’’5 XÂY’’, ’’ 3 CHỐNG’’

Trách nhiệm hơn, chuyên nghiệp hơn

07:51, 06/08/2015 (GMT+7)

Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 235 giờ/năm xuống còn 49,5 giờ vào cuối năm 2015 (ngang bằng với các nước ASEAN-6) là mục tiêu ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phải đạt được. Thực hiện mục tiêu này, ngành BHXH Đà Nẵng đã không ngừng yêu cầu cán bộ, công chức phải trách nhiệm hơn, chuyên nghiệp hơn.

Ngay từ đầu năm nay, cơ quan BHXH thành phố đã quyết liệt triển khai áp dụng giao dịch điện tử trên các lĩnh vực: BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đến các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động. Theo đó, các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động được ngành BHXH hỗ trợ tập huấn nghiệp vụ giao dịch điện tử, cài đặt miễn phí phần mềm iBHXH và các phần mềm hỗ trợ.

Ông Văn Phú Long, Trưởng phòng Thu của BHXH Đà Nẵng, cho biết tiện ích của giao dịch bằng hồ sơ điện tử không chỉ rút ngắn thời gian mà còn giảm số lần đi lại của tổ chức, đơn vị sử dụng lao động. Thực hiện giao dịch điện tử bằng phần mềm iBHXH các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động chỉ làm động tác khai báo thông tin qua mạng. Đến khi được phía cơ quan BHXH phản hồi chấp nhận hồ sơ điện tử, tổ chức, đơn vị sử dụng lao động chỉ một lần đem hồ sơ giấy đến cơ quan BHXH để kiểm tra, đối chiếu và nhận kết quả.

Mới đây, BHXH Đà Nẵng đã ký hợp đồng với Bưu điện Đà Nẵng việc Bưu điện cung ứng dịch vụ chuyển hồ sơ giấy giữa tổ chức, đơn vị sử dụng lao động với cơ quan BHXH. Chi phí cho dịch vụ này do cơ quan BHXH chi trả. Như vậy, áp dụng giao dịch điện tử kết hợp với sử dụng dịch vụ chuyển hồ sơ qua đường bưu điện thì tổ chức, đơn vị sử dụng lao động không cần phải đến cơ quan BHXH. Việc triển khai áp dụng giao dịch điện tử và dịch vụ chuyển hồ sơ qua bưu điện được các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động đồng tình vì tiết kiệm rất lớn thời gian để làm thủ tục hành chính liên quan BHXH.

Theo ông Long, việc áp dụng giao dịch hồ sơ điện tử thuận lợi cho tổ chức, đơn vị sử dụng lao động, song tăng khối lượng công việc cho cán bộ, công chức của ngành BHXH vì phương thức làm việc đã thay đổi. Trước đây, cán bộ chỉ tiếp nhận hồ sơ giấy đã đầy đủ, hợp lệ, trả lại những hồ sơ chưa đầy đủ, có sai sót để giải quyết lần tiếp nhận sau. Nay cán bộ phải sử dụng máy vi tính hướng dẫn người của tổ chức, đơn vị sử dụng lao động khai báo thông tin, hiệu chỉnh từng hồ sơ cho đến khi tất cả hồ sơ đều đúng mới phản hồi chấp nhận và hoàn thành việc giao dịch điện tử. Giao dịch điện tử là phương thức làm việc rất mới nên nhiều tổ chức, đơn vị sử dụng lao động còn lúng túng, cần sự hỗ trợ trực tiếp từ cán bộ, công chức của ngành BHXH.

Có trường hợp phần mềm gặp sự cố, ngành BHXH phải cử cán bộ trực tiếp đến các trụ sở làm việc của tổ chức, đơn vị để xử lý. Việc thực hiện các thủ tục hành chính của ngành liên quan đến 3 bộ luật: Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp cùng rất nhiều văn bản dưới luật khác. Quá trình thực hiện rất dễ phát sinh sai sót, buộc phải điều chỉnh, gây mất thời gian.

Do đó, lãnh đạo BHXH thành phố yêu cầu cán bộ, công chức toàn ngành phải quyết liệt triển khai áp dụng giao dịch điện tử, nỗ lực nâng cao trách nhiệm, tính chuyên nghiệp để đạt được mục tiêu về đích 100% trong tổng số hơn 5.397 tổ chức, đơn vị sử dụng lao động áp dụng giao dịch điện tử trước cuối tháng 12-2015.

Đến nay, toàn thành phố đã có 2.553 tổ chức, đơn vị sử dụng lao động (chiếm 43,6%) áp dụng phần mềm iBHXH để thực hiện giao dịch điện tử. Số lượng hồ sơ điện tử đã thực hiện thành công từ đầu năm đến nay là 1.744 hồ sơ.

ĐOÀN SƠN

.