Chính trị
Giữ đảng viên cho Đảng - Bài cuối: Để những 'hạt giống đỏ' nảy mầm xanh
Để đảng viên nói chung và đảng viên là quân nhân xuất ngũ, sinh viên nói riêng gắn bó với chi bộ cơ sở, cần những hình thức sinh hoạt chi bộ phù hợp với thực tế của các đảng viên.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang thay mặt Ban Thường vụ Huyện ủy gặp gỡ, thăm hỏi đảng viên là đồng bào dân tộc và người có đạo trên địa bàn xã Hòa Châu. Ảnh: PV |
Quan tâm đời sống, tinh thần đảng viên
Hơn 5 năm qua, trên cơ sở đề xuất của đảng ủy các xã, Ban Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang tổ chức đi thăm và động viên những đảng viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật hay gặp trường hợp không may. Vào ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm, Huyện ủy tổ chức gặp mặt và tặng quà các đảng viên là đồng bào dân tộc và người có đạo. Đây cũng là dịp lãnh đạo huyện tìm hướng tạo nguồn phát triển đảng viên mới trong thời gian đến.
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nguyễn Văn Vân cho rằng, việc kịp thời động viên, thăm hỏi đảng viên cho thấy tổ chức đảng quan tâm đến từng đảng viên, thể hiện tình đồng chí, anh em. Trên hết, những đảng viên kinh tế gia đình còn khó, họ là trụ cột kinh tế, phải tập trung lo cho con cái, có thể làm giảm vai trò của đảng viên, ít gắn bó với tổ chức cơ sở đảng, thậm chí có nguy cơ “nhạt” Đảng nên tổ chức đảng theo sát đảng viên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng.
Huyện ủy cũng quán triệt đến người đứng đầu cấp ủy việc kiểm điểm, phê bình đảng viên phải luôn đi kèm với động viên, nắm bắt tâm tư, tình cảm. Nếu vắng sinh hoạt một buổi rồi đưa ra kiểm điểm mà không biết lý do sẽ tạo ấn tượng không tốt với đảng viên. Huyện ủy cũng ra nghị quyết chuyên đề về kiểm tra giám sát, hằng tháng hoặc quý đưa đảng viên vào diện kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh ý thức kỷ luật, mục đích cuối cùng là giữ đảng viên.
Đi làm ăn là yêu cầu chính đáng của tất cả mọi người cũng như đảng viên. Hầu hết các bí thư chi bộ linh động trong tổ chức sinh hoạt Đảng, thường tổ chức vào ban đêm hoặc ngày Chủ nhật để đảng viên là công nhân vẫn tham gia được. Bà Lưu Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, cho rằng để giữ chân đảng viên cần mở thêm các điều kiện tham gia sinh hoạt Đảng. Trường hợp công nhân là đảng viên ở nơi khác đến thành phố làm việc mà công ty không có tổ chức cơ sở đảng thì nơi cư trú phải tạo điều kiện để đảng viên sinh hoạt ghép.
Cùng quan điểm này, bà Lê Thị Hằng, Phó trưởng ban Tổ chức Quận ủy Liên Chiểu, cho rằng cần quy định cụ thể, nếu đảng viên đến địa phương mới và tạm trú hơn 12 tháng thì họ được phép sinh hoạt ghép với chi bộ nơi cư trú. Ngoài ra cần tạo điều kiện cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên xuất ngũ vay vốn, được hướng dẫn mô hình sản xuất, kinh doanh. Vì chỉ có ổn định cuộc sống mới đóng góp xây dựng quê hương. Nếu gặp những cán bộ, đảng viên nghỉ hưu xin ra khỏi Đảng vì lý do sức khỏe, Trung ương cần điều chỉnh quy định, theo đó thẩm quyền miễn sinh hoạt Đảng phải là đảng bộ cấp trên cơ sở, kèm theo đơn xin miễn sinh hoạt của đảng viên và cần có xác nhận của cơ quan y tế về tình trạng sức khỏe không bảo đảm việc tham gia sinh hoạt Đảng.
Tăng cường sức mạnh cho Đảng
Đảng viên trẻ chính là những “hạt giống đỏ”, có trình độ, nhận thức, tư duy hiện đại, là lớp kế tục sự nghiệp của Đảng. Song ý thức về chính trị tư tưởng, vai trò tiên phong, kỷ luật của đảng viên trẻ còn yếu. Do đó các cấp ủy cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức nhằm nâng cao tính tự giác, gương mẫu của đảng viên. Lớp đảng viên trẻ hiện nay tập trung chủ yếu vào nhóm quân nhân xuất ngũ và đảng viên là học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Để tăng cường sức mạnh cho Đảng, cần có những chi bộ thực hiện tốt nhiệm vụ ở địa phương, thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy sâu sát trong quản lý, nắm bắt diễn biến tư tưởng đảng viên. Bên cạnh đó, việc thực hiện công tác phối hợp giữa tổ chức đảng có đảng viên chuyển đi với tổ chức đảng có đảng viên chuyển đến cần chặt chẽ. Nơi chuyển đi thực hiện đầy đủ viết phiếu báo đảng viên chuyển sinh hoạt Đảng, nơi đảng viên chuyển đến tiếp nhận phiếu báo đảng viên chuyển sinh hoạt Đảng kịp thời. Hiện nay một số quy định về việc đảng viên giữ mối liên hệ, thời hạn bảo lưu, tham gia sinh hoạt đối với đảng viên làm ăn xa, đi nước ngoài và ở các doanh nghiệp không có tổ chức đảng còn bất cập.
Nhiều ý kiến cho rằng Ban Tổ chức Trung ương cần sớm ban hành quy định, hướng dẫn nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ phù hợp với thực tế của các đối tượng, các tổ chức đảng đặc thù. Có thể tổ chức sinh hoạt chi bộ theo hình thức trực tuyến đối với các đảng viên do làm ăn xa; có cơ chế quản lý chặt chẽ, quy định, hướng dẫn mới về việc giữ mối liên hệ với tổ chức đảng, thời gian bảo lưu sinh hoạt đối với các đảng viên thuộc diện đi xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác xây dựng, phát triển các tổ chức đảng ở các loại hình doanh nghiệp, xem đây là hướng đi nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, giúp đảng viên tham gia sinh hoạt Đảng tốt hơn. Và để phát triển Đảng mạnh về số lượng, chất lượng, thì công tác tạo nguồn cần sâu sát hơn nữa; công tác quản lý, giáo dục đảng viên là quân nhân xuất ngũ và giải quyết việc làm tại địa phương cho đảng viên xuất ngũ cần một đề án dài hơn, bài bản, sát với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương.
Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương “Về thi hành Điều lệ Đảng” quy định, đảng viên được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển công tác sang đơn vị mới, được nghỉ hưu, nghỉ mất sức, thôi việc, phục viên hoặc thay đổi nơi cư trú lâu dài thì trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày quyết định có hiệu lực hoặc thay đổi nơi cư trú phải làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng chính thức. Đồng thời, trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày giới thiệu chuyển đi, đảng viên phải xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng với chi ủy nơi chuyển đến để được sinh hoạt Đảng. Nếu quá thời hạn trên, đảng viên hoặc tổ chức đảng vi phạm phải báo cáo lý do cụ thể để cấp ủy có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. |
Theo ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, điều kiện tiên quyết để “giữ đảng viên cho Đảng” là các đảng viên ấy vẫn thực sự “muốn ở lại với Đảng”. Nếu không thực sự muốn ở lại với Đảng thì dẫu nơi chuyển đến có tổ chức đảng, vẫn chuyển hộ khẩu hay vẫn có nơi ở cố định… thì cũng không thể giữ được họ. Trong trường hợp đảng viên vẫn thực sự “muốn ở lại với Đảng” thì tổ chức đảng nơi đi hoàn toàn có thể hỗ trợ đảng viên của mình cho đến khi đảng viên ấy được tổ chức đảng nơi đến tiếp nhận. |
HOÀNG NHUNG