Vóc dáng khiêm tốn, lời nói nhẹ nhàng và ánh mắt đăm chiêu, anh Lê Văn Thanh - người tôi biết qua lần sinh hoạt gặp mặt đồng hương tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2010 - có quá trình học tập và cống hiến đáng nể.
Anh Lê Văn Thanh nguyên quán làng Cẩm Thanh, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) - nơi có những rừng dừa xanh mát xóm làng. Và nơi đây, ông nội của anh - người đồng chí kiên trung Lê Công Minh đã ngã xuống sau một trận chiến.
Anh Lê Văn Thanh đấu giá ảnh cầu Sông Hàn 70 triệu đồng cho quỹ giúp học sinh, sinh viên nghèo ngày 27-2-2011. Ảnh: MINH LÊ |
Tuổi thơ cơ cực
Cha anh - ông Lê Văn Trai - là đứa trẻ mồ côi, phải rời làng lánh nạn, năm 1967, cha anh đến trú ngụ ở làng Nại Hiên Đông (nay là phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Lúc đó, người dân Đà thành dường như ai cũng biết xóm nhà chồ Nại Hiên.
Ông Trai trải qua tuổi xuân cơ cực, vừa cáng đáng lo toan cuộc sống mọi bề, vừa phải tìm cách né tránh lý lịch con liệt sĩ và tránh quân dịch. Ông phải đi làm thuê làm mướn và đi lưới, ra khơi cùng những người có thuyền đánh cá. Và cũng từ những tháng ngày gian khổ này, ông gá nghĩa cùng bà Đỗ Thị Bé, một tổ ấm nhỏ ra đời. Cuộc sống cũng tạm đắp đổi qua ngày… với một gia đình có 11 người con.
Dù thiếu thốn vất vả nhưng ông bà Trai vẫn quyết lo cho các con ăn học. Trong ký ức tuổi thơ của Thanh là những buổi đi học phải đội sách vở trên đầu vì lội qua vũng nước là ngập gần đến vai. Sau những giờ học, anh đi cào nghêu, bắt sút. Thi đỗ vào Trường Trung học Hoàng Hoa Thám - trường công lập của quận 3 (Sơn Trà), anh càng quyết tâm học hành vì thấy cha mẹ khổ quá và anh luôn đạt thứ hạng cao trong lớp. Nhìn vóc dáng bé nhỏ của Thanh, hàng xóm thương cảm và thường cho tí mắm, lon gạo, giúp gia đình anh bữa cháo bữa rau.
Năm 1991, Thanh thi đỗ đại học, xóm nhà chồ mừng như ngày hội… Một cán bộ UBND phường hiểu rõ hoàn cảnh gia đình anh nên đề xuất Sở Tài chính giới thiệu anh đi học Đại học Tài chính kế toán thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc đời Thanh như được sang trang.
Thực hiện giấc mơ
Từ năm 1991-1995, Thanh lao vào học tập. Anh kể: “Nhờ sự cưu mang, đùm bọc của những người Quảng xa quê tại ngã tư bảy Hiền như chú Yến, cô Quân, tôi được tá túc trong một con hẻm gần trường Nguyễn Thái Bình. Ngoài giờ lên giảng đường, tôi phải đi phụ việc nhà, rửa chén bát, cùng các bạn sinh viên tổ chức nhóm dịch vụ xích lô. Trong nhóm, tôi là người nhỏ con nhất nên được phân công giữ xe và dạy thêm cho các cháu để cải thiện đời sống…”.
Năm 1995, anh Thanh tốt nghiệp đại học loại xuất sắc và có ngay việc làm tại Công ty Kiểm toán trực thuộc Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh. Cầm 347.000 đồng tháng lương đầu, anh rưng rưng nước mắt, vội mua quà gửi về tặng mẹ. Dù quà chỉ là chiếc khăn quàng cổ nhưng anh biết mẹ nhận được sẽ hạnh phúc lắm. Khi Luật Doanh nghiệp ra đời, Thanh cùng một số người bạn thân tín thành lập công ty riêng cho đến nay.
Công ty Kiểm toán Mỹ (AA) hiện đóng tại tầng 8 tòa nhà VCCI (171 Võ Thị Sáu (thành phố Hồ Chí Minh), phục vụ kiểm toán các đơn vị kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài và các đơn vị trong nước có nhu cầu kiểm toán độc lập.
Anh Lê Văn Thanh (thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm trong lần về Mân Thái. Ảnh: MINH LÊ |
Gắn kết yêu thương
Anh Thanh kết hôn với người bạn chung trường Nguyễn Ngọc Minh Trâm, hiện làm kế toán tại Công ty Công viên cây xanh thành phố Hồ Chí Minh. Anh chị chung sống hạnh phúc cùng đứa con trai 5 tuổi. Nhớ về những ngày cơ cực, vợ chồng anh luôn có chung suy nghĩ chăm lo cho thế hệ trẻ, nhất là những sinh viên, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hằng năm, anh thường gửi về quê nhà những khoản tiền trợ giúp, động viên những học sinh thi đỗ đại học và học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Với những hoạt động nhiệt thành của mình, anh Thanh đã được tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp khuyến học. Năm 2008, anh Thanh chính thức tham gia hoạt động hội đồng hương Đà Nẵng tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh đã đóng góp thiết thực vào những chương trình hành động cụ thể, chương trình từ thiện, đồng thời được đề bạt làm chủ nhiệm CLB Doanh nhân trẻ. Năm 2011, anh được UBND thành phố Đà Nẵng tặng bằng khen về thành tích đóng góp xây dựng phong trào Hội.
Nói về anh Lê Văn Thanh, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu - Chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: “Lê Văn Thanh là một trong những người có tấm lòng đối với quê hương. Người như thế hiếm lắm! Thanh luôn có khát vọng vươn lên và tâm huyết trong hoạt động xây dựng, giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm, vượt khó trong học tập…”.
Một mùa xuân nữa lại về, tiếp tôi trong căn nhà nhỏ với nụ cười thân thiện, anh nói: “Tôi còn phải làm thêm việc nữa, cố gắng lập một vườn ươm doanh nghiệp, ươm mầm tài năng cho những người con xa quê đang học tập tại thành phố này, cụ thể là hướng dẫn, đỡ đầu các em trong bước đầu khởi nghiệp”.
MINH LÊ