhanh phát triển, sớm cho hoa nhưng dáng cây không đẹp, không có bộ rễ như những cây trong chậu đất nung trước nhà Văn. Muốn được cây đẹp như vậy, phải kiên nhẫn trồng bằng hạt. Rồi Văn chỉ cho Tím xem trái sứ. Lần đầu nhìn thấy trái sứ, Tím thấy lạ vì bất kỳ chùm sứ nào cũng là hai trái dài cùng từ một cuống. Văn giải thích thêm khi trái sứ khô sẽ tự nứt ra. Những hạt sứ có dính lớp lông xốp như hạt lồng mứt nếu đem gieo sẽ cho những cây sứ con. Chỉ có những cây sứ lớn lên từ hạt mới có dáng đẹp và bộ rễ độc đáo.
Tím ngồi đó, thỉnh thoảng chen vào một hai câu: Vậy hả anh? Vậy à anh? Để cho Văn không có cảm giác độc thoại.
Thiệt tình Tím cũng thích trồng hoa này, một chậu cũng không tốn diện tích bao nhiêu nhưng cô e ngại xóm giềng nói bắt chước Văn nên còn ngần ngại.
Một năm rồi hai năm. Văn và Tím đã thân hơn. Văn thổ lộ mình từng có một gia đình nhỏ hai vợ chồng cùng nghề. Họ rất hạnh phúc trong những năm đầu của cuộc hôn nhân nhưng rồi anh thấy thiếu vắng vì nhà vắng trẻ con. Văn ao ước có đứa con để vợ chồng cùng chăm sóc. Vợ Văn không nghĩ vậy. Cô thích cuộc sống không vướng bận chuyện con cái. Cô muốn thật thảnh thơi hòa mình vào những bức tranh phong cảnh. Khi cần chỉ xách giá vẽ và hành trang lên đường không có gì ràng buộc… Hai người không cùng chung suy nghĩ đã có cuộc chia tay êm đẹp.
Văn dọn ra ở riêng không đem theo tài sản gì ngoài những chậu sứ Thái. Anh thổ lộ Tím là mẫu người anh nghĩ phù hợp. Tím im lặng. Bối rối. Cô từng một lần dang dở nên hiểu khi chia tay, dù là đàn ông hay đàn bà thì ly hôn cũng để lại những vết thương trong lòng khó có thể nào phai.
Tím cảm mến Văn, cảm giác Văn là người có thể bầu bạn chia sẻ những nỗi buồn, nỗi cô đơn của người phụ nữ đơn thân. Những bữa cơm đem qua nhà Văn ban đầu thuần những món ăn Tím hay nấu để ăn dần dần chuyển sang những món mà Văn thích. Vậy thì lý do gì mà cô còn ngần ngại chưa nhận lời Văn. Hai người ai cũng chạm tuổi bốn mươi, dẫu không còn trẻ trung nhưng cũng chưa phải già cỗi. Văn e ngại lời ngỏ quá đột ngột sẽ làm Tím khó xử. Anh nói thêm khi Tím về qua ngõ là Tím suy nghĩ thêm tôi chờ.
Chiều. Tím ngồi trước sân nhà nhìn qua bên kia rào, Văn ngồi uống trà. Chắc anh chờ câu trả lời của Tím. Hai người đơn lẻ còn ngần ngại gì mà không cầm tay nhau đi suốt chặng đường đời còn lại. Họ đã trải qua những tháng ngày không như ý, hạnh phúc vỡ tan nên sẽ trân trọng cuộc sống sau này.
Tím đem cơm qua nhà Văn. Im lặng như nín thở. Người này đợi người kia cất lời trước. Cuối cùng, Tím đã bật ra những tâm tư của mình. Cảm ơn anh đã dành sự yêu quý cho tôi. Tôi rất tiếc không phải là người có thể đem lại hạnh phúc cho anh. Nếu được xin cứ làm bạn như hiện giờ anh ạ!
Cô đi về để lại cà-mèn cơm.
Nhà bên đóng cửa. Họa sĩ Văn đi biệt mấy ngày không về. Tím lo lắng nghĩ không biết lời từ chối của cô liệu có làm anh tổn thương. Sứ trước nhà vẫn hồn nhiên nở. Ơ kìa! Những chiếc hạt từ trái sứ khô bung ra theo gió bay bay như những chiếc dù lượn. Gió tạt qua hướng nhà Tím mang theo những hạt sứ khô bay qua hàng rào. Đến lúc này cô mới có dịp nhìn rõ hạt sứ. Hai hạt dính vào nhau và có lớp bông mịn xòe ra ở hai đầu. Khi tiếp đất nếu còn sức gió chúng sẽ lăn lăn trên đất như cặp bánh xe được nối bởi trục.
Sự vắng mặt của Văn mấy hôm nay đã có lời giải. Văn đã tìm một ngôi nhà khác để dọn đi. Giống như ngày chuyển đến, xe bán tải chở đi những chậu sứ Thái đến ngôi nhà mới. Văn nói với qua hàng rào: Tím giữ gìn sức khỏe!
Tím ra trước sân nhổ cỏ cho những giồng rau lang. Mấy hôm nay trời mưa, cỏ lên xanh um. Tím nhận ra có cây lạ trong đám cỏ. Trông quen quen. Phải rồi. Cây hoa sứ con nảy mầm từ đám hạt bay qua nhà Tím dạo nọ. Nó cắm sào ở vùng đất này rồi gặp mưa xuống thuận lợi nảy mầm. Tím ước giá như mình có thể dễ dàng sinh nở như cây hoa sứ. Tím chưa bao giờ tâm sự với ai kể cả Văn lý do hai vợ chồng Tím ly hôn là do Tím hiếm muộn dù đã hết lòng chạy chữa. Tím không nhận lời vì sợ Văn thêm một lần nữa thất vọng. Khi đó Tím bàng hoàng biết một lần nữa tình yêu chưa kịp chạm đã vụt khỏi tầm tay nhưng người phụ nữ tuổi bốn mươi ấy biết khéo léo che đi cảm xúc.
Mai này, khi những cây sứ con đó lớn lên, Tím sẽ mua chậu về bỏ vào trồng. Để những lúc nhìn những cặp trái sứ dính nhau như hai người cầm tay không rời hay những lúc những hạt sứ chạy trong gió như hai người nắm tay lướt gió phiêu bồng, Tím thấy mình vui cùng niềm vui trọn vẹn của sứ.
Trương Quốc Toàn