Chính trị

'TRỊ BỆNH' NÉ TRÁNH, ĐÙN ĐẨY, KHÔNG LÀM ĐÚNG, ĐẦY ĐỦ CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ: BẢO VỆ CÁN BỘ DÁM NGHĨ, DÁM LÀM

Bài cuối: Nêu cao danh dự, lòng tự trọng

06:09, 01/11/2023 (GMT+7)

Để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, cần có cơ chế bảo vệ, động viên, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm vì động cơ trong sáng; đồng thời mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, danh dự và lòng tự trọng để phục vụ nhân dân, phục vụ sự phát triển thành phố.

Hoàn thiện khung năng lực và vị trí việc làm

Theo ông Võ Công Trí, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, cần hoàn thiện hoặc đề xuất cấp thẩm quyền hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt trong những lĩnh vực như đầu tư, tài chính, ngân sách; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rà soát bãi bỏ các quy định không rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau hoặc mâu thuẫn với nhau dẫn đến không thực hiện được hoặc có thể đùn đẩy, trì hoãn chưa thực hiện ngay; bãi bỏ những thói quen xin ý kiến, xin chủ trương, chờ đợi sự thống nhất... 

Bên cạnh đó, tập trung rà soát, phát hiện các bất cập, sửa đổi những quy định có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch, đồng bộ, đồng nhất hơn. Đặc biệt, phải nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách; quy định rõ ràng, minh bạch quy trình, thời hạn giải quyết công việc; quy định rõ chức trách, nhiệm vụ, yêu cầu bắt buộc đối với CBCCVC tùy theo vị trí công tác và chức vụ đảm nhiệm. Đồng thời, phải có chế tài cụ thể, rõ hơn để xử lý nghiêm những trường hợp có những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, không tích cực thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bê trễ công việc.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh cho rằng, từng cơ quan, đơn vị tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc, quy định của cơ quan cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao và thực tiễn của cơ quan, đơn vị. Cần xác định khung năng lực, xây dựng vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới. Công tác đánh giá cán bộ cần gắn với kết quả sản phẩm công việc, bảo đảm tiến độ, đạt chất lượng; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đánh giá gắn với quy hoạch, sử dụng, bố trí cán bộ có năng lực vượt trội, nhất là năng lực thực tiễn một cách đồng bộ.

Theo ông Võ Công Chánh, Trưởng ban Nội chính Thành ủy, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cần thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, nhất là công tác đánh giá cán bộ; xây dựng tiêu chí để lượng hóa kết quả sản phẩm và kiên quyết hơn nữa trong khâu đánh giá cán bộ. Triển khai áp dụng việc đánh giá CBCCVC khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể hàng quý trên phần mềm; kịp thời chấn chỉnh những CBCCVC có biểu hiện né tránh, thận trọng một cách quá mức, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám quyết những việc trong thẩm quyền của mình, đùn đẩy trong công việc; chủ động phát hiện những khâu yếu, bộ phận yếu, cán bộ yếu để chấn chỉnh, củng cố tăng cường hoặc thay thế kịp thời, nâng cao chất lượng giải quyết công việc. 

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung

Ông Võ Công Trí cho rằng, cần ban hành các cơ chế, chính sách tạo được hành lang pháp lý để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám chịu trách nhiệm, dám tạo đột phá nhằm loại bỏ tâm lý e ngại, sợ sai, sợ vi phạm quy định, sợ bị kỷ luật mà không dám làm, không dám quyết. “Có như vậy, mới khai thông được các điểm nghẽn, ách tắc, trì trệ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tạo được nhiều điểm sáng mới trong tiến trình giải quyết công việc, phát triển kinh tế xã hội theo những mục tiêu tốt đẹp mà chúng ta đặt ra”, ông Trí nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Vĩnh cho rằng, cần bảo vệ đúng người, đúng việc đối với cán bộ dám làm, dám chịu và dám đột phá; kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo.  Còn theo ông Võ Công Chánh, cần có cơ chế cụ thể để khuyến khích đảng viên, CBCCVC dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách trong phạm vi chức trách, trách nhiệm được phân công. “Song song đó, cần có hành lang pháp lý để cán bộ, đảng viên có điều kiện phát huy dũng khí cùng nội lực nhằm giải tỏa tâm lý “sợ sai”, “sợ trách nhiệm” trong thực thi nhiệm vụ”, ông Chánh nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU, cho biết Ban Thường vụ Thành ủy đã thảo luận và thống nhất chủ trương ban hành chỉ thị mới để thay thế Chỉ thị số 29-CT/TU nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay.

Điểm đáng chú ý trong đó có cơ chế nhận xét, đánh giá của cấp ủy để bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung của thành phố theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã quyết định bổ sung nội dung này vào Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, việc xây dựng đội ngũ CBCCVC có đủ năng lực và đạo đức công vụ có vai trò đặc biệt quan trọng, có tính chất quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị; do đó, trách nhiệm xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, đủ tầm là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cấp từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã; nhưng căn bản và quan trọng nhất vẫn là sự tự nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng CBCCVC trong thực thi công vụ.

“Cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu nêu cao danh dự và lòng tự trọng; thấy rõ trách nhiệm của mình với nhân dân và vì sự nghiệp phát triển của thành phố, để quyết tâm, quyết liệt vượt qua khó khăn làm đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình, mạnh dạn đề xuất và quyết định tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại của nhiều năm trước đây hoặc những vấn đề mới đặt ra nhưng có những mâu thuẫn trong quy định pháp luật hoặc các quy định không còn phù hợp để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra với động cơ trong sáng vì lợi ích của người dân và vì mục tiêu phát triển thành phố”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.  

Tôn vinh, khen thưởng xứng đáng cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo
Để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, ngày 29-9, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP. Nghị định nhấn mạnh, cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện, có kết quả đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị được ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng xứng đáng. Trong trường hợp đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra, gây ra thiệt hại nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung, sẽ được áp dụng biện pháp bảo vệ cán bộ.
Nghị định cũng quy định rõ những việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân không được làm như lợi dụng chính sách để thực hiện hoặc bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vi phạm kỷ luật; cản trở, gây khó khăn, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cán bộ năng động, sáng tạo; né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong trình tự, thủ tục phê duyệt và triển khai thực hiện các đề xuất đổi mới, sáng tạo; xử lý trách nhiệm với cán bộ khi đã được đánh giá là hoàn thành...
Vai trò người đứng đầu đặc biệt quan trọng
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho rằng, phải đặc biệt nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cấp ủy. Người đứng đầu, nếu không nắm được chuyên môn, năng lực trình độ hạn chế, lại sợ trách nhiệm, không sâu sát CBCCVC dưới quyền… thì khó có thể quản lý, điều hành cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt được nhiệm vụ; CBCCVC dưới quyền sẽ đùn đẩy, né tránh công việc. “Thực tế ở các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, nơi đâu có người đứng đầu dám làm, dám chịu trách nhiệm thì nơi đó công việc trôi chảy, tình hình vẫn phát triển tốt”, ông Trí nhấn mạnh.
Phân loại thành 3 đối tượng để nhận diện đúng, trúng
Dưới góc nhìn của Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Lê Thị Mỹ Hạnh, để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, cần phân loại thành 3 đối tượng để nhận diện đúng, trúng, tránh được việc xử lý oan sai. Trước hết, đối với trường hợp đảng viên, CBCCVC lâu nay tích cực, xông pha nhưng hiện nay nhận thấy cơ chế quản lý đánh đồng công - tội, nên họ ngại, dẫn tới né tránh. Trường hợp này, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, địa phương phải động viên, lắng nghe, tháo gỡ điểm nghẽn. Đối với trường hợp đảng viên, CBCCVC luôn có thái độ đùn đẩy, né tránh, việc có lợi cho mình thì làm, không có lợi thì để đó. Trường hợp này cần phải kịp thời phê bình, nhắc nhở, chấn chỉnh, nếu không có chuyển biến thì phải xử lý nghiêm. Đối với trường hợp đảng viên, CBCCVC lâu nay phấn đấu tốt, dấn thân thì phải ghi nhận, đánh giá cao. “Khi phân loại đúng, trúng đối tượng thì việc xử lý sẽ được đối tượng tâm phục, khẩu phục và rèn luyện, giáo dục được đối tượng”, bà Mỹ Hạnh nhấn mạnh.

THẢO NHI - NGỌC PHÚ

.