Một sáng cuối tuần, mở rèm nhìn ra khung cửa sổ để những ngọn gió êm ái lùa vào phòng, thả hồn trôi chầm chậm cùng tiếng chim véo von ríu rít, bản nhạc cũ êm tai và cây lá ngoài ban công thì thầm khe khẽ.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Làn gió cuối đông đã không còn se sắt, tái tê mà trở nên đằm thắm, chỉ vừa đủ lành lạnh, trong màu nắng thủy tinh mỏng tang, phớt lên những mái nhà ngói đỏ, những mảng tường rêu, dây phơi áo quần lả lướt bay trong gió. Không khí ấy như báo hiệu rằng Tết đang về gần, một năm nữa sắp trôi qua cùng bao tiếc nhớ. Giữa guồng quay tất bật của những ngày cuối năm, có khi nào bạn chậm lại một chút để lắng nghe? Lắng nghe dòng chảy thời gian, những đổi dời của đời sống, lắng nghe từng nhịp đập yêu thương và lắng nghe chính trái tim mình.
Cuối năm, có những chiều bước đi giữa dòng người trên phố, thấy lòng chênh chao. Hơi lạnh như chất xúc tác níu người ta chùng xuống giữa những khoảng lặng không tên. Một năm mải miết xuôi ngược, ta từng nở trên môi những nụ cười thiện lành, ấm áp, khóe mắt cũng từng lăn dài những giọt nước mắt âm thầm trong xót xa khắc khoải. Có những đêm dài gói cả vầng trăng vào nỗi nhung nhớ xa xưa. Có những thổn thức ứa nghẹn không dễ phai nhòa, những đau đáu hình bóng quê nhà ẩn chứa trong tim đứa con xa xứ.
Có người vừa đến, có người rời đi, có người xa mãi… Cuộc đời dài rộng luôn là những trạm dừng, và ta hàm ơn những người đã ghé vào cuộc đời ta, lặng lẽ đi bên ta, dõi theo ta, thắp ngọn lửa tâm tình dịu vợi, trao cho ta bao mến thương chân thành.
“Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa” (Trịnh Công Sơn). Cuối năm, chỉ muốn nói lời thứ tha tất cả, bao dung tất cả để bình yên nở một nụ cười chào năm mới. Như lời mẹ dạy trước lúc ta khăn gói xa nhà, hãy lương thiện, tử tế với cuộc đời. Năm tháng vô thường, trái tim mình ngoài những ấm áp yêu thương, những ân tình vời vợi thì không đáng cho sự có mặt của ích kỷ, đố kỵ, xấu xa.
Hạnh phúc đôi khi ở rất gần ta, những niềm vui bình dị góp nhặt dọc đường cũng khiến mình không thấy lẻ loi, và cuộc đời đôi khi đáng yêu vô cùng. Cúi xuống để ngắm đóa hoa dại khiêm nhường ven lối nhỏ, ngước nhìn lên mơ mộng cùng vầng mây trắng trên cao, trở về nhà nhận một cái ôm ấm nồng từ mẹ, ánh mắt an lòng của cha, mùi dầu gió thân thuộc lưng bà… Ta chỉ cần vậy thôi, khi yêu thương được cất tiếng, trái tim mình không có chỗ cho những phù phiếm, sân si.
Cuối năm, tiếng còi tàu đã không còn xa để gióng giã vang lên cho một chuyến trở về. Câu hỏi thường trực: “Ngày mấy con về?” của mẹ khiến lòng ta khấp khởi, xốn xang đợi ngày về. Và ta biết ở quê, cha mẹ cũng đang bấm đốt ngón tay tính từng ngày con về.
Trở về nhà để được nghe tiếng lục bục củi bếp, tiếng nước sôi đun trên lò, tiếng mẹ quét lá xao xác ngoài hiên, tiếng bà mắng yêu con mèo nhỏ, tiếng cha ngân một câu vọng cổ, tiếng của Tết đang đến gần, để vơi bớt bao canh cánh nhớ thương đã qua, đã từng “nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà” nơi đất khách. Trở về, ta chỉ muốn cả ngày quấn quýt bên mẹ như chú chim non không bao giờ lớn, ngồi cạnh mẹ thái cà rốt, củ kiệu muối dưa; vo nếp, khuấy bột đổ bánh in, bánh thuẫn. Thủ thỉ cùng mẹ bao điều của một năm xa nhà, cay mắt nhớ những mùa Tết cũ có dáng hình của những người đã mãi đi xa. Ta nhớ quê ngay cả khi bàn chân đang đứng giữa góc quê yên bình. Ở nơi này, ta mới thực là ta. Mọi bão giông đã lùi xa để ta được hòa mình trọn vẹn từng khoảnh khắc với quê, với những dấu yêu từ lâu ta xem như là máu thịt. Trở về, vừa đến ngõ nhà đã bồi hồi gọi mẹ. Ta xa mẹ bao năm, mà lần trở về nào cũng vẹn nguyên một nỗi rưng rưng, nghèn nghẹn như ngày mới xa nhà.
Mới đó mà đã cuối năm rồi. Và ta chỉ muốn nói với cuộc đời một lời: Cảm ơn…
TRẦN VĂN THIÊN