Tuổi tác không làm nên văn chương, nhưng văn chương làm nên tên tuổi. Nhìn lại bầu trời văn chương Việt thế kỷ XX, những tác giả cầm tinh con Rắn có số lượng hết sức đông đảo. Chỉ tính riêng những tác giả đã thành danh, có đến 72 tác giả (so với trước đó chỉ có 63 tác giả tuổi Thìn và 46 tác giả tuổi Mão), chưa kể những người cầm bút trẻ, có đến 15 tác giả tuổi Đinh Tỵ (1977), trẻ hơn, có 3 tác giả tuổi Kỷ Tỵ (1989)... Vị chi, tính gộp lại có đến hàng trăm người tự “mang lấy nghiệp vào thân” trong suốt thế kỷ qua.
Đứng ở đầu tầm mắt của thế kỷ XX là tuổi Ất Tỵ (1905), có ba cây bút văn xuôi là Lê Văn Thử, Nam Xương, Nhất Linh, và hai nhà nghiên cứu lý luận, phê bình quê ở xứ Huế là Ưng Quả và Nguyễn Khánh Toàn. Nhìn một cách toàn diện, có thể khẳng định những đóng góp xuất sắc của Nhất Linh, người chủ soái của trào lưu văn học lãng mạn nước ta vào đầu những năm ba mươi của thế kỷ trước. Ông là người đứng ra thành lập Tự lực văn đoàn, tổ chức nghề nghiệp đầu tiên, cùng với những tờ báo văn học đầu tiên như Phong hóa, Ngày nay và Nhà Xuất bản Đời nay. Ông là tác giả của hàng chục cuốn tiểu thuyết, mở đầu và khẳng định ưu thế của thể loại và phương pháp sáng tác lãng mạn trong văn học nước ta, trong đó có những tác phẩm mà khi nói đến tiểu thuyết lãng mạn ở nước ta, không thể không nhắc đến như Gánh hàng hoa, Đời mưa gió, Đoạn tuyệt, Đi Tây, Đôi bạn, Bướm trắng...
Ngược lại, bước qua tuổi Đinh Tỵ (1917), có đến 12 tác giả, trong đó, chỉ có một nhà văn là Nam Cao, hai nhà nghiên cứu triết học, văn học là Trần Đức Thảo và Như Phong, còn lại là một thi đàn đông đảo: Thanh Tịnh, Thâm Tâm, Trần Mai Ninh, Trinh Đường... Trong số này, ngoài những đóng góp trong lĩnh vực triết học của giáo sư Trần Đức Thảo khiến giới triết học phải nể trọng, phải khẳng định một tên tuổi sừng sững đối với chủ nghĩa hiện thực nước ta là Nam Cao, người có tầm ảnh hưởng đến đời sống văn học xuyên suốt thế kỷ và cho đến thế hệ hôm nay cũng phải kính cẩn ngước nhìn. Bên cạnh đó, còn có những tác giả đã để lại những tác phẩm có ý nghĩa độc sáng trên văn đàn như Tống biệt hành của Thâm Tâm, Nhớ máu và Tình sông núi của Trần Mai Ninh, và Tôi đi học một truyện ngắn mang tâm trạng và không khí nhẹ nhàng như khói mây bay của Thanh Tịnh.
Những người trưởng thành trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, tuổi Kỷ Tỵ (1929) có đến 19 tác giả, trong đó có 11 nhà văn như Lương Sĩ Cầm, Nguyễn Trọng Oánh, Thanh Hương, Trần Kim Trắc, Vũ Tú Nam..; chỉ có 4 nhà thơ là Giang Nam, Hoàng Tố Nguyên, Lê Đạt, Nguyên Hồ; 3 nhà nghiên cứu lý luận phê bình là Nguyễn Xuân Nam, Trường Lưu, Mai Quốc Liên và một kịch tác gia là Nguyễn Vũ. Rất nhiều người trong số họ thành công với văn xuôi, riêng Lê Đạt có những đóng góp kiên trì và nổi bật trong quá trình cách tân và hiện đại hóa thơ Việt.
Thế hệ này được mệnh danh là “thế hệ cầm bút thời chống Mỹ” có đến 26 tác giả tuổi Tân Tỵ (1941) thành danh, trong đó có 12 nhà thơ như Bằng Việt, Diệp Minh Tuyền, Phạm Tiến Duật, Hoàng Thị Minh Khanh, Nguyễn Thái Vận, Xuân Hoài…; 11 cây bút văn xuôi là Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Tô Hoàng, Tô Nhuận Vỹ, Lý Biên Cương, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Quang Hà…; 2 nhà nghiên cứu lý luận, phê bình là Mã Giang Lân và Ngô Thảo; chỉ có 1 dịch giả nhưng lại là nhà dịch thuật nổi tiếng nước ta Phan Hồng Giang. Hiện thực dữ dội của cuộc chiến tranh đặt cây bút vào tay họ, buộc họ phải chiến đấu không chỉ bằng vũ khí mà còn bằng vũ khí tiếng nói, tạc vào lịch sử chân dung những nhà văn, nhà thơ liệt sĩ tiêu biểu như Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Trần Quang Long và một dàn đồng ca âm vang đồng hành cùng đất nước, như Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Diệp Minh Tuyền, Trần Vàng Sao, Tô Nhuận Vỹ, Ngô Thảo...
Sinh ra trong chiến tranh (Quý Tỵ 1953 và Ất Tỵ 1965), các tác giả thành danh hơi thưa vắng. Ở tuổi Quý Tỵ, trong số 10 tác giả có các nhà thơ, nhà văn như Đoàn Thị Lam Luyến, Dạ Ngân, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trần Đức Tiến..; một người “viết được cả hai tay”, cả văn và thơ, thậm chí, thành công chủ yếu từ báo chí, từ văn chương thông tấn là Hữu Ước và 1 tác giả nghiên cứu lý luận phê bình là Ngô Vĩnh Bình. Tuổi Ất Tỵ, chỉ có một người nổi bật từ rất sớm là nhà thơ nữ Khánh Chi.
Thế hệ ra đời sau ngày thống nhất đất nước, chưa tích lũy đủ điều kiện, nhất là thời gian để tạo nên những tên tuổi tài danh, nhưng khá đông đảo về đội ngũ và đa dạng về thể loại. Chỉ đơn cử các trường hợp được tham dự Hội nghị viết văn trẻ lần thứ VIII của Ban công tác nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam, cũng có thể nhận ra tuổi Đinh Tỵ (1977) có đến 15 tác giả. Trẻ hơn, ở tuổi Kỷ Tỵ (1989), có hai nhà thơ là Nguyễn Đức Phú Thọ, Trương Hồng Tú và cây bút văn xuôi Đinh Phương. Sự bùng nổ của các phương tiện thông tin hiện đại, điều kiện tiếp thu và hội nhập với trình độ phát triển của tư duy hiện đại đã giúp các tác giả vận dụng nhiều thủ pháp, phương pháp nghệ thuật của nhiều trường phái nghệ thuật hiện đại, hậu hiện đại, tạo một “đường dẫn” riêng có thể dễ dàng tiếp cận tâm hồn công chúng hiện đại. Nhiều người trong số họ đã có những tác phẩm được bạn đọc chú ý như: Nguyễn Xuân Thủy với Khát vọng dưới đỉnh Phan xi phang, Sát thủ online, Bình Nguyên Trang với Lối về, Những bông hoa đang Thiền; Đỗ Doãn Phương với Khói, Hoan ca, Uông Triều với Đôi mắt Đông Hoàng và Những pho tượng đá ở Yên Tử, Trần Minh Thuận với Nơi dòng sông dừng lại, Lê Đức Quảng với Vợ đẹp, Đỗ Thượng Thế với Trích tôi, Nguyễn Thị Minh Ánh với Những lá thư màu xanh, Nguyễn Đức Phú Thọ với Nỗi buồn đập cánh...
Nhìn lại văn chương tuổi Tỵ xuyên suốt thế kỷ XX, có thể nhận diện rõ rằng, có những tác giả, tác phẩm tài danh còn lưu mãi với thời gian, trong đó có Nhất Linh, Nam Cao, Thanh Tịnh, Thâm Tâm, Trần Mai Ninh, Lê Đạt... Nhất là đối với thế hệ ra đời sau chiến tranh, với những bước đi chập chững ban đầu trên con đường đã chi chít những dấu chân, nhưng nhìn cách thức họ đặt bàn chân, cách lập ngôn và thái độ dấn thân của mình, người đọc đang đặt nhiều niềm tin ở họ.
PHẠM PHÚ PHONG