Ngôi nhà năm gian theo kiểu xưa nằm nép bên khu vườn xanh mát, có cây bưởi đòng đưa những trái chín vàng ươm ngay lối dẫn vào nhà. Đây là lần thứ năm Hạ quay lại một địa điểm du lịch. Hạ vẫn có thói quen đi về nơi đã đọng lại trong lòng mình nhiều cảm xúc, chứ không có nhu cầu đến một nơi nào đó chỉ để tạo hình, làm dáng, khoe với bạn bè trên thế giới ảo. Thế giới thật của một cô gái sống nhiều tình cảm như Hạ luôn cần cảm xúc, và cô trân trọng điều ấy.
Minh họa:HOÀNG ĐẶNG |
Lần đầu tiên đến ngôi nhà cũ này, Hạ nhận thấy dường như được trở về ngôi nhà ngày xưa của ngoại. Căn nhà nằm bên bến sông nho nhỏ. Nơi mỗi sáng thức dậy trong chăn ấm, Hạ đã ngửi thấy mùi ngô khoai nướng, mùi bánh rán hay một món ngon nào đó đang đợi mình phía bếp. Nơi mở cửa ra, lại thấy khu vườn ngời lên màu xanh sức sống, điểm thêm màu vàng hoa cải, màu đỏ hoa hồng…
Bốn phía có mùi hương xưa thi thoảng gợi lên theo những thớ gỗ, theo những vệt khói lăn tăn bay trong nắng sớm tựa như những hạt bụi dát bạc lung linh. Vì những điều giản đơn ấy mà Hạ chọn căn homestay này để dừng lại chứ không phải những căn nhà khác có vẻ tiện nghi hơn trong khu làng du lịch sinh thái có tiếng này.
Cô Huệ, chú Tùng chủ nhà tuổi ngoài 60. Họ trông trẻ hơn nhiều so với tuổi, nhất là khi Hạ tình cờ nhìn thấy chú dội nước gội đầu phụ cô, khi họ chở nhau cùng ra chợ sớm, ríu ran trên chiếc xe đạp, cùng nhau vào bếp nấu nướng hộ những người khách du lịch bữa ăn quê. Gốc bưởi trước nhà cũng do chú mang đến trồng tặng cô những ngày còn qua lại tìm hiểu và lỡ yêu một người con gái thích gội đầu với hoa bưởi và bồ kết… Những hình ảnh ấy trong mắt Hạ đẹp hơn cả những trang văn tình cảm sướt mướt mà cô vẫn đọc.
Cô chú nhận ra Hạ ngay sau lần thứ hai quay lại ngôi nhà. Vì thế, đến lần thứ ba, thứ tư, Hạ như một người thân đi xa quay về chốn cũ. Họ vui một, Hạ vui mười. Là vì, căn nhà gỗ cũ của ông ngoại, nơi Hạ từng coi là chốn về thương quý nhất của mình đã bị cậu mợ dỡ bỏ để xây nhà tầng từ rất lâu rồi, bỗng dưng một ngày kia, lại gặp lại chính không gian ấy ở căn nhà này, như gặp lại chính tuổi thơ đẹp tươi của mình.
Nhưng, lần trở về thứ năm này, cô chú chủ nhà dường như không hoan nghênh sự có mặt của Hạ. Họ định quay đi sau câu từ chối nhà đang có việc nên không tiện nhận khách. Hạ kịp nhận ra sự áy náy trong ánh mắt cô chủ. Trời đã tắt nắng, vừa kịp lúc để Hạ có một cái cớ hợp lý để xin ở lại một đêm.
*
Hạ thức dậy khi những tia nắng đầu xuân đã rải đều trên mái ngói. Rặng cau trước nhà ngờm ngợp màu xanh ngọc và những thửa rau xanh tắm nắng ban mai nhung mịn. Vậy mà trong nhà buồn, lạnh.
- Phải chi con Huyền đừng về quê, nó ra trường cứ ở lại thành phố, kiếm một công việc làm tàm tạm, một tấm chồng tử tế, đời nó bớt khổ - cô Huệ nói câu ấy cả một trăm mấy chục lần.
Hạ vờ như vẫn còn đang ngủ nướng dù tiếng chim gù, tiếng gà gáy đã thức cô dậy từ lâu. Không xa nơi đó, Huyền giấu mình sau tấm rèm dệt thổ cẩm, dựa lưng vào bức tường ẩm mùi rêu. Cố nhớ, cố nghĩ những gì đã qua người khác đang nói về mình mà chẳng thể nào moi ra được một chút gì để nhớ. Không đau đầu, không bức bí sao được.
Huyền chỉ nhớ cái khoảnh khắc ám ảnh tột cùng, khi chiếc thuyền bé xíu của mình chẳng hiểu sao lại lọt vào lòng nước xoáy. Cái vùng cửa biển này, cô thuộc nằm lòng từ bao giờ, thế mà bỗng dưng xuất hiện nước xoáy. Mấy người vạn chài gần đó khẳng định Huyền cao số, cỡ thuyền ấy, người ấy, mà gặp xoáy ấy thì lẽ ra đã đi chầu hà bá ngay. Thế mà Huyền tỉnh lại, sau một ngày rưỡi mê man tưởng chết. Cũng sau khoảng thời gian một ngày rưỡi ngắn ngủi ấy, Huyền quên ráo tất cả quá khứ. Cuộc đời Huyền cứ như thể bắt đầu từ lòng nước xoáy.
Thông đến, tay cầm ly nước nho quen thuộc. Câu đầu tiên Thông nói với Huyền mỗi khi gặp mặt luôn là: “Em uống đi, nước nho ép rất tốt cho phục hồi trí nhớ”. Chẳng biết có đúng vậy không khi quá khứ của Huyền vẫn mịt mù xứ nào. Đã gần hai tháng, Huyền đã uống 54 ly nước ép nho. Uống vì thích vị nho thanh ngọt, vì sự chất phác, thiệt tình của Thông, và cũng vì hy vọng mong manh rằng quá khứ đi lạc kia có thể sớm quay lại như Thông nói.
Cuối cùng, Hạ cũng hiểu được lý do cô không được chào đón khi quay lại lần thứ năm này. Lẽ ra sẽ qua nhà khác trọ lại, nếu muốn tiếp tục hành trình hoặc quay về thành phố như ngày hôm qua đã nói với cô Huệ, nhưng sáng nay, khi tình cờ nhìn thấy Huyền đứng thơ thẩn kế bên hàng cau trước hiên nhà, Hạ tiếp tục năn nỉ ở thêm một ngày cuối tuần nữa. Lần trước về đây, Huyền đã chèo thuyền chở Hạ đi chơi lênh đênh suốt buổi trên sông. Huyền thông minh, hồn nhiên, đáng yêu vô cùng chứ không ngây ngô như bây giờ. Ánh mắt âu lo phiền muộn của cô Huệ, vẻ mặt đờ đẫn của Huyền dường như không thể ý thức gì về mình… Tất thảy điều ấy lạ thay khiến Hạ muốn ở lại trong nhà thêm, sẻ chia những buồn vui cùng họ.
*
Thông là người duy nhất ở bên Huyền mỗi ngày, ngoại trừ bố mẹ. Có khá nhiều bè bạn khi tới thăm, òa khóc khi Huyền chẳng thể nhớ ra điều gì về mình. Nhưng rồi, chỉ sau 2, 3 lần quay lại, thấy không biến chuyển gì hơn, họ ít đến dần. Chỉ Thông vẫn kiên trì, xin nghỉ việc ở Sài Gòn, kiếm tạm một việc ở quê để ngày ngày có thể nhẫn nại kể Huyền nghe những câu chuyện nho nhỏ, vui vui về Huyền. Những câu chuyện ấy, bác sĩ điều trị nói rằng có thể giúp Huyền thoải mái, có tâm trạng tích cực trong việc phục hồi trí nhớ hơn những chuyện buồn phiền, phức tạp.
Nhưng rồi sáng nay, khi Thông rủ Huyền đi dạo dọc sông Hoài, chủ yếu để nhắc cô biết hoa bưởi đã rộ nở thơm lừng ven sông thì Huyền bỗng chạm tới một chuyện phức tạp. Bất ngờ, Huyền hỏi:
- Thông, từ trước tới giờ Thông yêu Huyền hả?
Thông giật mình, ừ hử như ngậm miếng gừng cay rát trong họng không nói được. Huyền nhẹ nhàng kể:
- Hôm qua Huyền xem bộ phim Hàn Quốc, thấy người ta nói yêu nhau thì vì nhau, hy sinh cho nhau. Mà Thông hy sinh cho Huyền thật, vì Huyền thật. Thông bỏ lỡ cơ hội công việc tốt trong Sài Gòn để ở đây lo không công cho Huyền.
Thông phì cười trước cách lập luận có cái này rồi có cái kia lại sến sệt tin theo phim Hàn Quốc như suy nghĩ của cô gái mới lớn của Huyền. Song, Thông im lặng, như thể cục gừng vẫn ứ nghẹn ở họng.
- Mà Thông à, lạ lắm, thi thoảng Huyền chập chờn như mơ, nghĩ tới ai đó.
Thông lại giật mình cú nữa. Mấu chốt phức tạp là đây. Là “ai đó” mà bố mẹ Huyền luôn nhắc Thông không được nhắc tới.
- “Ai đó” là… ai?
- Không rõ. Người đó cao, trắng, chứ không như Thông.
Thông cười gượng. Phải rồi. Cao, trắng, sao như Thông được. Người ta là dân da trắng, Tây mà. Có cục tự ái bỗng chốc cồm cộm nảy lên trong ngực Thông.
Mùa hè cách đây ba năm, Huyền tranh thủ nghỉ hè chèo thuyền đưa khách tham quan dọc sông Hoài. Anh Tây chỉ là một trong cả trăm, ngàn vị khách nhưng chẳng hiểu sao họ lại có thể yêu ngay nhau được. Như thể phim ảnh người ta nói là yêu từ cái nhìn đầu tiên. Anh yêu Huyền, yêu hết thảy những gì gần gũi với Huyền, từ dòng sông, khu vườn, ngôi nhà gỗ mộc… đều khác hẳn kiến trúc đô thị nơi anh sinh sống. Vì tình yêu mộc mạc ấy, anh sẵn sàng bỏ Paris để về mảnh đất quê cùng Huyền. Những điều như thế trước đây chưa từng xuất hiện trong cuộc đời anh.
Họ đã hò hẹn mùa xuân này sẽ cưới nhau. Mùa xuân này sẽ chung tay trồng thêm những gốc bưởi trong vườn nhà để tạo nét đẹp thêm cho căn nhà mà họ yêu thương, gắn bó. Huyền từng kể Thông nghe giấc mơ về đám cưới của Huyền, có thuyền hoa trôi bềnh bồng thành cả hàng dài trên sông. Sẽ có hương hoa bưởi ngan ngát tỏa lan theo sóng nước. Anh Tây ấy, sau lời hứa ngày ra trường sẽ trở lại đám cưới và đón Huyền qua Paris, lâu rồi bặt vô âm tín.
Trong khi đó, Thông theo đuổi cả chục năm mà Huyền chỉ coi Thông như bạn thân. Giờ này, khi Huyền quên béng hết mọi thứ, quên luôn tình cảm bền bỉ Thông dành cho Huyền mà vẫn nhớ tới cái “ai đó” cao, trắng… Hỏi Thông không tự ái, không buồn sao được.
*
Cốc nước ép nho thứ 98 vẫn kiên trì trên tay Thông mỗi ngày trao cho Huyền sau những viên thuốc đắng nghét cô uống theo chỉ định. Thông vẫn thường rủ Huyền chèo thuyền giữa hương hoa bưởi ngan ngát, kể lể những câu chuyện vui vui thư giãn.
Sáng nay, Huyền làm Thông bất ngờ khi tự đưa tay ngắt một cành hoa bưởi cuối mùa hít hà rồi hỏi:
“Hồi nhỏ, Huyền hay nhờ Thông trèo hái bông bưởi để gội đầu nhỉ?”. “Ai nói với Huyền vậy?” - “Tự biết chứ, cần gì ai nói”. Như để minh chứng thêm, Huyền thao thao thêm vài câu chuyện xưa lắc xưa lơ. Vẻ mặt Huyền có vẻ căng thẳng khi trò chuyện, như thể sợ có thể bất cứ lúc nào những câu chuyện ấy lại trôi tuột đi đâu đó mà cô không thể kiểm soát. Trong khi đó, mặt Thông rạng rỡ, anh hét lớn vang cả mặt sông: “Oa…a…a…”.
Huyền nói, Huyền cũng đã nhớ ra ngay lập tức “ai đó” cao to, da trắng là ai rồi. Nếu người ta muốn ở lại Paris thì cứ để người ta ở lại luôn, Huyền không tìm kiếm, hỏi han chi nữa. Năm hết, Tết cũng đến rồi, Thông tính nói với Huyền chắc người ta đã quên lời hò hẹn đám cưới mùa xuân rồi, năm mới, mình tính chuyện cưới nhau đi. Nhưng rồi nhìn vẻ mặt Huyền như giấu chút buồn, giấu chút hy vọng, giấu chút mỏi mòn, Thông không đành lòng.
Anh chàng đến từ Paris quay lại. Khi đi sửa đồng hồ đầu phố, Thông lập tức nhận ra anh ta đang ngơ ngác dò dẫm bản đồ trên con phố cổ. Giáp mặt một lúc anh ta mới nhận ra Thông, mừng rỡ theo Thông thẳng tiến tới nhà Huyền. Khi Thông bực dọc hỏi, chừng đó tháng Huyền bệnh, chừng đó tháng Huyền chờ mà sao chẳng thấy cái bản mặt nhà anh, anh chàng khổ sở thanh minh: “Cũng chừng đó ngày mẹ tôi bị tai nạn giao thông, tôi phải chăm bà khỏe lại đã”. Thông thấy mắt mình cay xè, chẳng hiểu vì sao.
*
Ngày đám cưới Huyền, một ngày xuân mới. Thông phải cố gắng mới kiếm ra được vài chùm hoa bưởi để treo đầu thuyền. Chẳng biết trong dòng thuyền hoa dập dềnh trải dài trên sông, Huyền có nghe mùi hương bưởi lặng lẽ hiến chút hương thầm. Mà thôi, điều ấy quan trọng gì, vì dầu sao Thông cũng thấy lòng mình hạnh phúc khi nhìn mặt Huyền tươi hớn hở trong nắng hồng mùa xuân.
Ngày cưới Huyền, có một người phụ nữ trẻ chẳng ruột rà chi bỗng dưng rơi nước mắt. Nước mắt của nỗi niềm hạnh phúc ấm nồng lan trên má. Cô nghe mùi hương bưởi cuối mùa nhẹ lan trong nắng sớm vừa lên. Đưa mắt tìm quanh, chợt cô gặp ánh mắt thật hiền của Thông. Là Hạ, người đã lỡ yêu một vùng quê vốn không thuộc về mình nhưng chẳng biết tự bao giờ đã gắn bó trong tâm hồn. Lần này, lần thứ mười Hạ quay lại ngôi nhà này, không phải là một người khách tìm tới một homestay, mà là một người bạn vì thương mến mà tìm về.
VÕ THU HƯƠNG