Chính trị
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố góp ý nhiều nội dung quan trọng
Ngày 27-10, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về việc điều chỉnh một số nội dung Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng thảo luận tại tổ 11 cùng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Tuyên Quang, Tây Ninh và Sơn La.
Thảo luận tổ việc điều chỉnh một số nội dung Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội, đại biểu Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố, đề nghị Chính phủ cần làm rõ việc lùi thời gian công tác giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư từ năm 2021 sang năm 2024. Việc lùi do tác động bởi các yếu tố khách quan, đặc biệt là Covid-19 thì chấp nhận được nhưng trong nghị quyết, một vấn đề đặt ra là việc đầu tư xây dựng giai đoạn 1 của sân bay, hoàn thành một đường băng và một nhà ga để đón được khách trong năm 2025. Theo đại biểu, việc lùi thời gian công tác giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư cần làm rõ việc hoàn thiện giai đoạn 1 có lùi thời gian hay vẫn thực hiện và liệu tiến độ thực hiện có bảo đảm theo đúng nghị quyết của Quốc hội hay không.
Liên quan đến Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu Trần Chí Cường thống nhất cần có cơ chế, chính sách đặc thù. Góp ý làm rõ hơn các nội dung của dự thảo nghị quyết, đại biểu đề nghị cần làm rõ tỷ lệ vốn góp của Nhà nước tham gia dự án theo hình thức đối tác công-tư. Việc tăng tỷ lệ vốn của Nhà nước tham gia, liệu có khả thi khi triển khai trong thực tế. Vì vậy cần phải nghiên cứu tổng thể các vấn đề vướng mắc, phát sinh.
Tại Điều 6 của dự thảo nghị quyết, đại biểu đề nghị bổ sung quy định: đối với ngân sách địa phương thì HĐND cấp tỉnh, thành phố thống nhất, quyết định việc đầu tư cho địa phương bên cạnh để kết nối giao thông giữa các địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội. Điều 8 của dự thảo nghị quyết về việc đề xuất bố trí nguồn tăng thu năm 2022 cho dự án khởi công mới, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, cân đối lại. Những dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đủ điều kiện, đủ tiêu chí theo Luật Đầu tư công thì mới bố trí vốn theo đúng quy định...
Phát biểu thảo luận Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Duy Minh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cho biết, trong thời gian qua, cả nước đưa vào khai thác 1.729km đường cao tốc và đang xây dựng 1.636km đường cao tốc, tạo điều kiện thuận lợi giao thương kinh tế, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn, trong giai đoạn 2001-2020, khối lượng đường cao tốc làm rất lớn và chính sách pháp luật cơ bản hoàn thiện, vậy có nhất thiết phải có thêm một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Đi vào từng chi tiết cụ thể, đối với việc nâng mức đầu tư của các dự án, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị cơ quan soạn thảo cần phân tích, làm rõ thêm nhằm tạo sức hút cho các nhà đầu tư khi tham gia. Bên cạnh đó, về thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án quốc lộ cao tốc đi qua các địa phương, Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND cấp tỉnh làm chủ quản thực hiện các dự án đầu tư, đây là sự cần thiết bởi quy định hiện hành không cho phép sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương.
Đối với việc tách giải tỏa các dự án giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng, đại biểu cho rằng dự thảo nghị quyết không đề cập. “Thời gian tới, khi tuyến đường cao tốc triển khai thực hiện thì khối lượng giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư sẽ rất lớn. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần quan tâm, nghiên cứu để tách giải tỏa các dự án, giải phóng mặt bằng thành dự án riêng”, đại biểu Minh đề xuất.
NGỌC PHÚ - VŨ HƯNG