.

Nhớ tiếng cơm sôi

.

Có những thanh âm bình dị, thường nhật chẳng ai buồn để tâm, thương nhớ. Vậy mà, khi không còn được nghe thanh âm ấy thì chợt nhận ra đó là nỗi nhớ niềm thương để những người xa quê tựa vào. Có ai xa quê mà không ngóng vọng về quê hương bằng những âm thanh giản đơn mà ấm áp như tiếng cơm sôi quen thuộc trên bếp lửa than hồng mỗi ngày mẹ thường nấu ta ăn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đứa trẻ nào sinh ra từ mái tranh, gốc rạ, bờ đê, chắc không lạ gì âm thanh tiếng cơm sôi trên bếp. Ngày nhỏ, trẻ con đâu biết đến sữa lon, chỉ cần một tô nước cơm thêm tí đường đã mừng rỡ. Lớn lên một chút, mỗi khi chơi đùa chán chê, bọn trẻ thường chạy về ngóng chờ nồi cơm sôi trên bếp. Với đứa trẻ quê, ngoài bạn bè và những trò chơi quen thuộc ở đồng làng, gian bếp nhỏ với mùi khói bếp, với tiếng cơm sôi sùng sục trên than hồng chính là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm tuổi thơ nhất.

Mỗi lần nhớ tiếng cơm sôi, tôi lại nhớ bóng hình mẹ trong ngôi nhà bằng gỗ dưới chân đồi, nhớ về căn bếp củi lủng lẳng nồi niêu, xoong chảo nhưng là nơi tôi cảm thấy thân thuộc nhất. Ở đó, mỗi ngày mẹ vẫn ngồi nhóm củi, hì hụi thổi lửa nấu cơm. Tuổi thơ tôi lớn lên với những bữa cơm mẹ nấu. Ngày nhỏ, mỗi lần đi đâu về, chỉ cần đặt chân đến ngõ, ngửi thấy mùi khói bếp thơm nồng nghi ngút bay lên quyện trong những ngọn tre đầu làng, tôi đã hớn hở chạy vào nhà, kiếm tìm bóng dáng mẹ. Những lúc ấy, dù chưa thấy mẹ, nhưng chỉ cần nhìn nồi cơm đang sùng sục sôi trên bếp, tôi đã có cảm giác yên tâm rằng mẹ đang ở quanh đây. Tôi vẫn thường nhớ dáng mẹ bên bếp lửa hồng, kế bên là nồi cơm đang sôi sùng sục. Thi thoảng khói bếp làm mắt mẹ cay xè, mồ hôi đẫm trên trán nhưng nụ cười bao giờ cũng hiện diện trên môi…

Sau này, trong những chuyến đi xa, mỗi khi nhớ về mẹ, tôi thường tự hỏi mẹ đang làm gì ở nhà thì hình ảnh cùng âm thanh quen thuộc của nồi cơm đang sôi sùng sục trên bếp lại hiện về trong tâm trí tôi. Tôi đã mang theo bóng hình của mẹ, mang theo mùi khói quê, bếp lửa hồng, nồi cơm củi, mang theo tâm hồn của một kẻ nhà quê đến phố để ấp ôm trong những đêm cô đơn. Có lẽ vì thế mà khi đọc những câu thơ dung dị của nhà thơ Nguyễn Hữu Quang, lòng tôi vô cùng đồng cảm:

 “Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”

 Tiếng cơm sôi! Âm thanh tưởng chừng giản đơn ấy, thật lạ cứ gợi nhắc tôi nỗi nhớ về mái nhà xưa và những bữa cơm gia đình đầm ấm, về nơi chốn luôn đợi chờ tôi trở về. Trong những chuyến đi của mình, tôi vẫn thường ngửi thấy mùi khói bếp, thấy những bữa cơm đoàn tụ của một gia đình nào đó mà nghĩ giờ này ở quê chắc mẹ cũng đang thổi lửa nấu cơm. Tôi nhận ra không ai có thể sống với những bữa ăn hàng quán mà cảm thấy vui. Xa quê mới thấu hiểu mỗi nhớ mong một bữa cơm mộc mạc. Chỉ cần bát canh rau, chén cà dầm và quả trứng gà ta… đã thấy ấm lòng biết bao.

 Ngày nay, với sự tiện nghi hiện đại, nhà nào cũng có sẵn một nồi cơm điện, âm thanh một tiếng cơm sôi sùng sục trên bếp than hồng trở nên hiếm hoi. Nhưng trong ký ức của những người lớn lên bằng những hình ảnh rất mực đời thường ấy, âm thanh tiếng cơm sôi trên bếp than hồng nghi ngút khói vẫn mãi tồn tại trong tiềm thức. Với những người sống xa quê như tôi, bữa cơm gia đình đầm ấm cạnh bếp lửa than hồng bao giờ cũng là niềm mong mỏi. Mỗi khi nghe đâu đó cất lên câu hát quen thuộc: “Khói bếp cay mắt mẹ già, cơm nấu xong rồi, mấy đứa về ăn bữa cơm…”, mắt tôi bỗng dưng cay xè. Nơi này, liệu có ai đang chờ cơm tôi?

TRẦN NGUYÊN HẠNH



 

;
;
.
.
.
.
.