.
Câu chuyện ngày xuân

Năm Tỵ kể chuyện chữa rắn cắn

.

Trong khi những tranh cãi về “ngọc rắn” chữa bách bệnh vẫn chưa có hồi kết thì ở xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, có một ông thầy chữa rắn cắn bằng một loại “ngọc rắn” được cho là làm từ các loại thảo dược.

Với một chiếc cân ta, một cái ống nghe và lỉnh kỉnh mấy hộp nhựa đựng các loại thuốc, ông đã cứu mạng rất nhiều người bị rắn cắn gần xa trong 40 năm qua.          Ảnh: V.T.L
Với một chiếc cân ta, một cái ống nghe và lỉnh kỉnh mấy hộp nhựa đựng các loại thuốc, ông đã cứu mạng rất nhiều người bị rắn cắn gần xa trong 40 năm qua. Ảnh: V.T.L

Những chuyện hi hữu

Chạng vạng tối, ông Lê Đức Thứ, bà con quen gọi là Sáu Thứ, ở thôn Triều Châu, xã Duy Phước, hối con gái bật cái đèn điện. Nó vừa chạm vào cái công-tắc thì “bụp” một phát, dưới ánh đèn điện vừa bật sáng, một con rắn lục (dân gian gọi là rắn nọc lá) đầu xanh cổ đỏ, mổ vào bàn chân. Vừa lúc chị nó dạy học trên Đại Lộc về, buộc ga-rô để ngăn không cho nọc độc phát tán lên trên, rồi đưa gấp em đi Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên.

Mãi đến 26 tháng Chạp, Tết nhứt tới sát bên chân mà con gái da thịt ngày càng đen, không ngớt rên la đau nhức, vợ chồng Sáu Thứ buồn lắm, đành đưa nó về. Lối xóm bảo ông lên nhờ ông Bốn Đáng chữa, chứ để vậy nguy lắm. Thế là Bốn Đáng được mời tới, ông chữa trước sau khoảng 10 ngày là con bé lành hẳn. Cô nó ở Sài Gòn về ăn Tết, thấy thế cứ trầm trồ hoài: Thiệt là hy hữu!

Đã 6 năm rồi, con bé bị rắn cắn giờ đang học cao đẳng và câu chuyện của nó làm dày thêm thành tích của ông Bốn Đáng. Người viết có lần dạo quanh Duy Phước một vòng để xác thực những điều ông Bốn Đáng và mọi người kể.

Sáng đó ghé lại một quán cà-phê đầu đường vô nhà ông Sáu Thứ, gặp chị chủ quán tên Thu, giả vờ hỏi nhà ông thầy gì đó chữa rắn cắn thì chị bảo đó là ông Bốn Đáng, cha chồng của chị. Chị kể, có một bà bị rắn cắn chữa ở Bệnh viện Hội An hơn tháng mà không lành, vết đen hoại tử đã lan lên tới mặt, coi bộ không qua được. Chị hay tin, bảo người nhà lên Duy Phước tìm ông thầy Bốn Đáng, không dám nói đó là ông gia mình, sợ người ta sẽ nghĩ là chuyện tầm phào vì con dâu đi quảng cáo cho cha chồng. Còn nước còn tát, họ làm theo và tình trạng quá nặng đó đã được ông chữa khỏi.

Ngay sát nhà ông Bốn Đáng có gia đình ông Ba Lựu. Ông này có một cậu con trai học kỹ sư điện ngoài Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Gần tới ngày nhận bằng tốt nghiệp, nó về thăm nhà thì xui rủi quá, bị rắn độc cắn. Gia đình đưa ngay nó đi bệnh viện, thuốc men không cầm được, nọc độc đã lan ra đen hết nửa người, đành đưa về. Lúc đó, người nhà mới sực nhớ đến người hàng xóm chuyên chữa rắn cắn, bèn sang nhờ ông. Bốn Đáng qua xem, chữa bằng phương thuốc gia truyền của ông, chỉ mấy ngày sau là vết đen trên người nạn nhân tan hết, cậu hoàn toàn bình phục và một mình đi Đà Nẵng lãnh bằng tốt nghiệp.

Người bào chế được “ngọc rắn”?

Đến thị trấn Nam Phước, chạy dọc đường bê-tông nối từ quốc lộ 1A xuống chợ Bàn Thạch, hỏi ông Bốn Đáng, tên thật là Lê Đáng, chữa rắn cắn thì hầu như ai cũng biết.

Ông ở trong một căn phòng tuềnh toàng, chưa tới 20m2, bên nhà người con trai ở thôn Hòa Bình. Nhà thì HTX Nông nghiệp xã cho vôi, cho ngói. Nền nhà đắp đất sét, lâu ngày đầy hục hang, ông có một chân giả nên di chuyển khó khăn. Có lần ông đi Huế hai ngày, có một bà đưa thợ đến lót cái nền nhà gạch hoa cho ông. Đến áo quần ông mặc trên người cũng là người ta tặng.

Trên bàn thờ, nơi cao nhất và trang trọng nhất, là chân dung các danh y Việt Nam và Trung Hoa như: Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh, Hoa Đà, Biển Thước, Trương Trọng, Vương Thúc Hòa. Bộ ảnh này do một bệnh nhân ở Sài Gòn tặng hồi năm ngoái để cảm ơn ông.

Ông mồ côi mẹ, chịu không nổi sự hà khắc của dì ghẻ nên 10 tuổi đã bỏ nhà đi – ông kể. Gặp một ông thầy sống trong một cây đa trên núi Hố Dâu, huyện Quế Sơn, ông sống với thầy 3 năm và học nghề thuốc. Cha lâm bệnh vì ông, mẹ kế hối hận, cho người đi tìm ông. Về nhà một thời gian, ông lại bỏ đi tiếp, lần này lang bạt vô tới miền Nam. Đến 16 tuổi lại quay về và bắt đầu làm nghề thuốc.

Chữa rắn cắn cũng đơn giản thôi, không có chi bí quyết, ông bảo. Chỉ bấm các huyệt để nọc độc tụ lại một chỗ đen thui, không chạy vào tim. Cho bệnh nhân uống thêm thuốc để chống đau nhức, thuốc này mua ngoài tiệm thuốc bắc, về bào chế và đưa đi tán thành bột.

Về cách chữa trị rắn cắn của ông Bốn Đáng, theo Lương y Phan Thanh Vũ, Khoa Nội – Nhi – Đông y – Phục hồi chức năng (Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên), Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện, khi có ai bị rắn cắn thì ông dùng một dạng phiến (lát) áp vào vết cắn để rút nọc độc, Đông y gọi là chế “ngọc rắn”. Y văn cho thấy có nhiều cách chế “ngọc rắn” nhưng chưa thấy ai thành công.

Dân gian truyền khẩu rằng có một loại “ngọc rắn” do rắn “tu” lâu năm luyện thành, có thể chữa bách bệnh. Lương y Trần Hữu Nam, Phó Chủ tịch Hội Đông y thành phố Đà Nẵng, cho rằng đó là chuyện hoang đường. Riêng “ngọc rắn” được sử dụng lâu nay là chuyện có thiệt và do nhân tạo– ông Nam khẳng định. “Ngọc” này do con người tinh chế bằng các loại thảo dược có công dụng trừ và giải độc, thường được bào chế từ gạc nai cùng với nhiều loại thuốc giải độc khác.

Thực hư việc ông Bốn Đáng bào chế được “ngọc rắn” như thế nào vẫn chưa rõ, bởi khi được hỏi, ông chỉ mỉm cười và nhỏ nhẹ trả lời là đang tìm truyền nhân cho cái nghế rất quý này. Còn Lương y Vũ thì cho rằng ông hành nghề theo tính cách giúp đỡ dân, không đặt nặng vấn đề thu nhập, không phải sinh kế. Các bệnh nhân được ông chữa đều công nhận phương thuốc đặc trị của ông rất hiệu nghiệm.

Lương y Phan Thanh Vũ: “Năm 2012 Hội Đông y huyện triển khai chuyên đề “Thừa kế bài thuốc hay” nhằm tập hợp khoảng 500 bài thuốc hay được xác định dựa trên trên hiệu quả chữa bệnh được phản hồi từ bệnh nhân. Phương thuốc chữa rắn cắn của ông Bốn Đáng rất tuyệt vời, rất hay, nếu Hội thừa kế được thì rất có lợi cho dân. Hội đang vận động, nếu ông cống hiến phương thuốc này thì quý, còn không thì mời ông tham gia vào Hội để phổ biến rộng rãi phương thuốc hay này”.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.