Chính trị
Phát huy vai trò xung kích của báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
ĐNO - Cần phát huy vai trò xung kích của báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt trong trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong các phương thức làm báo hiện đại phục vụ công tác này.
Đó là định hướng của Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam Trần Trọng Dũng tại hội nghị “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số” dành cho Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sáng 6-10 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam Trần Trọng Dũng phát biểu đề dẫn tại hội nghị. Ảnh: T. HUY |
Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng, trong những năm qua, báo chí đã tạo ra khí thế sôi nổi, lan tỏa và tạo động lực cho toàn xã hội trong việc tham gia vào các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước. Trong đó, có việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Báo chí tích cực phổ biến tư tưởng, chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, tuyên truyền hiệu quả các quyết sách lớn về chính trị - kinh tế của đất nước; nhận diện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chủ động đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, những quan điểm sai trái của các phần tử cơ hội chính trị; phê phán việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, vấn đề chủ quyền biển, đảo… để kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Công tác thông tin, tuyên truyền trên các cơ quan báo chí về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở cả Trung ương và địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Nhiều tờ báo lớn đã tập hợp được các nhà khoa học, nhà lý luận, hoạt động thực tiễn có uy tín, viết bài trực diện đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với những tuyến bài có chất lượng cao, tạo hiệu ứng xã hội tốt trên các chuyên mục, chuyên trang nổi bật.
Trong khi đó, ở báo chí địa phương, với lợi thế thông thạo và bám sát địa bàn, báo chí địa phương luôn là những người nhanh chóng phát hiện vấn đề; kịp thời xử lý các điểm nóng, gióng hồi chuông cảnh báo, đưa ra giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn các quan điểm sai trái, phản bác các thế lực thù địch, góp phần tạo sự ổn định chính trị để phát triển kinh tế ở địa phương.
Theo ông Trần Trọng Dũng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một đề tài khó. Nhà báo viết về đề tài này cần có trình độ nghiệp vụ chắc chắn, bản lĩnh chính trị vững vàng, có lòng trung thành với Đảng, trách nhiệm với Tổ quốc.
Công tác đấu tranh của các cơ quan báo chí cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, có sự phối hợp bài bản, nhuần nhuyễn giữa các cơ quan báo chí với nhau và với các cơ quan quản lý, có định hướng xuyên suốt của cơ quan chỉ đạo.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: T. HUY |
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung về yêu cầu đặt ra trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với các cơ quan báo chí hiện nay; những đặc thù trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của từng đơn vị, địa phương với các yếu tố địa - chính trị khác nhau, các vấn đề dân tộc, tôn giáo, văn hóa vùng miền riêng biệt,
Cùng với đó, làm rõ các kết quả đạt được, nhận diện những khó khăn, thách thức nảy sinh trong thực tiễn đấu tranh, từ đó phân tích, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, giải pháp thiết thực trong việc áp dụng những thành tựu của công nghệ số nhằm xây dựng chuyên mục và tổ chức tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giúp nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền.
Đồng thời nâng cao phẩm chất chính trị, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho đội ngũ những người làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đào tạo, rèn luyện lực lượng tham gia đấu tranh phản bác trong tình hình mới; xây dựng cơ chế, chính sách thỏa đáng để động viên, khuyến khích đội ngũ nhà báo chuyên tâm với nghề, luôn giữ vững phẩm chất, đạo đức của người làm báo cách mạng.
T. HUY