Thực hiện Nghị quyết số 38/2012-QH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 2-1-2013, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để lấy ý kiến nhân dân. Trên tinh thần đó, tôi đã nghiên cứu bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, xin góp ý một số điều khoản cũng như những quan điểm chung mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã thông qua.
I- Phần đánh giá chung
1- Về quan điểm
Hiến pháp là đạo luật cơ bản, là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng của đất nước, là thể chế hóa đường lối của Đảng mà cụ thể là thể chế hóa các văn kiện của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Cương lĩnh bổ sung phát triển đã thông qua Đại hội lần thứ XI của Đảng. Điều đó nói lên sự tuân thủ các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI và Cương lĩnh bổ sung phát triển của Đảng, tuy cụ thể hóa nhưng không thoát ly các văn kiện của Đảng, không xa rời bản chất, các quan điểm văn kiện của Đảng.
2- Về Hiến pháp năm 1946
Ngày 2-3-1946, Quốc hội họp phiên đầu tiên bầu Ban dự thảo Hiến pháp gồm 11 người: ông Trần Duy Hưng, ông Tôn Quang Phiệt, ông Đỗ Đức Dục, ông Cù Huy Cận, ông Nguyễn Đình Thi, ông Huỳnh Bá Nhung, ông Trần Tấn Thọ, ông Nguyễn Cao Hách, ông Đào Hữu Dương, ông Phạm Gia Đỗ, bà Nguyễn Thị Thục Viên
Tất cả đều là những người trí thức đại diện cho các Đảng phái khác nhau (như Phạm Gia Đỗ là thành viên Quốc dân Đảng, tức là Việt Quốc).
Ngày 2-11-1946, bản Dự thảo Hiến pháp được công bố trước Quốc hội. Ông Đỗ Đức Dục là người thuyết trình, đại diện các Đảng trong Quốc hội có ý kiến đánh giá và phản biện: Ông Hồ Đức Thành đại diện Việt Nam cách mạng đồng chí hội, tức là Việt Cách; ông Hoàng Văn Đức đại diện cho nhóm dân chủ; bà Lê Thị Xuyến đại diện cho nhóm xã hội; ông Nguyễn Đình Thi đại diện cho Việt Minh; ông Trần Văn Dung đại diện cho Việt Quốc; ông Trần Huy Liệu đại diện cho nhóm Macxit.
Quá trình tranh luận để thông qua Hiến pháp diễn ra quyết liệt và dân chủ, căng thẳng nhất là quyết một viện hay hai viện (Thượng nghị viện, Hạ nghị viện). Cuối cùng phần đông đại biểu tán thành một viện (nghị viện nhân dân tức là Quốc hội).
Qua phân tích trên, Hiến pháp năm 1946 phù hợp với hoàn cảnh lịch sử vì có nhiều Đảng phái (đa đảng) nên phải tôn trọng ý kiến lẫn nhau, để tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân, nhằm chống thù trong giặc ngoài. Nên có ai đó cứ bám vào Hiến pháp 1946 thì chỉ đúng trong giai đoạn, trong điều kiện lịch sử cụ thể lúc bấy giờ chứ hiện nay phải điều chỉnh bổ sung và phát triển.
3- Về kỹ thuật lập pháp
Phải hết sức ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, tôi có cảm nhận, Hiến pháp lần này chúng ta giải thích, phân tích, giải trình nhiều nên dài và khó nhớ. Hiến pháp năm 1959 dài hơn năm 1946; 1980 dài hơn 1959; 1992 dài hơn năm 1980, bản Hiến pháp mới này dài hơn 1992. Tuy từng văn bản có số điều bằng nhau, những ngôn từ, ngữ cảnh nhiều hơn, dài hơn, làm sao chữ ít nghĩa nhiều, đảm bảo tính hiệu lực nhưng ổn định lâu dài.
II- Góp ý những điều cụ thể
Chương I: Chế độ chính trị
Điều 1: Nên giữ nguyên Điều 1 của Hiến pháp 1992. Điều 1 của Hiến pháp xác định chủ quyền, lãnh thổ của một quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển, vùng trời. Dự thảo không ghi từ “các” là thiếu.
Điều 2: Đoạn cuối dự thảo “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, sự phân công phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, kiểm soát quyền lực là nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền để các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thực thi có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Hiến pháp và pháp luật, tránh việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực. Những kiểm soát là nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn đối với việc thực thi pháp luật của các cơ quan Nhà nước. Ba cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp không kiểm soát lẫn nhau. Đề nghị thay bằng từ “giám sát”.
Điều 8, khoản 2: … Câu cuối “chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tham nhũng trong hoạt động kinh tế, xã hội và quản lý Nhà nước”.
Lãng phí nếu đặt liền kề với tiết kiệm chỉ nói lên lãng phí do thực hành không tốt tiết kiệm. Thực trạng hiện nay, lãng phí gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, không còn ở mức độ thiệt hại vật chất đơn thuần mà là tội ác đối với nhân dân, như: thu hồi quy hoạch đất sản xuất lúa làm khu công nghiệp, sân golf, nhưng bỏ hoang, không khai thác, lãng phí hàng trăm nghìn tỷ đồng, hàng trăm nghìn ha đất lúa mà ông cha ta đã khai hoang, vỡ hóa hàng nghìn năm nay.
Tham nhũng khiến cho uy tín của Đảng bị giảm sút, lãng phí dẫn đến hậu quả bần cùng hóa một bộ phận nhân dân nợ nần đối với Nhà nước, nợ công tăng cũng do lãng phí. Chống tham nhũng phải đi liền với chống lãng phí vì lãng phí ở đây bắt nguồn từ động cơ tham nhũng.
Thời gian qua, có những vụ án tham nhũng đưa ra xét xử, số tiền bọn tội phạm chiếm được không thể so sánh về thiệt hại do lãng phí gây ra nhưng chưa thấy có vụ án nào truy tố xét xử về hành vi lãng phí.
Chương II: Quyền con người
Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Điều 27: (Sửa đổi bổ sung điều 63)
Đề nghị bổ sung khoản 3: Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới. Đối với những người không bình thường về giới được quyền thay đổi giới tính theo nguyện vọng.
Chương III: Kinh tế, văn hóa, giáo dục, công nghệ và môi trường
Hiến pháp năm 1980 điều 18 xác định kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, Hiến pháp năm 1992 tại điều 15 xác định sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng.
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về các văn kiện Đại hội XI của Đảng, “tại trang 35: “Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Tại trang 36 “Phát triển mạnh kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã” (1).
Tại trang 73 “Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”(2).
Tại trang 101, về Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội năm 2011-2020 đã nêu rõ: “Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trong để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng mà nòng cốt là hợp tác xã”. Trong bản Hiến pháp sửa đổi vắng bóng các quan điểm cơ bản của Đảng từ cương lĩnh đến báo cáo chính trị cũng như chiến lược kinh tế. Vì chế độ kinh tế quyết định chế độ chính trị nên cần xem xét cân nhắc lại các quan điểm của Đảng gần đây nhất - Đại hội Đảng lần thứ XI.
Qua thực tế, kinh tế Nhà nước bản thân nó không có tội tình gì chỉ sai là do cơ chế, chính sách của con người đặt ra không phù hợp với sự phát triển trong tình hình mới, cơ chế mới; đó là nguyên nhân thứ nhất. Nguyên nhân thứ hai do con người, nhất là người đứng đầu yếu kém về năng lực tổ chức thực hiện, điều hành doanh nghiệp.
Nguyên nhân thứ ba là do lòng tham, cá nhân chủ nghĩa khiến tinh thần trách nhiệm xem của Nhà nước không phải của mình, không có trách nhiệm, không bảo vệ của công mà cứ tham nhũng làm sao kinh tế quốc doanh phát triển được.
Chương IV: Chủ tịch nước
Đề nghị Hiến pháp cũng nên quy định Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, để thuận lợi trong công tác đối nội, đối ngoại. Đồng thời ở cấp tỉnh, quy định Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân. Hiến pháp cần quy định những người giữ chức vụ quản lý do dân cử hoặc do Quốc hội bầu làm không quá hai nhiệm kỳ.
NGUYỄN VĂN CHI
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm UBKT Trung ương
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI.
(2) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011).