.
GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Tăng quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, sửa đổi năm 2011) xác định, nền kinh tế nước ta đang xây dựng là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Định hướng XHCN có nghĩa CNXH đang ở phía trước. Tương ứng với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chế độ chính trị của ta hiện nay đang ở giai đoạn Cộng hòa dân chủ nhân dân. Nhận thức như vậy để xác định đúng thể chế chính trị cho phù hợp với thực tiễn.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 xác định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật và chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình.

Tuy nhiên, nội dung quyền lực thuộc về nhân dân trong Hiến pháp cần làm rõ:

Nhà nước ta là một Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thì tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, trước hết thể hiện qua quyền lập hiến.

Hiến pháp với tư cách là một khế ước xã hội, phải thể hiện đó là sự thỏa thuận của các giai cấp, tầng lớp nhân dân về lợi ích trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: chính trị, kinh tế, văn hóa... để tạo ra sự đồng thuận xã hội và bảo vệ các quyền tự do của người dân. Tuy nhiên, do nhân dân không thể tự soạn thảo ra Hiến pháp, vì vậy ủy quyền cho Quốc hội quyền lập hiến của mình. Nhưng nhân dân phải được phát huy quyền dân chủ, thực hiện góp ý và thảo luận bổ sung dự thảo Hiến pháp, góp phần hình thành bản dự thảo cuối cùng để đưa ra trưng cầu dân ý. Chỉ khi nào với việc quyết định của nhân dân, thông qua trưng cầu dân ý, thì Hiến pháp mới thực sự là Hiến pháp.

Như vậy, ở điều 124, mục 4 đề nghị sửa quy định Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Nhà nước quyết định thành: “Khi được Quốc hội thông qua, thì Hiến pháp phải được đưa ra trưng cầu dân ý”.

Việc khẳng định “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức như Điều 2 chưa thể hiện tinh thần thỏa thuận của các giai cấp, các  tầng lớp nhân dân về lợi ích trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; chưa thể hiện bản chất và truyền thống đại đoàn kết của dân tộc ta từ trong quá trình dựng nước và giữ nước, vì vậy nên sửa Điều 2  thành: ...Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân dựa trên nền tảng là khối đại đoàn kết dân tộc mà nòng cốt là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Do Hiến pháp không phải là của Nhà nước, mà là của nhân dân, vì vậy, trong Hiến pháp nhân dân là chủ thể, là người quyết định. Nhân dân là người trao quyền cho Nhà nước (phân quyền cho các nhánh Nhà nước như lập pháp, hành pháp và tư pháp) đến mức nào và như thế nào để bảo vệ các quyền tự do và sự hạnh phúc của người dân. Đấy là quyền tối cao của nhân dân. Như thế nhân dân là người quyết định Hiến pháp. Như vậy, chính Nhà nước là đối tượng của Hiến pháp (đối tượng phải thi hành, phải tuân thủ Hiến pháp và bị hạn chế quyền lực bởi Hiến pháp) chứ không phải người dân.

Điều 6 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 xác định: Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.

Trong hoàn cảnh của năm 1946, vận mệnh đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng Hiến pháp 1946 được thông qua khẳng định quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân, như: nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu của mình đã bầu ra (Điều 20); nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia theo Điều thứ 32 và 70 (Điều 21, Hiến pháp năm 1946) .

Hiện nay chúng ta xây dựng đất nước trong điều kiện vừa có thuận lợi vừa có khó khăn song thuận lợi là cơ bản: đất nước độc lập, thống nhất, hòa bình, có Đảng lãnh đạo, có hệ thống chính trị vững mạnh, có khối đại đoàn kết toàn dân, mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, có tiềm lực kinh tế tương đối khá. Vì vậy, nhân dân có khả năng để phát huy chủ quyền của mình trong xây dựng và bảo vệ Tố quốc, bảo vệ chế độ.

Vì vậy, đề nghị Hiến pháp lần này cần thể hiện tăng quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân, tăng cường tính chủ động sáng tạo và trách nhiệm của người dân trước sự phát triển của đất nước, tránh dân chủ hình thức, thụ động.

Do vậy, đề nghị sửa Điều 30 thành:

1- Công dân có quyền tham gia quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước thông qua trưng cầu dân ý.

2- Nhà nước phải tạo điều kiện cho nhân dân trực tiếp quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước thông qua trưng cầu dân ý (trừ những vấn đề khẩn cấp liên quan đến quốc phòng, an ninh).

Nếu thể hiện như Điều 30 của Dự thảo, nhân dân ít được trực tiếp tham gia những vấn đề trọng đại của đất nước, thực chất là hạn chế quyền của nhân dân, vì trong lịch sử 68 năm qua, kể từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời, Nhà nước chưa bao giờ tổ chức trưng cầu ý dân.

PGS, TS TRƯƠNG MINH DỤC

;
.
.
.
.
.