1- Về Lời nói đầu
Tôi thống nhất với dự thảo về phần chung Lời nói đầu. Tuy nhiên, trong phần này có 4 từ “kháng chiến kiến quốc” đề nghị nên sửa lại thành “Qua các thời kỳ lập nước và giữ nước…”; bởi vì bốn từ này quá Hán ngữ.
2- Chương I: Chế độ chính trị
- Điều 2 đề cập đến quyền lực Nhà nước, dự thảo đã ghi “Quyền lực Nhà nước là thống nhất…” nên sửa lại “Quyền lực Nhà nước là một chính thể thống nhất…”.
- Điều 4 ghi nhận về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ trước đến nay Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vì vậy tại Khoản 1 Điều 4 nên ghi nhận “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Tuy nhiên, dự thảo chưa đề cập đến hình thức, phương pháp lãnh đạo của Đảng, vì vậy cần thêm Khoản 4 tại Điều này như sau “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng các cương lĩnh, nghị quyết và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
Cũng tại Khoản 2 Điều 4 đề cập Đảng Cộng sản Việt Nam chịu sự giám sát của nhân dân nhưng chưa rõ cơ chế để nhân dân giám sát tổ chức của Đảng và đảng viên nên đề nghị tại Khoản 2 Điều 4 bổ sung “Đảng Cộng sản Việt Nam chịu sự giám sát của nhân dân bằng hoạt động giám sát và phản biện thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
- Tại Điều 5 đề nghị thay từ “đất nước” thành từ “lãnh thổ”, vì từ “lãnh thổ” bao gồm cả vùng trời, vùng đất, vùng biển và kèm theo là các chế định tài phán trên lãnh thổ được các công ước quốc tế công nhận và luật pháp nước ta quy định.
Tại Khoản 4 Điều 5 đề nghị bỏ từ “thiểu số”, vì việc ghi nhận tất cả các dân tộc thiểu số là không phù hợp với sự bình đẳng của các dân tộc được ghi nhận tại Khoản 2 Điều này.
- Tại Khoản 3 Điều 9, đề nghị thay cụm từ “tạo điều kiện” bằng cụm từ “bảo đảm các điều kiện để Mặt trận Tổ quốc hoạt động” là phù hợp với xu hướng Việt Nam đang hướng tới một xã hội dân sự trong điều kiện Đảng ta là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, xã hội.
- Điều 10 nên thêm từ “chính đáng” sau từ “lợi ích hợp pháp”, vì lợi ích hợp pháp và chính đáng đều gắn liền với quyền con người.
- Khoản 4 Điều 13 cần bỏ ba từ “chỉ có thể”, vì quy định như vậy mang tính tùy nghi, dễ dẫn đến tùy tiện trong việc áp dụng thực hiện và không thực sự cô đọng trong Hiến pháp và nên thêm năm từ “được pháp luật quy định” sau cụm từ “sức khỏe của cộng đồng”, hoàn chỉnh Khoản này như sau: “Quyền con người, quyền công dân bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng được pháp luật quy định”.
- Tại Khoản 2 Điều 17 thêm hai từ “gia đình” hoàn chỉnh lại như sau: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”; vì tại Điều 27 dự thảo cũng đề cập đến vấn đề bình đẳng trong gia đình và đây cũng là thực trạng đáng báo động về gia đình Việt Nam hiện tại cũng như tương lai cần phải có pháp luật điều chỉnh.
3- Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Thống nhất quan điểm làm rõ quyền con người và quyền công dân theo hướng Nhà nước tôn trọng, bảo đảm quyền con người, Nhà nước công nhận, bảo đảm quyền công dân. Trên cơ sở đó, đề nghị trong Chương II cần sửa rành mạch hai nhóm quyền này: quyền nào thuộc quyền con người và quyền nào thuộc quyền công dân; và đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục làm rõ một số quyền mà xã hội đang quan tâm để đưa vào dự thảo như quyền chuyển đổi giới tính, quyền mang thai hộ, quyền lập blog trên Internet…
- Tại Khoản 3 Điều 31 ghi nhận “nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo người khác”. Đề nghị bỏ cụm từ “vu cáo” vì tại Điều 6 Luật khiếu nại và Điều 8 Luật tố cáo có hiệu lực từ ngày 1-7-2012 chỉ có thuật ngữ “vu khống” mà không có thuật ngữ “vu cáo”, đồng thời thực tiễn qua quá trình xét xử thì chưa xét xử ai về tội vu cáo. Cần ghi thêm đối tượng bị xâm hại tại Khoản 3 Điều 31 là cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và người khác.
- Tại Điều 32, đề nghị nên chỉnh lý Khoản 3 thành Khoản 1, Khoản 1 thành Khoản 2, Khoản 2 thành Khoản 3 là hợp lý và bảo đảm theo trình tự tố tụng, lôgíc hơn; khi đọc người dân dễ nhận biết để bảo vệ quyền lợi của mình.
Cũng tại Điều này đề nghị nên bỏ cụm từ “không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm”, vì lịch sử xét xử ở nước ta chưa phát hiện và xử lý một công dân nào một tội hai lần.
- Tại Khoản 1 Điều 33, đề nghị xem xét lại cụm từ “tư liệu sản xuất là quyền sở hữu của mọi người”, bởi vì hiện nay đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt. Như vậy, nếu quy định như Khoản 1 điều này liệu rằng đất đai có thực sự trở thành quyền sở hữu của mọi người hay không? Và có mâu thuẫn với Luật Đất đai hay không?
- Tại Khoản 1 Điều 46, đề cập “Mọi người được sống trong môi trường trong lành” đa số không hiểu thế nào là “trong lành” và định lượng là bao nhiêu? Trong khi đó, xu hướng phát triển môi trường thế giới hiện nay theo xu hướng là phát triển bền vững, vì vậy đề nghị sửa lại như sau “… trong môi trường phát triển bền vững” để Nhà nước có căn cứ tham gia các Hiệp ước quốc tế cũng như có kế hoạch xây dựng bảo đảm môi trường phát triển bền vững với các lĩnh vực khác của đời sống con người.
4- Chương III: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường
Thống nhất tiếp tục ghi nhận nền kinh tế Việt Nam nên theo hướng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên không cần vai trò của các thành phần kinh tế vào dự thảo, vì cho rằng việc ghi nhận như vậy là không cần thiết và mất tính bình đẳng. Tuy nhiên, tôi cũng còn băn khoăn trước tình trạng lợi ích nhóm, sự cách biệt quá lớn giữa giàu với nghèo, thành thị với nông thôn; đề nghị cần có phân tích, đánh giá để ghi nhận các thành phần kinh tế phải có nghĩa vụ phải tham gia cùng Nhà nước trong việc phân bổ phúc lợi, bảo đảm an sinh xã hội. Nên chăng ghi nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vì đối với thế giới về ngoại giao thì ta yêu cầu các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nhưng trong điều hành thì phát triển theo quan điểm nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, việc này có mâu thuẫn gì không?
5- Chương IV: Bảo vệ Tổ quốc
Tại Điều 73 nên thêm từ “… kiến thức quốc phòng, an ninh cho toàn dân” để phù hợp với quan điểm giáo dục và mọi người đều thấy rõ là cần phải giáo dục cái gì?
6- Thống nhất với dự thảo tại các Chương V, VI, VII và VIII. Cho rằng lần này Hiến pháp bổ sung một số thiết chế hiến định độc lập đó là Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước là phù hợp với quá trình xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, tại Điều 91 Chương VI quy định về Chủ tịch nước đa số ý kiến đều nhất trí đề nghị dự thảo lần này nên quy định theo hướng Chủ tịch nước vừa là Tổng Bí thư, bởi vì tất cả các quyền, trách nhiệm của Chủ tịch nước được quy định tại Điều 91 đến Điều 98 ở góc độ khác nhau đều thể hiện quyền, trách nhiệm của Tổng Bí thư với cương vị là người đứng đầu Nhà nước, người đứng đầu Hội đồng quốc phòng - an ninh.
Đề nghị tại Điều 95 cần làm rõ khi Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn những vấn đề nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước thì ai là người chủ trì phiên họp đó? Đề nghị ghi nhận: “Chủ tịch nước yêu cầu và Chủ tịch nước chủ trì để họp bàn những vấn đề, quyền hạn của Chủ tịch nước”.
Tại Điều 103 đề nghị đưa cụm từ “là người đứng đầu Chính phủ kèm theo cụm từ “Thủ tướng Chính phủ” sửa thành “Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, là người bầu trong số đại biểu Quốc hội” để thấy rõ được vị trí, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 112 sửa đổi bổ sung Điều 136, 137 Hiến pháp năm 1992 quy định về VKSND, tôi thống nhất cách ghép bốn điều luật của Hiến pháp năm 1992 và bổ sung, chỉnh sửa thành ba điều như trong dự thảo là Điều 112, 113, 114 là đã làm rõ được chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong hệ thống bộ máy Nhà nước. Nhưng gần đây trong các nghị trường của Quốc hội và ý kiến của một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và đại biểu Quốc hội đề nghị VKSND ngoài thực hiện nhiệm vụ “thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp” như Khoản 1 Điều 112 thì VKSND nên thực hiện một số nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật như phòng chống tham nhũng, kiểm sát văn bản, cơ quan thường trực về hợp tác tư pháp với nước ngoài, nhiệm vụ thống kê tội phạm trên toàn quốc… Vì vậy, đề nghị bổ sung vào sau cụm từ “và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật” tại Khoản 1 Điều 112 của dự thảo.
Cũng tại Khoản 3 Điều 112 ghi nhận VKSND có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân góp phần bảo đảm cho pháp luật được thi hành, thống nhất. Nếu quy định VKSND góp phần bảo đảm cho pháp luật hoạt động thống nhất thì ai là chủ công trong công tác bảo đảm cho pháp luật được áp dụng nghiêm chỉnh và thống nhất trong hệ thống bộ máy Nhà nước. Trong khi đó, Nghị quyết 49 và Kết luận 79 của Bộ Chính trị thì hướng tới xây dựng VKSND có chức năng thực hành quyền công tố Nhà nước với phương châm tăng cường quyền công tố trong hoạt động điều tra và gắn hoạt động công tố với hoạt động điều tra nên tôi đề nghị bỏ từ “góp phần” mà nên quy định VKSND có trách nhiệm bảo đảm cho pháp luật được áp dụng nghiêm chỉnh và thống nhất để có cơ sở hướng tới xây dựng VKSND thành một tổ chức đủ mạnh góp phần thực hiện nguyên tắc kiểm soát quyền lực trong các cơ quan tổ chức bộ máy Nhà nước mà trước hết là trong các cơ quan tư pháp.
7- Chương IX: Chính quyền địa phương
- Không cần thiết sửa đổi, bổ sung như tại Điều 119, bởi vì hai nội dung này đều có và nên cần đưa vào Luật tổ chức HĐND, UBND. Thực chất đây cũng là hai điều kiện bảo đảm hoạt động của Mặt trận Tổ quốc đã như ghi nhận ở Khoản 3 Điều 9 dự thảo.
8- Tại Khoản 3 Điều 120, tôi tán thành không cần phải có Tòa Hiến pháp vì đã có chế định Hội đồng Hiến pháp nhưng đề nghị nên giao quyền cho Hội đồng Hiến pháp có quyền hủy bỏ mọi văn bản pháp luật vi phạm Hiến pháp (vi hiến). Dự thảo chỉ quy định quyền yêu cầu, kiến nghị hủy bỏ của Hội đồng Hiến pháp thì không bảo đảm kịp thời ngăn chặn các hậu quả nếu có, vừa không bảo đảm vị trí của Hội đồng Hiến pháp là cơ quan đặc biệt của Quốc hội.
9- Đề nghị chuyển đổi Chương X thành Chương VI sau phần quy định về Quốc hội để bảo đảm tính lôgíc và kết cấu của Luật.
NGUYỄN VĂN HIỆP
Viện trưởng Viện KSND quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng