Chính trị
Đẩy lùi tình trạng quan liêu, cửa quyền trong bộ máy quản lý
ĐNO - Mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị phải luôn nhận thức việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là một nội dung công tác thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ của mình. Qua đó, góp phần đẩy lùi tình trạng quan liêu, cửa quyền trong bộ máy quản lý của cơ quan, đơn vị nhằm xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh và thực hiện tốt cải cách hành chính.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: T. HUY |
Đó là ý kiến tham luận của Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường tại hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng 6-9.
Theo Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trần Chí Cường, trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), việc Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành và thực hiện trên thực tế rất thiết thực, thể chế hóa quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, hiện thực hóa ý nguyện, tâm tư của người dân về quyền làm chủ của nhân dân.
Do đó, việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của các cơ quan chức năng cần ưu tiên trước nhất để luật sớm được thực thi trong thực tiễn, theo đúng tinh thần pháp luật vì con người, bảo đảm đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của con người, công dân; trong đó có các quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Quá trình triển khai, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng nội dung của luật trong các tầng lớp nhân dân, không ngừng nâng cao nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ ở cơ sở.
Chủ động trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân. Làm cho người dân thấy rõ, chỉ khi nào người dân biết sử dụng và phát huy các quyền dân chủ thì lợi ích của Nhà nước, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân mới được bảo đảm.
Bên cạnh việc tuyên truyền, công tác thực thi luật rất quan trọng. Do đó, các bộ chủ quản cùng các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung nghiên cứu, phổ biến, quán triệt và có nhiều biện pháp triển khai kịp thời, đầy đủ, nghiêm túc, nhất là đối với các lực lượng trực tiếp, thường xuyên chịu trách nhiệm thực thi nhiệm vụ có liên quan.
Các cơ quan, đơn vị cần nâng cao hiệu quả hoạt động của chế độ thực hành dân chủ nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; bồi dưỡng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở, trực tiếp là cấp phường, xã, thị trấn để họ thực sự là "công bộc của nhân dân", làm việc vì lợi ích của nhân dân, góp phần tạo dựng niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc ở cơ quan; tăng cường công tác giáo dục rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên.
T. HUY