.

Hẹn với xứ Mường

.

Để tiếp cận một nền văn hóa dân tộc thiểu số, tôi thường bắt đầu bằng kiến trúc nhà ở, phong tục ma chay, cưới xin, tín ngưỡng, thói quen canh tác, nghề truyền thống… Trong đó, có một bộ phận rất quan trọng mà nhìn vào có thể phân biệt được ngay đâu là dân tộc X, đâu là dân tộc Y, đó là trang phục, đặc biệt là trang phục nữ.

Một số nhạc cụ của người Mường. Ảnh: T.A
Một số nhạc cụ của người Mường. Ảnh: T.A

Trang phục của nam giới thường khá đơn giản/đơn điệu, và đôi khi hơi khó phân biệt. Nhưng trang phục của nữ giới thì khác. Chưa kể trong trang phục còn có trang phục thường ngày, trang phục lễ hội, trang phục cưới. Nhiều dân tộc, riêng bộ váy áo dành cho ngày cưới chính cô dâu phải chuẩn bị 3-4 năm mới xong, trải qua khoảng trên dưới 40 công đoạn. Nhưng đến khi tiếp cận vào nền văn hóa Mường thì tôi thực sự ngạc nhiên: Trang phục nữ Mường nhìn bề ngoài chỉ có hai màu chủ đạo là đen và trắng, kể cả khăn vấn đầu. Nhưng lại có một bộ phận cực kỳ quan trọng, đó là cái cạp váy.

Phụ nữ Mường mặc một chiếc váy cao tới tận ngực, và dài chấm gót chân. Trong chiếc váy này thì riêng phần cạp ôm trọn cơ thể từ trên ngực xuống đến eo lưng. Tức là ôm trọn phần số đo nữ tính nhất của một cô gái. Trong cái cạp váy lại có đến 3 phần, được gọi là “rang trên”, “rang dưới” và “cao”. 3 phần này được dệt ba lần, rồi nối lại. “Rang dưới” là phần được cho là quan trọng nhất, và nó thường được dệt theo hình một số linh vật, phổ biến nhất là rồng. Để dệt váy áo, trong nhà người Mường phải có hai khung cửi. Một khung cửi thông thường, và một khung cửi đặc biệt, chỉ để dệt mỗi cái cạp váy. Chưa hết, một chiếc cạp váy có thể được lưu truyền từ đời bà sang mẹ, sang cháu gái.

Người ta có thể thay phần thân váy khi nó cũ, rách, nhưng riêng cạp váy thì được giữ lại. Điều đặc biệt nữa là ở một số dân tộc ít người, sau khi dệt xong một miếng vải người ta mới trang trí. Có thể là thêu, có thể là vẽ sáp ong. Nhưng họa tiết trên cạp váy Mường lại được tạo ra từ khi dệt. Màu sắc cũng được tạo ra từ lúc đó. Điều đó đòi hỏi một kỹ thuật dệt rất phức tạp, cầu kỳ, cẩn trọng. Thêu hỏng có thể dỡ ra thêu lại, dệt hỏng thì chỉ bỏ đi. Xưa, ở phiên chợ xứ Mường còn có người chuyên bán cạp váy. Tất nhiên cũng chẳng có nhiều, vì dệt mất công lắm. Vùng Mường Hòa Bình được chia làm 4 Mường, có câu: Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động. Đó là xếp theo mức độ lớn nhỏ của các Mường. Thì trong số này, phụ nữ mường Vang được xem là khéo léo nhất. Cạp váy của mường Vang cũng đẹp nhất, cầu kỳ nhất.

Nghề thủ công của người Mường vốn không được đánh giá cao, nhưng người Mường có một kho tàng truyện cổ, truyện thơ khổng lồ. Đặc biệt là mo Mường. Các ông Mo có thể hát liên tục 12 ngày đêm trong một đám tang. Một bài mo diễn xướng trong 12 ngày đêm, liệu sẽ chứa đựng trong đó bao nhiêu huyền thoại?

Có ý kiến cho rằng, nền văn hóa Đông Sơn đọng lại nhiều nhất, đậm nét nhất, chính ở dân tộc Mường. Tôi đến một nơi gọi là hang Xóm Trại ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình - tức là mường Vang xưa kia, cũng là nơi dệt những chiếc cạp váy đẹp nhất xứ Mường - đó là một di chỉ khảo cổ đặc biệt quan trọng trong quá trình tìm lại được những dấu vết của người Việt cổ cách đây 21.000 năm. Trong quá trình khai quật hang Xóm Trại, các nhà khảo cổ đã có những phát hiện quan trọng. Đó là các hạt quả. Những hạt quả ấy được hái trên những cây rất cao, phải đàn ông mới lấy được. Họ tìm thấy rất nhiều vỏ ốc và dấu hiệu cho thấy đó là việc mà phụ nữ vẫn làm. Phát hiện này làm thay đổi quan niệm “đàn ông săn bắn đàn bà hái lượm” vốn có trong nhiều tài liệu.

Tôi sẽ còn phải quay lại vùng Mường rất nhiều lần, thậm chí có thể sống ở đó nhiều năm. Người Mường có nhiều điểm tương đồng, gần gũi với người Kinh, đặc biệt là tiếng nói. Tiếng Mường có đến 70% giống tiếng Kinh. Ví dụ, tiếng Mường gọi cái váy là “cại wặl”, cái áo là “cại ạo”, cái mũ là “cại mu”, cái yếm là “cại yệm”… Nhưng từ trong sâu thẳm, rất sâu trong đời sống tinh thần, đặc biệt là tín ngưỡng, thì người Mường đã và đang lưu giữ những giá trị đặc biệt, không thể trộn lẫn với bất cứ dân tộc nào, và nó chứa đựng đầy những bí ẩn. Ví dụ như cái cạp váy của phụ nữ Mường cầu kỳ như thế, màu sắc như thế, khác biệt hẳn với toàn bộ trang phục, mà lại không hề được phô phang ra ngoài. Nó bó khít lấy cơ thể, nhưng lại được giấu ở bên trong chiếc áo cánh khoác ngoài. Đây là điều tôi chưa thể nào lý giải nổi. Cũng chưa thấy tài liệu nào lý giải. Tại sao một thứ đẹp đẽ như thế, đẹp đẽ nhất, lại không được phô phang ra mà lại giấu đi thật kỹ? Nó chứa đựng thông điệp gì? Một quan niệm nào đó về cái đẹp, về giới, về đức hạnh… chăng?

Thế nên, tôi muốn có những cuộc hẹn với xứ Mường.

THANH AM
 

;
;
.
.
.
.
.