ĐNO - Sáng 3-11, phát biểu tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Duy Minh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, đề nghị bổ sung quy định về lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, xã trong quy hoạch đô thị ở những thành phố trực thuộc Trung ương.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh phát biểu thảo luận hội trường. Ảnh VŨ HƯNG |
Nghiên cứu kỹ trước khi thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Đại biểu Nguyễn Duy Minh đánh giá cao quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và cho rằng, dự thảo luật lần này cơ bản tiếp thu hầu hết các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tại các kỳ họp trước và tại hội nghị đại biểu chuyên trách vừa qua.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật trình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, còn nhiều nội dung, phương án khác nhau, chưa thống nhất như trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, kiến nghị Quốc hội thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ trước khi thông qua dự án Luật này.
Theo đại biểu, Luật Đất đai là luật chuyên ngành, rất quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước, đề nghị khẳng định hiệu lực pháp lý cao hơn của luật và xem xét bổ sung 1 điều về “Áp dụng pháp luật” như bản dự thảo lấy ý kiến nhân dân.
Đại biểu Minh cho rằng, Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội, lĩnh vực đất đai phát hiện có 61 nội dung bất cập, vướng mắc, việc bổ sung thêm 1 điều “Áp dụng pháp luật” tại Luật Đất đai chính là giải pháp để giải quyết các xung đột pháp luật, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn. Bên cạnh đó, tại khoản 2 và 3, Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định cụ thể song trên thực tế vẫn còn có những cách hiểu và áp dụng khác nhau.
“Tại kỳ họp này, dự kiến sẽ thông qua 3 luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và liệu rằng đã rà soát được hết các xung đột, mâu thuẫn hay chưa”, đại biểu trăn trở.
Bổ sung quy định về lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, xã
Về quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh quy định tại khoản 5, Điều 65 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thành phố trực thuộc Trung ương không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ quy hoạch đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay, các thành phố trực thuộc Trung ương vẫn có đơn vị hành chính là huyện và xã, không thuộc đối tượng quy hoạch đô thị quy định tại khoản 1, Điều 18 của Luật Quy hoạch đô thị.
Vì vậy, nếu không lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh sẽ không có căn cứ để lập quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất ở huyện, xã. Do đó, đề nghị sửa đổi Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị cho thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời bổ sung quy định về lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, xã trong quy hoạch đô thị ở những thành phố trực thuộc Trung ương.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 92 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay, việc xây dựng, thi công các dự án, nhất là các dự án cầu vượt, hầm chui… gây ảnh hưởng rất lớn đến nhà ở, hoạt động kinh doanh và cuộc sống của người dân ở các khu vực này. Tuy nhiên, việc xác định mức độ ảnh hưởng, giá trị thiệt hại và việc hỗ trợ, đền bù cụ thể chưa có cơ sở pháp lý để có chính sách phù hợp dẫn đến các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định bồi thường đối với trường hợp không thuộc diện thu hồi đất nhưng bị ảnh hưởng, giảm giá trị sử dụng đất khi đầu tư xây dựng công trình, dự án theo Điều 78, 79. Đồng thời, đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết điều này để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện.
Về giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, theo mục 2.2 phần 4, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có chủ trương: “Cơ bản thực hiện hình thức thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền một lần, phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, đảm bảo nguồn thu ổn định, tránh thất thoát ngân sách nhà nước...”.
Tuy nhiên, tại khoản 2 và 3 Điều 121 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp cận quy định theo loại đất trả tiền hàng năm hay một lần chứ chưa tiếp cận theo tính chất, mục đích sử dụng đất. Thực tế tại địa phương sẽ có phát sinh trường hợp cần huy động nguồn thu nhằm bổ sung nguồn vốn đầu tư công thì có thể quyết định thu tiền sử dụng đất một lần.
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư có nhu cầu được trả tiền thuê đất một lần để ổn định trong đầu tư, khai thác, sản xuất kinh doanh; nhất là trong việc thu hút các nhà đầu tư, vì nếu nộp tiền thuê đất một lần, các nhà đầu tư mới có cơ sở thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn phát triển đầu tư trở lại cho các dự án.
Mặt khác, khoản 2 Điều 121 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về các trường hợp nộp tiền sử dụng đất một lần là các trường hợp đầu tư ít sinh lợi, chậm thu hồi vốn như đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, nhà lưu trú công nhân… là chưa phù hợp, gây khó khăn cho nông dân, nhà đầu tư.
Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng thực hiện hình thức thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền một lần, phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước theo các tiêu chí cụ thể và giao thẩm quyền quyết định thu tiền sử dụng đất một lần cho HĐND cấp tỉnh, nhằm tăng tính chủ động, linh hoạt, kịp thời trong giải quyết các trường hợp cụ thể, đặc biệt đối với các dự án thu hút đầu tư.
NGỌC PHÚ – VŨ HƯNG