.
GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Tăng cường trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

Qua nghiên cứu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhìn chung, Hiến pháp sửa đổi lần này về cấu trúc tương đối gọn, dễ hiểu hơn so với trước đây; Hiến pháp lần trước có: 12 chương 147 điều, nhưng lần này chỉ có 11 chương 124 điều. Tuy nhiên, về “Lời nói đầu” theo sự nhìn nhận chủ quan của cá nhân tôi thì cần viết lại cho chỉnh chu hơn, sâu sắc hơn, dễ hiểu hơn, và để làm rõ hơn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bản thân tôi xin có một vài góp ý nhỏ trong vài khoản, điều mục nhỏ sau:

Điều 48 bản dự thảo được xây dựng trên cơ sở Điều 77 của Hiến pháp năm 1992 “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân” và bổ sung thêm điều khoản “Việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định”.

Ngoài ra, Điều 69 sửa đổi, bổ sung Điều 44 của Hiến pháp năm 1992 khẳng định “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh do luật định”.

Bỏ quy định “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”

Một trong số các nội dung đã được chỉnh sửa là quy định về các thành phần kinh tế. Ở dự thảo được trình Quốc hội thảo luận, Điều 55 quy định:

1- Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Mục đích phát triển kinh tế là làm cho dân giàu, nước mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân.

2- Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.

Thảo luận tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2012 vừa qua, nhiều vị đại biểu cho rằng, cần xem lại quy định “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Bởi, những năm qua kinh tế Nhà nước dù nhận được nhiều ưu đãi, nhưng hoạt động kém hiệu quả. Trong khi đó, thành phần kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác đã và đang phát triển mạnh, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Vì vậy, việc quy định các thành phần kinh tế bình đẳng như nhau trong cùng một khuôn khổ pháp lý sẽ tạo những chuyển biến tốt hơn cho đất nước, tạo ra nhiều của cải vật chất, việc làm, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách.

Liên quan đến nội dung này, Điều 54 trong dự thảo được đưa ra lấy ý kiến người dân cũng sửa đổi theo hướng quy định:

1- Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.

2- Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.

Bổ sung quy định về địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước

Điều 122 dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi quy định: “1. Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

2- Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước do luật định. Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

3- Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Kiểm toán Nhà nước do luật định”.

Hiến pháp hiện hành không quy định về địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Nội dung này chỉ thể hiện trong Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2005 với nguyên tắc hoạt động được quy định là “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; trung thực, khách quan”.

              ThS. Trần Cao Anh
           (Học viện Chính trị-
            Hành chính khu vực III)

 

;
.
.
.
.
.