.
GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Hội đồng Hiến pháp bảo đảm tính thống nhất hệ thống pháp luật

Qua nghiên cứu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi nhận thấy, tại Điều 120 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên.

Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Hiến pháp và số lượng, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng Hiến pháp do luật định.

 Đây là một quy định hoàn toàn đúng đắn bởi trên thực tế hệ thống pháp luật ở nước ta vẫn còn bộc lộ một số bất cập, chồng chéo nhất định, chưa tạo tính ổn định và thống nhất. Trong khi đó, chức năng của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp chưa được xác định một cách rạch ròi, đúng bản chất. Trên thực tế trong Hiến pháp năm 1992 hiện hành cũng có những quy định chung về giám sát Hiến pháp. Tuy nhiên, lại có khá nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền bảo đảm thi hành Hiến pháp, kiểm tra, giám sát và xử lý các văn bản pháp luật trái Hiến pháp, trong đó Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao. Thực tiễn trên cho thấy, cơ chế này đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều thiết chế quan trọng trong việc giám sát và bảo vệ Hiến pháp hầu như không được áp dụng. Trong cuộc sống xã hội, việc vận dụng pháp luật có lúc, có nơi vẫn còn tùy tiện, chủ quan, chưa đồng bộ và thống nhất tuyệt đối.

Theo tôi, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 một cách toàn diện để hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện, triệt để và đi vào chiều sâu sẽ tiếp tục góp phần khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; thực hiện công bằng xã hội; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới... Với ý nghĩa to lớn như thế, việc bổ sung những quy định mới tại Điều 120 của Dự thảo Hiến pháp góp phần làm cho hệ thống pháp luật của Việt Nam bảo đảm tính thống nhất và chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tế của đất nước và xu thế phát triển trên toàn thế giới.

Luật sư ĐỖ PHÁP (V.D ghi)
 

;
.
.
.
.
.