.

Cây

.

Anh đuổi theo một con sóc.

Vừa thấy nó xuất hiện trên cành cây cách chỗ anh ngồi chỉ tầm 3m, rất nhanh, anh đưa điện thoại lên định chụp một tấm ảnh. Nhưng con sóc còn nhanh hơn, thoắt một cái nó đã chạy vào rừng.

Anh lập tức lao theo. Con sóc nhanh chóng mất hút sau những tầng lá thấp. Bình thường, chưa chắc anh đã đuổi kịp nó, huống gì là bây giờ anh đang phải ngồi dưỡng thương trên xe lăn. Nhưng anh vẫn cứ đuổi theo, thật ra là để lại được cảm giác băng băng trong rừng, như ngày xưa. Khi bác sĩ cho xuất viện, dặn phải nghỉ ngơi tịnh dưỡng cho đến kỳ tháo bột nẹp chân, anh đã nghĩ ngay đến được về với rừng. Lâu rồi anh không có nhiều thời gian để được thong thả nhìn ngắm mặt trời lên lấp lóa phía trên những tàn lá, dạo chơi trên lối mòn vi vút gió hay đọc sách hàng giờ dưới bóng cây.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hồi anh còn nhỏ, mỗi lần về thăm thế nào ông nội cũng dẫn vào rừng. Lúc thì nhặt củi lúc thì hái lá chuối. Nhiều khi là chơi chạy thi với ông nội (anh luôn thua, có mấy lần ông nội giả vờ té lăn quay để nhường anh phần thắng). Rồi hai ông cháu mắc võng nằm, ông nội kể chuyện đường rừng, gió thổi hiu hiu và thế nào anh cũng được một giấc ngon lành. Ông nội nói rừng này ngày xưa có nhiều thú lắm, nhưng anh thì chưa lần nào thấy hươu nai hổ báo. Chỉ nghe tiếng chim, thi thoảng gặp rắn và côn trùng. Hè nào anh về cũng được ông nội kể cho nghe không biết bao nhiêu chuyện thú vị, kỳ bí về khu rừng. Anh nghe hoài không biết chán.

Ấn tượng nhất là lần ông mở đường cho bộ đội lập căn cứ bí mật trong rừng sâu. Có một cái hang mà nhìn bên ngoài cây cối um tùm lối đi chằng chịt quân thù chẳng thể nào biết trước được. Hang bí mật ấy sau ngày giải phóng trở thành di tích lịch sử, mà mỗi lần nhân viên thuyết minh giới thiệu với khách du lịch đều có nhắc đến tên ông, trân trọng như một người dẫn đường đắc lực của rừng. Ông nội cũng hay dạy anh về công dụng của từng lá thuốc, cây nào có lợi cho con người, cây nào độc hại cần phải tránh xa. Anh còn biết cả cách phân biệt cây lâu năm bằng cách nhìn vân gỗ. Anh nghe say mê đến mức thích lớn lên được làm công việc gì đó sẽ gắn với rừng, hoặc là với cây như ông nội.

“Đừng có phá cây của ông nội!”

Mỗi lần róc nhánh cho những cái cây đã già ở khu phố, anh đều nhớ lời nhắc nhở này của ông nội. Cũng không biết bao nhiêu lần anh bị mắng vì tội thích bẻ cây bẻ cành chơi đánh trận giả. Nhà ông nội có một khu vườn rộng lớn trong toàn cây ăn quả. Lại sát bên cánh rừng với cơ man là cây, vậy mà cứ thấy anh bẻ cành là ông nội lại mắng. Ông yêu cây bằng một tình yêu không thể lý giải nổi. Bác Hai kể trước lúc mất, ông nội luôn nói muốn nằm dưới bóng cây. Bác Hai đưa ông về nằm bên cạnh bà nội, trên đất tổ tiên và trồng lên đó những cây bàng tỏa bóng mát rượi. Ông nội hay nói, cái cây cũng có tình. Lòng người có bao nhiêu mệt mỏi muộn phiền, thì về với rừng với cây tự khắc sẽ thấy yên ổn. Lúc anh còn nhỏ, nghe chẳng hiểu được bao nhiêu. Chỉ biết lần nào chạy thi với ông nội trong rừng, anh cũng đều được những trận cười nắc nẻ. Những lúc anh vấp té lăn quay, cả thân người lọt thỏm trong đám lá khô, cứ nằm yên đó nhìn lên những tán cây xanh mát nghe tiếng chim ríu rít lại thấy cảm giác thật tuyệt. Ông nội cũng nằm lăn ra, cù vào người anh. Tiếng cười vang cả rừng. Bây giờ, trở lại cảm giác lao mình trong khu rừng cũ, dù là trên xe lăn khó nhọc hơn nhiều, nhưng lòng anh vẫn rộn rã như gió như mây. Rồi anh như thấy ông nội đang chạy song song, chốc chốc lại động viên:

“Giỏi lắm, cố lên con!”.

Có lúc ông nội lại vượt lên phía trước, quay người chạy thụt lùi và đưa tay về phía anh. Càng đi sâu vào rừng, anh chỉ còn thấy ông nội mà quên mất mục tiêu ban đầu của mình là đuổi theo một con sóc. Nếu chân trái không đau, anh đã vùng dậy chạy bằng hai chân, hẳn là tốc độ sẽ gấp ba gấp bốn lần hồi nhỏ. Hồi đó anh chỉ chạy nổi lượt đi, đến đoạn về nhiều lần phải leo lên lưng cho ông nội cõng. Còn anh ngoắc nghẻo trên đó nhìn ngắm, tiện tay vặt trái rừng.

Hồi đó ông nội không bao giờ cho anh vào rừng chơi một mình. Sợ gặp rắn độc hay thú dữ. Trên nóc tủ nhà ông nội, đến giờ bác Hai vẫn còn giữ nhiều tượng thú rừng ông đẽo bằng gỗ. Bác Hai nói cứ mỗi lần đi rừng nhìn thấy con gì là ông nội về đẽo tượng. Anh thấy tượng hổ, báo, nai, sóc, lợn rừng, rất nhiều chim chóc, sóc, lợn rừng và rất nhiều loài chim. Những tượng gỗ nhỏ thôi nhưng ông nội khéo tay, đẽo gọt từng chi tiết trông rất giống. Bác Hai dành hẳn một chiếc tủ kính chỉ để trưng bày tượng gỗ mà ông nội hay gọi là linh vật rừng. Có người đến ra giá cao để mua cả bộ sưu tập, nhưng bác nhất định không bán. Kỷ vật của ông nội trở thành bảo vật quý giá của gia đình. Bác Hai nói càng về sau này, thú rừng càng vắng đi, ông nội buồn lại đẽo tượng vật nuôi trong nhà. Những năm cuối đời, ông nội chỉ ngồi đẽo heo gà mèo chó.

Thời còn trẻ, ông nội từng là thợ săn. Ông mà vác súng vào rừng là thế nào cũng mang về hoặc heo rừng, hoặc một con hoẵng, cả lồng sóc, rồi chim. Đủ cả. Nhưng sau lần đuổi theo một chú sóc vào rừng cấm, ông nội buông súng, từ đó thờ thú rừng như thờ linh vật. Lần đó, ông cùng đám bạn thợ vào rừng săn sóc. Đi mãi chẳng phát hiện được chú sóc nào, cả nhóm chán nản quyết định quay về. Ngay lúc đó trước tầm mắt ông bỗng có một chú sóc. Ông lùi lại, giương súng lên. Nhưng chú sóc cực kỳ nhanh nhẹn, thoắt bên này, thoắt bên kia. Kỳ lạ là chú sóc không biến mất mà lại có vẻ như chờ ông đuổi theo, như trêu ngươi như đùa giỡn. Chú sóc dẫn ông đi một đoạn rất xa rồi mất hút. Khi ông nhìn quanh quất tìm thì mới phát hiện ra mình đã vượt qua khỏi ranh giới cấm của khu rừng thuộc khu bảo tồn quốc gia. Ông nội vạch lá tìm lối quay trở ra, bỗng phát hiện ngay dưới chân mình là xác của một cô gái. Đôi mắt cô gái vẫn còn mở to nhìn ông. Đợt đó, ai cũng nói nếu không có con sóc kia thì xác cô gái mãi mãi nằm lại trong khu vực rừng cấm không người lai vãng.

Chuyện đó ám ảnh ông nhiều ngày. Người dân mê tín nói con sóc đó chính là hồn cô gái dẫn đường. Vụ án giết người phi tang xác ấy công an đã điều tra làm rõ. Nhưng chuyến đi rừng ấy đã làm thay đổi cuộc đời của ông nội. Ông thất thần ngồi hàng giờ đẽo gọt tượng sóc, mấy ngày đêm không ăn không ngủ. Bà nội lo lắng phải làm lễ mời thầy về cúng. Đêm thứ ba ông nội bỏ đi đâu đó đến nửa đêm trở về, lấy rìu chặt cây súng ra làm đôi và tuyên bố cả đời cũng không săn bắn nữa. Từ đó, ông nội chỉ còn vào rừng lấy mật ong, đốn củi, bẻ măng, tìm nấm mối.

Anh chưa bao giờ đi hết đường rừng đến khu vực cấm, cũng chưa lần nào được ông nội dắt theo mỗi lần tìm mật ong. Ông nội và bác Hai khởi hành từ khi trời còn tờ mờ sương. Bà nội chuẩn bị sẵn một thứ nước thuốc, ông nội nói bôi thứ thuốc đó vào người ong sẽ sợ mùi. Có lần anh tò mò, lẻn theo. Bị ông nội phát hiện, mắng cho một trận. Ông còn nhặt cây rừng dọa đánh anh mới te tái đi về. Mà ấm ức. Một lần anh hoảng hồn khi thấy cả người bác Hai sưng vều nằm nhà mấy ngày vì bị ong đốt. Lần đó bác Hai cũng bôi thuốc nước, nhưng gặp đàn ong dữ đeo bám hàng tiếng đồng hồ. Bác lội xuống suối trốn, nhưng cứ ngoi lên là thấy cả rừng ong vây quanh. Thuốc hết tác dụng, chúng bu vào đốt. Bác Hai gồng người chạy về nhà, lũ ong cũng bay theo đốt bác đến sưng phù. Bác gái lo lắng thức cả đêm không ngủ. Cứ tưởng bác sẽ chết sau trận đó.

Bởi thế mà trong lòng bác Hai luôn tâm nguyện, sau này hai con trai của bác nhất định phải được vào thành phố học hành, làm việc. Mùa hè, hai anh con bác được gửi vào nhà cha má anh tá túc, người đi học năng khiếu vẽ, người trau dồi Anh văn. Chỉ có anh là được gửi ngược về rừng. Ông nội cười khà khà: “Bây làm sao làm, miễn tau có thằng cháu nội dắt đi rừng là được”. Ông nội hay hỏi anh, sau này lớn lên thích làm gì. Anh nói thích làm nghề ở rừng giống ông. Ông cười ha hả, bảo “thằng này được”. Bác Hai cũng cười. Dù rằng sau này anh đã kế nghiệp cha ở công ty xuất nhập khẩu, nhưng anh vẫn nhớ hoài giấc mơ thuở bé. Và cả những ký ức trong veo với rừng. Đó có lẽ là kỷ niệm đẹp nhất mà tuổi thơ anh từng có.

Hồi đó anh từng có lần trốn ông nội đi tìm thú rừng. Anh lẻn đi lúc ông bận bó củi khô thành từng bó. Anh phát hiện ra một lối mòn khác, nhanh chóng rẽ vào và đánh dấu bằng những cây cọc khô. Anh cứ men theo lối mòn quanh co, phát hiện được đôi chim có màu sắc sặc sỡ đang rỉa lông. Ngay cạnh đó là một ổ rơm to. “Tổ chim” - anh reo lên. Quay lại định gọi ông nội đến nhưng tiếng gọi của anh lạc thõng giữa rừng. U u vang vang. Đáp lại chỉ có tiếng lá rì rào. Anh vạch lối tìm đường trở ra. Đi được một đoạn thì gió bỗng nổi lên, mỗi lúc một lớn. Mây đen ùn ùn kéo đến trên đầu. Anh chạy cuống cuồng, nhưng gió đã làm bật hết những cây cọc nhỏ anh làm dấu. Gió xô những hàng cây che khuất hết cả lối đi. Anh bắt đầu hoảng. Anh cứ nhắm hướng mà chạy ngược lại. Vừa chạy vừa hét gọi ông nội. Nhưng chỉ có tiếng gió ù ù bên tai. Anh mếu máo. Anh chạy bất chấp hai bàn chân bị gai cào, tay cũng trầy xước hết cả. Trời bắt đầu đổ mưa. Trong đầu anh chỉ còn những tưởng tượng rùng rợn khiến đôi chân muốn khuỵu ngã. Mỗi một tiếng động phía trước đều khiến anh giật nảy mình, cứ nghĩ một con hổ nấp đâu đó sẽ nhảy xộc ra. Hoặc một tay thổ phỉ nào đó sẽ ngáng đường, rồi bắt anh đi. Chạy được một lúc thì anh nghe tiếng ông nội. Mừng quýnh, anh dừng lại định hướng tiếng gọi. Ông nội đã trèo lên một cái cây cao, dõi mắt tìm. Anh quýnh quáng chạy về phía ông nội, mặt cắt không còn hột máu. Hai ông cháu lật đật chất củi lên xe đẩy, chạy về nhà trong cơn mưa rừng mỗi lúc một xối xả.

Anh về nửa đêm sốt cao, phải vào viện cấp cứu. Sau lần đó, ông nội không cho anh theo vào rừng nữa. Hứa bao nhiêu ông nội cũng lắc đầu, nói anh không ngoan. Bác Hai trách tội, nếu anh có bề gì làm sao ăn nói với cha má anh. Bác Hai gái nói thôi thằng nhỏ không bị sao là tốt rồi. Anh ngồi quật quật nhánh cây gãy xuống đất, mặt rầu rầu. Ven tay anh thâm tím vì bị lấy nhiều máu. Ông nội ngồi ngậm tẩu ở bàn trà ngoài vườn, khói bay thành từng vòng, cuộc xoáy rồi tản ra. Nhìn ông như một gốc cây đại thụ. Anh quên, không nói với ông nội về hai chú chim lộng lẫy.

Đó cũng là lần cuối cùng anh được vào rừng. Năm ấy anh 12 tuổi.

… Xe vấp phải cành khô chắn ngang lối mòn, anh không dừng lại kịp. Té lăn. Anh nằm luôn trên lá khô xào xạc và nhìn ngắm bầu trời. Giờ thì không còn ông nội bên cạnh cù nách rồi xóc dậy, phủi bụi tóc tai quần áo. Rừng bây giờ cũng không còn như xưa nữa. Một vạt rừng bị cháy trụi sau đợt nắng hạn hồi năm ngoái giờ còn trơ gốc. Bác Hai nói cánh rừng phía tây cũng vừa bị san phẳng chuẩn bị cho dự án xây nhà máy. Hồi đó, ông nội nhiều lần vác dao rựa đi nói chuyện với mấy tay thổ phỉ cưa trộm cây rừng. Bà nội bao lần khuyên can không được, cứ để mặc ông. Ông nội không phải kiểm lâm, trong tay không có súng. Nhưng ông nội cũng chỉ giữ được những phần rừng mà giang hồ cát cứ nghe đến tên ông thì nể mặt. Chứ còn cả cánh rừng này, đâu phải của ông. Dự án nhà máy là của nhà nước, nếu ông nội còn sống, muốn giữ cũng chẳng thể nào vác dao vác rựa mà “đi nói chuyện”.

Bác Hai nói vài năm nữa, có thể ngôi nhà ở ven bìa rừng này cũng phải di dời đi, trả lại đất quy hoạch làm đường nhựa về nhà máy. Anh nghe mà buồn. Ngôi nhà này ông nội đã sống cả cuộc đời. Hai anh con bác Hai không nối nghiệp săn ong, nhưng bác vẫn giữ ngôi nhà này như thời còn ông nội, thờ ông, thờ cả những linh vật của rừng. Anh đã nghĩ đó sẽ là nơi mà những đứa trẻ như anh khao khát được tìm về. Rồi các con, các cháu của anh sau này sẽ có những mùa hè đẹp như thời của bố. Để mà còn được biết, được yêu quý mảng xanh thanh bình này. Nhưng sự sống và những cuộc tiếp nối, chừng như luôn phải có những điều tất yếu phải mất. Sự phát triển nào cũng có một mặt tàn lụi song hành. Còn con người, chỉ có thể chấp nhận. Phải vậy không? Ông nội, nếu còn sống không biết ông sẽ nói với anh những gì. Có giống như ngày mà ông ngồi dỗ anh khóc tấm tức chỉ vì cây vú sữa sai quả nhất vườn nhà ông sau cơn lũ về đã bị thối gốc rồi chết đi. Anh khóc đơn giản vì tiếc mùa sau về không còn được hái vú sữa để ăn. Ông nội hứa trồng lại cây mới. Cây vú sữa được trồng lại sau này khẳng khiu. Sau khi ông nội mất thì cây cũng héo khô rồi chết. 

Anh đã nhìn thấy vạt rừng bị san phẳng. Tự nhiên mắt anh cay. Hồi đó mỗi lần trồng thêm một cái cây trong khu vườn, ông nội đều dạy anh cách chăm bón, nâng niu từng cái cánh cái lá. Ông nội nói có cây là có sự sống, có hy vọng. Nhìn một cái cây nảy mầm, đâm chồi lớn lên, anh thấy được giá trị kỳ diệu của vạn vật, của vũ trụ này. Anh đã từng chảy nước mắt nhìn con đường trống đến bơ vơ khi hàng trăm năm bị đốn hạ để xây ga tàu điện ngầm trong thành phố. Nhựa cây như máu. Những đường vân gỗ như đôi mắt của ông nội đang nhìn anh. Buồn bã.

“Đừng phá cây của ông nội” - ông nội mất rồi, còn ai nói với anh những lời này. Còn ai nói với đời những lời này. Khu mộ ông nội đang nằm. Những cái cây im lìm xanh mát. Trông xa như dáng hình của những người già ngồi trầm ngâm trong chiều. Buồn bã, xa xăm. Anh thở dài, chợt nghe trong lòng mình dội về một câu hỏi từ lòng đất:

“Người chết còn cần cây, mà sao người sống lại không cần?”

Ông ơi…

BÙI TIỂU QUYÊN

;
;
.
.
.
.
.