Chính trị
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay
LTS: Ngày 28-9-2023, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 6-11-2013 về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới. Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, việc Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức tổng kết Chỉ thị số 29-CT/TU vào thời điểm hiện nay phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố, nhằm đánh giá những kết quả đạt được thời gian qua, rút ra bài học kinh nghiệm; tiếp tục nhân rộng, phát huy những cách làm hiệu quả; đồng thời, đề ra các giải pháp hiệu quả, phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai trong thời gian đến. Báo Đà Nẵng trân trọng kính giới thiệu toàn văn bài phát biểu tại hội nghị của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng có đề tựa: “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay”.
Vệt đô thị thành phố Đà Nẵng ven sông Hàn. Ảnh: KIM LIÊN |
Thưa toàn thể các đồng chí tham dự hội nghị,
Theo chương trình công tác, hôm nay, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 06-11-2013 về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới. Đây là một nội dung quan trọng, được Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng; thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, tôi biểu dương Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố, các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy trong công tác chuẩn bị hội nghị; đánh giá cao các tham luận đã chuẩn bị và những ý kiến phát biểu tại hội nghị. Đặc biệt, cách đây 3 ngày, Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức Tọa đàm về “Các giải pháp khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay” với hơn 350 đại biểu là lãnh đạo chủ chốt các cơ quan, đơn vị, các sở, ban, ngành từ thành phố đến quận, huyện để tham gia đóng góp ý kiến phục vụ cho nội dung hội nghị tổng kết hôm nay.
Việc Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức tổng kết Chỉ thị số 29-CT/TU vào thời điểm hiện nay là phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố, nhằm nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được trong thời gian qua, rút ra bài học kinh nghiệm, tiếp tục nhân rộng, phát huy những cách làm hiệu quả, đồng thời, đề ra các giải pháp phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai trong thời gian đến.
Thưa các đồng chí,
Chỉ thị số 29-CT/TU ra đời trong bối cảnh thành phố xác định việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là khâu đột phá, làm cơ sở, nền tảng để triển khai các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. Qua 10 năm thực hiện, với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khẳng định được đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với thực tiễn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và công cuộc xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng. Kết quả nổi bật trên một số lĩnh vực, như:
- Tập trung xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức bộ máy cả khối Đảng và Nhà nước trong 10 năm qua từng bước được tinh gọn, đảm bảo theo chủ trương, quy định của Trung ương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).
- Triển khai mạnh mẽ cải cách hành chính ở tất cả các cấp theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; cả khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể và khối Chính quyền đều triển khai các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, điều hành; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giúp tiết kiệm được chi phí hành chính và tiết kiệm thời gian xử lý công việc phục vụ tốt hơn nhu cầu của Nhân dân. Từ những kết quả đó, thành phố 13 năm liên tiếp (2009-2022) dẫn đầu bảng xếp hạng khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin Việt Nam (Việt Nam ICT Index); 03 năm liên tiếp (2020-2022) đạt giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam; 2 năm liên tiếp (2021-2022) xếp hạng Nhất trong khối các tỉnh, thành về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; mới đây, thành phố nhận giải thưởng Thành phố thông minh Seoul do tổ chức các thành phố thông minh bền vững thế giới và chính quyền thành phố Seoul xét chọn.
- Công tác phân cấp, ủy quyền được chú trọng, tập trung đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong xử lý công việc của các cấp chính quyền, phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, điều hành ở các cấp. Tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức được cải thiện; tích cực xây dựng hình ảnh người công chức tận tụy, thân thiện trong mắt người dân.
- Việc thực hiện “5 xây” (xây trách nhiệm, xây trung thực, xây chuyên nghiệp, xây kỷ cương, xây gương mẫu), “3 chống” (chống quan liêu, chống tiêu cực, chống bệnh hình thức) trở thành phong trào, tạo được sự lan tỏa sâu rộng về nhận thức, ý thức của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Thưa toàn thể các đồng chí,
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế mà chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, đó là:
- Công tác cải cách hành chính tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung chưa đáp ứng kỳ vọng của Nhân dân.
- Thái độ, tinh thần làm việc của cán bộ, công chức, viên chức tuy được cải thiện song vẫn còn một bộ phận cán bộ có biểu hiện thờ ơ, vô cảm, đặc biệt là tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Đồng thời, tại tọa đàm diễn ra vào ngày 25-9 vừa qua và qua các tham luận tại hội nghị hôm nay đã khẳng định tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ là đang hiện hữu trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nhưng không phải là tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị thành phố. Hội nghị đã nhận diện ra nhiều biểu hiện cụ thể, nhưng thể hiện tập trung một số nhóm biểu hiện chính, đó là: (1) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn đối với những vấn đề tồn tại, vướng mắc nhiều năm; những vấn đề mới nhưng có mâu thuẫn trong áp dụng pháp luật hoặc pháp luật không còn phù hợp. Không chủ động tham mưu đề xuất và tổ chức thực hiện hoặc quyết định các công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao phụ trách. (2) Tham mưu lòng vòng, không nêu rõ quan điểm chính kiến, tham mưu không rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm đối với công việc được giao. (3) Tìm cơ sở, căn cứ để không làm, hoặc tìm cách đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc chuyển sang cơ quan, đơn vị, cá nhân khác trong khi công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của mình; điều này là khá phổ biến khi cùng một vấn đề có quy định khác nhau thì chỉ áp dụng những quy định có lợi cho mình, đẩy trách nhiệm cho cơ quan khác hoặc lệ thuộc vào các cơ quan tư vấn. Khi được hỏi hoặc xin ý kiến thì không trả lời hoặc trả lời không rõ quan điểm, chậm trễ trong việc tiếp thu, trả lời các vấn đề thuộc thẩm quyền. (4) Người đứng đầu đùn đẩy, né tránh, giao cho cấp phó trả lời hoặc cung cấp thông tin; những việc thuộc thẩm quyền quyết định của mình nhưng không quyết định mà để người khác quyết định hoặc ký thay. (5) Nội dung chỉ đạo chung chung, khi có nhiều ý kiến khác nhau thì không quyết định, kết luận rõ ràng, không nêu quan điểm, chính kiến của mình, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới, yêu cầu bổ sung nhiều trình tự, thủ tục mới hoặc chờ đợi sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên và cơ quan chức năng hướng dẫn.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 12, bên trái sang) trao Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho các tập thể. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Qua tọa đàm và các ý kiến phát biểu tại hội nghị hôm nay cũng làm rõ nguyên nhân của thực trạng; đặc biệt, chúng ta thấy rõ hệ quả và sự tác động của vấn đề trên là rất lớn, không chỉ phủ nhận những thành tựu, sự cố gắng của cả hệ thống chính trị mà đây cũng là nguyên nhân chính gây nên sự giảm sút niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền; đặc biệt là ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Do vậy, việc kịp thời nhận diện và có các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên là vô cùng cấp thiết đối với thành phố trong tình hình hiện nay.
Trước tình hình đó, trên cơ sở nội dung Chỉ thị số 29-CT/TU, vừa qua Ban Thường vụ Thành ủy đã thảo luận và thống nhất chủ trương ban hành chỉ thị mới để thay thế Chỉ thị số 29-CT/TU nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ thành phố ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian đến, với quan điểm kế thừa những nội dung còn giá trị và bổ sung những nội dung, giải pháp mới phù hợp với tình hình và yêu cầu mới để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai trong toàn hệ thống chính trị với một số định hướng cơ bản như sau:
* Về tên gọi của chỉ thị mới: Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay”.
* Nội dung cơ bản của chỉ thị mới: Khái quát kết quả thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU, đánh giá thực trạng công tác cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương và việc thực hiện chế độ công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay, xác định biểu hiện và nguyên nhân của những hạn chế, trên cơ sở đó, tập trung định hướng các giải pháp để khắc phục, tập trung vào các nhóm vấn đề sau:
- Thứ nhất, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng của cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu ở từng cơ quan, địa phương, đơn vị trong cải cách hành chính và thực thi công vụ.
- Thứ hai, đối với công tác cải cách hành chính: Xác định các giải pháp lớn, cụ thể, trọng tâm để đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng và chính quyền; tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện quy trình giải quyết công việc theo hướng giản lược trình tự thủ tục, rõ về trách nhiệm cá nhân của từng vị trí công tác (đặc biệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Quyết định số 2090/QĐ-UBND ngày 26-9-2023 của UBND thành phố về việc ban hành quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước trong thực hiện công tác cải cách hành chính); thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các Đề án về phân cấp, ủy quyền, Đề án xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh, xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030… Triển khai các giải pháp khôi phục thứ hạng các chỉ số đánh giá quan trọng về môi trường kinh doanh như Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index). Tập trung rà soát các nội dung chồng chéo trong hệ thống pháp luật để tổng hợp, đề xuất Trung ương sửa đổi cho đồng bộ, phù hợp với thực tiễn.
- Thứ ba, các giải pháp về củng cố tổ chức bộ máy, công tác cán bộ: Tập trung hoàn thiện khung năng lực, vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; cải tiến quy trình quản lý, xác định rõ trách nhiệm đến mỗi cá nhân trong thi hành công vụ; kịp thời điều chuyển, thay thế cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, kể cả người đứng đầu khi có các biểu hiện né tránh, đùn đẩy, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ. Xây dựng cơ chế để người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định xử lý ngay các hành vi vi phạm như tạm đình chỉ công tác, chuyển đổi, bố trí công tác khi cán bộ không đáp ứng yêu cầu. Đổi mới cách thức đào tào, bồi dưỡng cán bộ theo hướng chú trọng đào tạo chuyên môn, kỹ năng xử lý tình huống thực tế, đào tạo theo cơ chế đặt hàng từ các sở, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị...
- Thứ tư, có cơ chế nhận xét, đánh giá của cấp ủy để bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung của thành phố theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung (Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định bổ sung nội dung này tại Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025).
- Thứ năm, tập trung và đề cao trách nhiệm của từng tập thể và cá nhân người đứng đầu trong việc chủ động rà soát, tự nhận diện các biểu hiện đùn đẩy, né tránh trong thực thi công vụ tại đơn vị mình để tự soi, tự sửa trong nội bộ; đưa ra các biện pháp phù hợp để cải cách thủ tục hành chính, xử lý kịp thời các hành vi né tránh, đùn đẩy. Đặc biệt, người đứng đầu phải nêu gương và phải nhận trách nhiệm cao hơn khi để xảy ra các vi phạm, hạn chế của cơ quan, đơn vị, không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm cho cấp dưới.
- Thứ sáu, rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy định về chế độ, chính sách khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, qua đó, tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến.
- Thứ bảy, tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công vụ; đưa nội dung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ là nội dung thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất; quy định chế tài cụ thể và công khai kết quả xử lý các trường hợp vi phạm, làm cơ sở để đánh giá, nhận xét, xem xét trong quá trình quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.
- Thứ tám, phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tạo các cơ chế giám sát trực tiếp của người dân (như qua đơn thư khiếu nại của công dân, việc tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy và việc đối thoại với người dân của người đứng đầu quận, phường) đối với việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong điều kiện thực hiện mô hình chính quyền đô thị, nhất là giám sát trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Sau khi ban hành chỉ thị, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, theo đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị cũng căn cứ chỉ thị và kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy để cụ thể hóa triển khai tại cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời, đề nghị:
- Ban Nội chính Thành ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy hoàn thiện nội dung của các biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nêu rõ tại chỉ thị mới của Ban Thường vụ Thành ủy để phổ biến đến từng chi bộ và đây cũng là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị xác định các hành vi vi phạm, là cơ sở để xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.
- Ban Tuyên giáo Thành ủy trên cơ sở kết quả hội nghị, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp, tuyên truyền về nội dung hội nghị; đồng thời, sau khi chỉ thị mới ban hành, tham mưu xây dựng kế hoạch quán triệt, triển khai thực hiện và tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để tạo sự lan tỏa trong xã hội.
- Văn phòng Thành ủy phối hợp với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố tiếp thu các ý kiến tại hội nghị để hoàn chỉnh chỉ thị mới; hoàn thành, gửi các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến để tổng hợp, trình ký ban hành chỉ thị trước ngày 15-10-2023.
- Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị tổ chức quán triệt tinh thần hội nghị đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Thưa các đồng chí,
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực và đạo đức công vụ có vai trò đặc biệt quan trọng, có tính chất quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị; do đó, trách nhiệm xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, đủ tầm là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cấp từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã; nhưng căn bản và quan trọng nhất vẫn là sự tự nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Nhân hội nghị này, một lần nữa, tôi mong muốn và kêu gọi các cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu nêu cao danh dự và lòng tự trọng; thấy rõ trách nhiệm của mình với Nhân dân và vì sự nghiệp phát triển của thành phố, để quyết tâm, quyết liệt vượt qua khó khăn làm đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình, mạnh dạn đề xuất và quyết định tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại của nhiều năm trước đây hoặc những vấn đề mới đặt ra nhưng có những mâu thuẫn trong quy định pháp luật hoặc các quy định không còn phù hợp để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra với động cơ trong sáng vì lợi ích của người dân và vì mục tiêu phát triển thành phố. Ban Thường vụ Thành ủy và cá nhân Bí thư Thành ủy sẽ luôn đồng hành, ủng hộ và có đánh giá cụ thể đối với những cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, dám làm những việc khó khăn, phức tạp, với động cơ trong sáng vì lợi ích chung; sự đồng hành này sẽ được Ban Thường vụ Thành ủy thảo luận, cụ thể hóa vào những nội dung, giải pháp của chỉ thị mới và bổ sung vào Quy chế làm việc của Thành ủy; theo đó, đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị cũng tiếp thu, thực hiện nghiêm túc, tạo nên cơ chế đồng bộ, thống nhất để cán bộ yên tâm công tác, yên tâm cống hiến.
Tôi tin tưởng rằng, sau hội nghị hôm nay, với sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng và với trách nhiệm của mình, toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực trong thực thi công vụ; chúng ta sẽ cùng nhau quyết tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đẩy lùi những biểu hiệu tiêu cực, qua đó, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của Nhân dân. Một lần nữa, xin cảm ơn các đồng chí đã tham dự hội nghị đông đủ, nghiêm túc, xin kính chúc các đồng chí đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Xin thay mặt chủ trì, tôi xin tuyên bố bế mạc hội nghị.
Xin trân trọng cảm ơn!
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng NGUYỄN VĂN QUẢNG