Chính trị
Đề xuất công chức hóa người hoạt động không chuyên trách ở cấp phường, xã
Mặc dù thành phố đã tạo điều kiện hỗ trợ, nâng mức thu nhập cho người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã cao gấp 3 lần so với các địa phương khác để họ an tâm công tác nhưng đây chưa phải là giải pháp căn cơ. Nhiều ý kiến đề xuất, nên công chức hóa người hoạt động không chuyên trách cấp phường, xã.
Nhiều ý kiến đề xuất nên công chức hóa người hoạt động không chuyên trách cấp phường, xã. TRONG ẢNH: Người hoạt động không chuyên trách đang làm việc tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu). |
Đà Nẵng là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước. Ngoài 45 phường thuộc 6 quận đang thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, tốc độ đô thị hóa tại huyện Hòa Vang hiện nay khá nhanh, cả về diện mạo đô thị và lối sống thị dân. Điều này dẫn đến yêu cầu chất lượng, năng lực về công tác quản lý, điều hành và thực thi công vụ của cán bộ, công chức cấp xã phải nâng lên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Dĩ nhiên, yêu cầu đối với người hoạt động không chuyên trách cấp phường, xã của thành phố cũng không ngoại lệ so xu thế phát triển hiện nay.
Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) Hồ Thị Cẩm Nhung nhìn nhận, người hoạt động không chuyên trách cấp phường hiện nay thực hiện nhiệm vụ của họ ngang bằng với công chức, cán bộ phường. Do đó, cần giảm dần, đi đến xóa bỏ chế độ người hoạt động không chuyên trách, tăng dần và ổn định lực lượng công chức phường để bảo đảm hoạt động điều hành, quản lý, triển khai nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Ý kiến này được hầu hết lãnh đạo các phường, xã trên địa bàn thành phố ủng hộ. Tại buổi giám sát của Thường trực HĐND thành phố với quận Hải Châu về triển khai nhiệm vụ chính trị của địa phương gắn với thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, lãnh đạo Phòng Nội vụ quận Hải Châu cho rằng, trong điều kiện phát triển đô thị mạnh mẽ như hiện nay, áp lực công tác quản lý, điều hành của chính quyền phường rất lớn. Cùng với đó, việc thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương làm tăng khối lượng công việc lên vai cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp phường của thành phố. Trong khi đó, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp phường chưa hợp lý. “Cùng trình độ chuyên môn, thời gian làm việc, trách nhiệm chính trị với công việc… đều giống nhau, mà chế độ chính sách lại khác hẳn”, đại diện Phòng Nội vụ quận chia sẻ.
Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) Bùi Trung Khánh đề xuất cần giảm dần số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp phường và tăng số lượng công chức để bảo đảm quyền lợi và tạo động lực phấn đấu cho đối tượng này. Hiện nay, người hoạt động không chuyên trách ở cấp phường, xã đều có trình độ đại học trở lên và có khả năng chịu áp lực trước khối lượng công việc ngày càng tăng trong điều kiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị.
Bí thư Đảng ủy phường Tân Chính (quận Thanh Khê) Hồ Văn Dũng kiến nghị, cần thống nhất một loại cán bộ, công chức cấp phường trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị. Hiện nay, cấp phường có 3 loại cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách. Thực tiễn cho thấy, người hoạt động không chuyên trách cấp phường, về phân công nhiệm vụ, đề án vị trí việc làm, kể cả quy trình tuyển dụng, quy định sử dụng cán bộ, công chức, thời gian làm việc, đều thực hiện như cán bộ, công chức, bảo đảm sự lãnh đạo chung của Đảng. Điểm khác đáng kể là người hoạt động không chuyên trách chỉ nhận phụ cấp và mức đóng bảo hiểm xã hội rất thấp, không có chế độ thai sản đối với nữ…
Tại hội nghị của thành phố sơ kết 3 năm triển khai thí điểm tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội tổ chức ngày 30-8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đồng tình với quan điểm giảm dần số lượng người hoạt động không chuyên trách, đồng thời tăng tỷ lệ công chức cấp xã lên. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định mới vẫn phải thực hiện theo quy định hiện hành. Việc thí điểm tổ chức chính quyền đô thị phải bảo đảm quy định của Đảng và Hiến pháp. Do đó, trên cơ sở các nghị quyết, nghị định, quy định của Trung ương đã ban hành, thành phố cần rà soát, xem xét và kiến nghị áp dụng theo hướng, cơ chế nào có lợi, tối ưu nhất thì triển khai thực hiện.
Tại Khoản 2, Điều 11 - hiệu lực thi hành của Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội: Về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, có nêu: Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng theo quy định của nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn nghị quyết này, việc áp dụng do HĐND thành phố quyết định.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho rằng, đây là cơ sở để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của Đà Nẵng khi thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, nhất là việc xem xét áp dụng Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10-6-2023 của Chính phủ về quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, có hiệu lực từ ngày 1-8-2023. Trong báo cáo sơ kết 3 năm thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, thành phố nêu kiến nghị lên Chính phủ: đề nghị quy định số lượng cán bộ, công chức phường tại thành phố Đà Nẵng bảo đảm sự tương đồng về số lượng công chức theo số dân và diện tích theo quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP.
Hiện nay, do thành phố đang thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị nên việc áp dụng Nghị định số 33/2023/NĐ-CP chưa được triển khai. Nghị định số 33/2023/NĐ-CP đã tháo gỡ rất nhiều bất cập, khó khăn cho người hoạt động không chuyên trách. Tuy nhiên, từ thực tiễn của Đà Nẵng, lãnh đạo các phường của thành phố vẫn cho rằng, ngay cả việc áp dụng chính sách mới cho đối tượng này theo nghị định mới vẫn chưa bảo đảm công bằng và tạo động lực cho đối tượng người hoạt động không chuyên trách cấp phường, xã.
TRỌNG HUY