Ngày 27-2, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực 3 tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VĂN NỞ |
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã bàn nhiều vấn đề trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: thể chế chính trị; thể chế kinh kế; quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân… Các ý kiến đều thống nhất, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để lấy ý kiến nhân dân lần này có nhiều điểm tiến bộ, thể hiện được ý chí của toàn Đảng, toàn dân; góp phần thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Văn kiện Đại hội XI của Đảng; góp phần thực hiện dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể trước những vấn đề hệ trọng của đất nước…
PGS,TS Trương Minh Dục, Phó Giám đốc Học viện, cho rằng từ thực tiễn xây dựng Hiến pháp, chúng ta đã trưởng thành hơn về tư duy lý luận, tư duy pháp lý cũng như trình độ kỹ thuật lập hiến. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ra đời cũng từ đòi hỏi thực tiễn phát triển và quản lý xã hội trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, nội dung quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cần phải làm rõ hơn.
PGS,TS Hồ Tấn Sáng đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, cụ thể. Để bảo đảm tính ổn định của Hiến pháp, ông đề nghị viết ngắn gọn lại Lời nói đầu của Hiến pháp. Theo ông, nên chọn những vấn đề cơ bản nhất liên quan đến nội dung xác định bản chất của thể chế chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta chủ trương xây dựng và hoàn thiện trong tiến trình lịch sử lâu dài. Trong Lời nói đầu chỉ cần cô đọng 5 đến 10 dòng, trong đó nêu rõ mục đích của việc xây dựng Hiến pháp là tạo ra “Khế ước xã hội” - ý chí của nhân dân, chứ không phải là ý chí của Nhà nước, là sự thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của mọi chủ thể cấu thành xã hội Nhà nước vì mục tiêu: giữ vững hòa bình, chủ quyền quốc gia, cởi mở với thế giới, tôn trọng lẫn nhau… nhằm xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Bàn về nội dung của Hiến pháp, PGS, TS Nguyễn Văn Lan cho rằng, nhiều vấn đề cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần phải đề cập toàn diện, rõ ràng hơn, như quy định về các nguyên tắc cơ bản; chế độ chính trị; nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; về tổ chức quyền lực Nhà nước; về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo hướng ngày càng tương thích với các giá trị chung của nhân loại, song cũng thể hiện tính kế thừa hợp lý những giá trị phản ánh tính đặc thù chính trị, pháp lý của Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Theo PGS, TS Nguyễn Văn Lan, sự thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ở Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là khách quan. Đây là cơ sở pháp lý để chống lại sự xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ Đảng với dân, kích động nhân dân chống Đảng, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam…
VĂN NỞ
Ngày 27-2, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức lấy ý kiến của đại diện các tổ chức thành viên góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992.
Nhiều ý kiến góp ý tập trung vào Điều 9 của dự thảo. Theo đó, nên quy định rõ thành một khoản trong điều này về việc Nhà nước phải tạo điều kiện và có cơ chế để Mặt trận và các tổ chức thành viên thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Tại Điều 4 của dự thảo đã quy định Đảng chịu sự giám sát của nhân dân thì tại Điều 9 phải bổ sung quy định Mặt trận có quyền giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên. Tại khoản 3, Điều 9 cần phải ghi rõ Nhà nước “phải đảm bảo” chứ không phải “tạo điều kiện” để Mặt trận và các tổ chức thành viên và các tổ chức xã hội khác hoạt động. Vì dùng cụm từ “tạo điều kiện” sẽ suy diễn ra các mức độ trong việc tạo điều kiện, được đến đâu thì hay đến đó. Các ý kiến đồng tình dự thảo lần này có nhiều tiến bộ khi đưa ra các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Tuy nhiên, cần bỏ hết các cụm từ “lợi dụng” trong phần này và trong cả toàn bộ Dự thảo sửa đổi HP 1992 vì dùng từ này dễ dẫn đến sự suy diễn, tùy tiện. Nếu có hành vi trái pháp luật thì sẽ bị pháp luật điều chỉnh.
Tại Điều 2 của dự thảo chưa thấy vị trí doanh nhân trong xã hội, mà đây là lực lượng đóng góp cho sự phát triển và đổi mới đất nước hiện nay. Do vậy cần bổ sung thêm tầng lớp doanh nhân. Cần bổ sung Điều 28 quy định công dân từ 18 tuổi trở lên cũng được quyền bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Tại Điều 31 cần bổ sung quy định: Mọi người không chỉ có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà còn có quyền khởi kiện các cơ quan, tổ chức, cá nhân này.
Về sở hữu đất đai, có ý kiến cho rằng cùng với quy định sở hữu toàn dân thì cần quy định đa sở hữu. Đề nghị bỏ khoản 3, Điều 58 vì quy định này trong thực tế đã gây ra nhiều vụ việc thu hồi đất đai trái pháp luật, gây khiếu kiện kéo dài. Nhiều ý kiến đề nghị đưa vị trí Điều 11 lên thành Điều 1 trong dự thảo với lý do Tổ quốc Việt Nam phải có vị trí hàng đầu rồi mới đến dân tộc, đến Đảng, Nhà nước. Một số ý kiến đề nghị nên quy định trong HP Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội đã quy định tại Điều 4.
S.T