.

Góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Ngày 21-2, UBND quận Ngũ Hành Sơn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, lời nói đầu của Hiến pháp đã được sửa đổi ngắn gọn, súc tích hơn Hiến pháp năm 1992. Ở Chương I, Điều 5, nhiều ý kiến thống nhất nên thêm vào cụm từ: “Người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài” bởi hiện nay có hơn 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống trên 100 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Họ là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Trong khoản 3, Điều 13 cần ghi rõ: “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời một bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao”. Đây là cách để ghi nhận và khẳng định bài “Tiến quân ca” là của nhạc sĩ Văn Cao và bài “Tiến quân ca” của Văn Cao mới là quốc ca. Cần viết lại khoản 4, Điều 13: “Quốc khánh là ngày 2-9-1945” thay vì “Ngày Quốc khánh là Ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945” bởi trong lời nói đầu đã nêu: “Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập”, trong các văn bản của Nhà nước cũng chỉ viết: “Ngày Quốc khánh 2-9-1945”.

Chương II, Điều 34, khoản 1 cần thêm cụm từ “ngành nghề mà pháp luật không cấm” bởi không thể nói đến tự do kinh doanh chung, có thể tạo kẽ hở cho việc kinh doanh bất hợp pháp, làm tổn hại đến nền kinh tế, an ninh của đất nước. Chương II, Điều 34, khoản 2 cần thêm cụm từ “Theo quy định của pháp luật” bởi những ngành kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật mới được Nhà nước bảo hộ. Chương II, Điều 42 cần thêm vào cụm từ: “Học tập suốt đời” bởi trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và 2 báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ XI đều có nội dung: “Xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”...

Ngày 21-2, UBND huyện Hòa Vang tổ chức lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho cán bộ và nhân dân 5 xã miền núi Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Liên, Hòa Sơn và Hòa Phú.

Đa số người dân đều đồng tình ủng hộ, thống nhất cao những nội dung trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Quốc hội ban hành. Song, theo ý kiến người dân, nhiều từ, cụm từ còn mang tính chung chung, chưa thật cụ thể. Chẳng hạn, ở Chương II, Điều 21 chỉ có 5 từ ngắn gọn “mọi người có quyền sống”, trong khi đó Điều 15 cùng chương lại nêu: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nên gộp 2 điều này thành một. Trong bản dự thảo có điều dùng từ “theo pháp luật”, cũng có điều dùng “theo quy định của pháp luật”. Cần thống nhất chung cụm từ là “theo quy định của pháp luật”...

Hôm nay (22-2), huyện Hòa Vang tiếp tục tổ chức lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho người dân ở các xã còn lại.

Cùng ngày, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong lực lượng vũ trang thành phố.

Các đại biểu tập trung thảo luận và tham gia về phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, chiến sĩ, tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí, nguyện vọng của lực lượng vũ trang thành phố trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang thành phố đối với việc sửa đổi và thi hành Hiến pháp. Các ý kiến đóng góp về nội dung sửa đổi liên quan lĩnh vực mà cơ quan, đơn vị mình công tác, nhằm góp phần nâng cao chất lượng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phù hợp với yêu cầu và thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

MAI TRANG - PHƯƠNG TẤN - BÙI NGỌC
 

;
.
.
.
.
.