.
Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992:

Cần khẳng định rõ lòng tự hào dân tộc

Cần khẳng định rõ lòng tự hào dân tộc

Ngày 31-1, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội; các nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trên địa bàn quận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tại hội nghị, các đại biểu đều tán thành nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, sát thực vào nội dung của Dự thảo Hiến pháp.

Cụ thể, ở Lời nói đầu, cần thêm cụm từ “giàu lòng yêu nước” vào câu “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam (giàu lòng yêu nước), lao động cần cù…”; đồng thời thêm hai từ “anh hùng” vào câu “Nhân dân Việt Nam (anh hùng), với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng...” để khẳng định rõ lòng tự hào dân tộc trong Hiến pháp. Trong Chương I về Chế độ chính trị, tại Điều 1, cần thay từ “nước” bằng từ “quốc gia” và hoán đổi từ “độc lập” đứng trước từ “dân chủ” nhằm khẳng định rõ hơn “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một (quốc gia) độc lập, dân chủ, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”.

Theo ông Phan Văn Hòa, tổ 105, phường Vĩnh Trung, trong Điều 13 cần bổ sung một khoản nói về Quốc hiệu nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại Khoản 4, Điều 13, cần bổ sung “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”  vào sau ba từ “Ngày Quốc khánh…”.

Tại Điều 21, nhiều đại biểu cho rằng, cần bổ sung từ “được” và cụm từ “và quyền được chết” vào câu “Mọi người có quyền (được) sống và (quyền được chết). Tại Điều 47 cần thêm từ “Việt Nam” vào sau từ “Công dân”; bỏ từ “nặng nhất” và thay vào câu “đặc biệt nghiêm trọng” để cho phù hợp với câu từ trong các bộ luật hiện hành.

VĂN NỞ
 

;
.
.
.
.
.